Theo báo cáo của công ty tư vấn đường châu Âu CovrigAnalytics, các nhà kinh doanh đường tiếp tục điều chỉnh giảm ước tính sản lượng đường của Brazil, nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới, chiếm tới 40% xuất khẩu đường toàn cầu, bởi họ tin rằng hạn hán khắc nghiệt và sương giá sẽ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.
Tuy nhiên, việc Brazil mất mùa mía lại là cơ hội cho các nước khác gia tăng xuất khẩu đường trong niên vụ này, trong đó lợi thế nhất sẽ là Ấn Độ - nước sản xuất đường lớn thứ 2 thế giới.
Theo ông Abinash Verma, Tổng Giám đốc Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ (ISMA), nước này sẽ có thể xuất khẩu 6 - 7 triệu tấn đường trong năm 2021. Năm ngoái, Ấn Độ đã xuất khẩu kỷ lục gần 6 triệu tấn đường và năm nay, họ dự kiến sẽ lập kỷ lục mới với khoảng 6,8 đến 7 triệu tấn.
Tại Ấn Độ, sự gia tăng giá toàn cầu đã khiến các nhà máy sản xuất đường của nước này đặt mục tiêu tăng sản lượng đường thô. Các nhà máy của Ấn Độ thường sản xuất đường trắng để tiêu thụ trong nước và sản xuất một lượng nhỏ đường thô để xuất khẩu. Những mặt hàng xuất khẩu này có thể giới hạn giá toàn cầu và giúp thúc đẩy nguồn cung ở châu Á.
Các nhà máy đã ký hợp đồng xuất khẩu khoảng 725.000 tấn đường thô và 75.000 tấn đường trắng cho lô hàng từ tháng 11 - tháng 1, theo các thương nhân. Tuy nhiên, nhiều nhà máy ở phía tây Maharashtra muốn bán ngay tại chỗ thay vì ký hợp đồng trước và chờ đợi giá tăng thêm nên họ chưa bán ra.
Praful Vithalani, chủ tịch Hiệp hội Thương mại Đường Toàn Ấn Độ (AISTA), cho biết các nhà xuất khẩu sẵn sàng mua đường thô với giá khoảng 32.000 rupee (431 USD)/tấn, nhưng các nhà sản xuất chưa sẵn sàng bán.
Nhu cầu xuất khẩu mạnh đã nâng giá đường nội địa SUG-MMZR-NCX lên 10% kể từ giữa tháng 7 đạt mức cao nhất trong gần 4 năm.
Nguồn: VITIC/Reuters, CNBC