Cụ thể, tính tới cuối tháng 9, giá trị lượng hàng tồn kho của công ty Renesas Electronics Nhật Bản, NXP Semiconductors của Hà Lan, Infineon Technologies của Đức, STMicroelectronics – có trụ sở tại Thụy Sỹ và Texas Instruments – trụ sở tại Mỹ đều đã tăng lên.
DẤU HIỆU KHỞI SẮC CHO NGÀNH CHIP Ô TÔ
Theo các nhà phân tích, do nhu cầu chip ô tô vẫn ở mức cao, triển vọng trong những tháng tới vẫn còn bất định. Tuy nhiên, giá trị hàng tồn kho tăng lên cho thấy rằng, nhờ các hãng chip thúc đẩy mạnh sản lượng, những hạn chế về nguồn cung buộc nhiều hãng ô tô phải tạm dừng dây chuyền lắp đặt trong suốt mùa hè đang dần được nới lỏng.
Từ quý 4/2020, doanh thu của các hãng sản xuất chip ô tô bắt đầu tăng vọt. Sản lượng chip của các hãng này không theo kịp nhu cầu từ các nhà sản xuất ô tô khiến mức tồn kho xuống thấp kỷ lục trong các quý sau đó.
Tình hình bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc vào quý 3 năm nay khi tổng giá trị hàng tồn kho tại 5 hãng chip ô tô hàng đầu tăng 0,7%, đánh dấu quý tăng đầu tiên trong 9 tháng. 4 trong số 5 nhà sản xuất này đã ghi nhận mức tồn kho tăng.
Một nguyên nhân khiến hàng tồn kho sụt giảm là việc các hãng sản xuất chip phải ngừng sản xuất. Thời tiết khắc nghiệt đã giáng đòn mạnh vào ngành sản xuất chip ở bang Texas, Mỹ vào đầu năm 2021, trong khi các hạn chế liên quan tới đại dịch Covid-19 làm tổn thương các nhà cung cấp chip tại khu vực Đông nam Á. Chưa hết, Renesas, nhà cung cấp chip chủ chốt cho các hãng sản xuất ô tô như Toyota Motor, bị hỏa hoạn tại một nhá máy ở phía đông bắc Tokyo, khiến hoạt động sản xuất tại đây bị gián đoạn.
Việc khởi động lại dây chuyền sản xuất và vận chuyển thành phẩm chip là một quy trình phức tạp với nhiều bước, do đó cần một thời gian mới có thể khôi phục sản lượng.
Một điểm nghẽn khác là công suất thiếu hụt tại nhiều nhà sản xuất chip theo hợp đồng. Thời gian qua nhiều công ty đã chuyển hướng sang sản xuất nhiều chip ô tô hơn, tuy nhiên trước đó các công ty này có xu hướng ưu tiên sản xuất những loại chip mang lại lợi nhuận cao hơn như chip cho di động thông minh.
BƯỚC NGOẶT LỚN TRONG CUỘC KHỦNG HOẢNG
Theo Nikkei Asia, cả các nhà sản xuất chip và khách hàng của những công ty này đều khẳng định quý 3/2021 đánh dấu bước ngoặt lớn.
“Tình trạng thiếu cung chip ô tô được dự báo sẽ giảm đáng kể từ quý 3/2021”, C.C. Wei, Giám đốc điều hành hãng chip Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. – nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, nhận định hồi tháng 7.
Thiếu chip khiến hoạt động sản xuất của các hãng ô tô bị ảnh hưởng nghiêm trọng - Ảnh: AP
Trong khi đó, tại cuộc họp qua điện thoại công bố kết quả kinh doanh mới đây, công ty Đức Continental - một trong những nhà cung cấp phụ tùng ô tô hàng đầu thế giới - nói “chúng tôi tin rằng giai đoạn tồi tệ nhất của khủng hoảng thiếu chất bán dẫn đã qua”.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, rủi ro xảy ra tình trạng thiếu chip chưa biến mất hoàn toàn. Các nhà sản xuất ô tô đang có kế hoạch tăng cường sản xuất để bù đắp cho việc phải giảm sản lượng hồi quý 3, do đó những công ty này vẫn “khát” chip.
Ông Takeshi Kataoka, giám đốc phụ trách mảng giải pháp ô tô của Renesas, cho rằng lượng chip tồn kho của các hãng ô tô hiện đang ở mức thấp kỷ lục. Do đó, cần có thêm thời gian để lượng chip tồn kho phục hồi trên khắp chuỗi cung ứng, bao gồm cả các nhà sản xuất phụ tùng ô tô lẫn các công ty thương mại.
"Chúng tôi cho rằng sẽ phải mất vài quý nữa chúng tôi mới có thể xây dựng lại lượng hàng tồn kho tại chỗ và qua các kênh đạt các mức mục tiêu dài hạn”, Bill Betz, Giám đốc tài chính của NXP Semiconductors, cho biết tại cuộc họp thông báo kết quả kinh doanh của công ty gần đây nhất.
Trong khi đó, nhà phân tích ngành công nghiệp bán dẫn Akira Minamikawa tại hãng nghiên cứu Omdia dự báo tình trạng thiếu chip phải tới mùa xuân năm 2022 mới chấm dứt.
Nguồn:Đức Anh / VnEconomy