Theo khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động, tại các cửa hàng vật liệu xây dựng trên địa bàn TP HCM, giá cát xây dựng những ngày qua liên tục "nhảy múa".
Các dự án nhà rẻ gặp khó
Theo bảng niêm yết của cửa hàng Thiên Long (đường Lê Văn Lương, quận 7) ngày 31-3, giá cát là 220.000 đồng/m3, ngày 8-4 tăng 320.000 đồng/m3, ngày 30-4 đạt cột mốc 510.000 đồng/m3 nhưng hiện nay đã lên đến 695.000 đồng/m3.
Chủ cửa hàng này cho hay đến nay thì không còn khái niệm đi mua cát mà phải gọi là "săn", "đặt gạch" để có được cát xây dựng. "Lúc trước, tôi có 7 đầu mối cung cấp cát thường xuyên để sử dụng. Nay chỉ còn 2 đầu mối và cát lấy từ Long An, Tiền Giang lên TP HCM nên chi phí vận chuyển rất cao. Chưa kể, nhu cầu nhiều nhưng số lượng cát khai thác có giới hạn" - chủ cửa hàng nói.
Tại một cửa hàng khác trên đường Võ Văn Kiệt (đoạn thuộc quận 6), trong vai người có nhu cầu mua vật liệu xây dựng để san lấp đất làm nhà, phóng viên nhận được lời đề nghị đặt cọc 10% số tiền và hẹn 2 hôm sau mới có hàng. Đại diện cửa hàng này giải thích nếu mua cát có giấy phép, giá rất cao và cũng không thể mua được, còn mua cát hút lậu do bị kiểm soát chặt nên đặt hàng trước mới dám khai thác với số lượng hạn chế.
Bà Phạm Thị Kim Xuân, Tổng Giám đốc Công ty CP Đề Tam, cũng đang lo lắng khi giá cát xây dựng tăng từng ngày. Dự báo tình hình xây dựng sẽ chững lại hoặc giá thành nhà tăng cao, nhất là những dự án nhà giá rẻ sẽ khó "trụ" được. "Ngay lúc này, các cơ quan chức năng cần có trách nhiệm giám sát việc cấp phép lại một số đơn vị khai thác cát, tất nhiên phải đánh giá sản lượng năm, tác động môi trường xung quanh" - bà Xuân nói.
Cần tổ chức lại nguồn cung cấp cát
Theo Sở Xây dựng TP HCM, hiện nay, cát phục vụ công trình xây dựng ở TP bị thiếu hụt khoảng 30%-40%. Vừa qua, Sở Xây dựng đã trình dự thảo báo cáo về việc đánh giá, quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng ở TP HCM đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cho UBND TP. Trong đó, sở đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm bảo đảm sự cân bằng trong cung - cầu ngành vật liệu xây dựng, đặc biệt nhu cầu về sử dụng cát xây dựng.
Hiện vẫn chưa có cơ sở đánh giá về tỉ lệ các công trình sử dụng nguồn cát chính thống hay là cát lậu. Qua quá trình thanh kiểm tra, hầu hết các đơn vị thi công đều có hóa đơn đầy đủ. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tình trạng dùng cát hút trộm để sử dụng, thậm chí cát lậu len lỏi rất nhiều ở các công trình xây dựng.
Bà Nguyễn Ngọc Thanh - Trưởng Phòng Vật liệu xây dựng Sở Xây dựng TP HCM - cho hay theo nguyên tắc, địa phương không được lấy nguyên liệu tỉnh mình chuyển sang tỉnh khác. Gỡ bỏ được vấn đề này sẽ gỡ khó cho thị trường.
Do đó, bà Thanh kiến nghị cần nhanh chóng có sự chỉ đạo từ trung ương về việc tổ chức lại nguồn cung cấp cát chính thống bởi hiện nay, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Nai, Bến Tre vẫn còn khá nhiều mỏ cát có sản lượng lớn. Nếu được chấp thuận, các địa phương sẽ phối hợp vận chuyển nguồn hàng từ nơi khai thác đến nơi cần, qua đó sẽ cân đối được nguồn cung - cầu.
TS Trần Quang Liên, chuyên gia về ngành vật liệu xây dựng, cho hay hiện vẫn chưa có nguyên liệu thay thế cát tự nhiên để sử dụng vào công trình xây dựng. Nếu có, chắc chắn giá sẽ cao hơn cát tự nhiên.
"Phải có một dự án đánh giá tình hình tài nguyên cát ở ĐBSCL và các tuyến sông khác. Từ đó đưa ra những con số cho phép khai thác mà không ảnh hưởng đến đời sống, môi trường của người dân địa phương. Ngoài ra, phải so sánh việc dùng cát san lấp hình thành dự án so với việc hút cát, nạo vét cái nào lợi hơn và gây hậu quả sau này hơn. Tất cả phải xem xét, đánh giá kỹ" - ông Liên phân tích.
Chủ đầu tư tìm mọi cách bù lỗ
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, nhìn nhận hiện TP HCM có một số công trình cần phải sử dụng lượng cát rất lớn để san lấp mặt bằng gồm 1 dự án khu đô thị ở quận 2 và dự án cao cấp tại biển Cần Giờ. Chưa kể sắp tới, hàng loạt công trình và dự án nhà giá rẻ ở huyện Củ Chi, quận 9.
"Giá cát tăng sẽ khiến chi phí xây dựng tăng theo, gây khó khăn cho chủ đầu tư. Đặc biệt, với những hợp đồng góp vốn để bù khoản lỗ, chủ đầu tư sẽ tìm mọi cách bù lại, chẳng hạn bớt một vài công trình hoặc thay đổi kết cấu…Còn giải pháp soạn lại hợp đồng chắc chắn sẽ không xảy ra" - ông Châu nhận định.
Nguồn: Lê Phong/Người lao động