Giữ vững phong độ
Nếu như giai đoạn 2006 - 2010, giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của nước ta là 2,8 tỷ USD/năm thì sang giai đoạn 2011 - 2020 đã tăng khoảng 8 tỷ USD/năm. Năm 2020, bất chấp đại dịch Covid-19 lan rộng và tác động mạnh tới tất cả nền kinh tế thì ngành gỗ vẫn đạt trên 13 tỷ USD.
Những tháng đầu năm 2021, cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ tiếp tục vượt khó, đưa giá trị xuất khẩu của ngành luôn đạt mức tăng trưởng rất cao.
Tính chung trong quý 1/2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ là 3,78 tỷ USD, tăng 44,9% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng trong tháng 3/2021 đạt mức kỷ lục 1,51 tỷ USD, tăng 64,6% so với tháng trước và 53,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 4/2021 xuất khẩu gỗ cũng tăng 100% so với cùng kỳ. Và tháng 5 là tháng thứ 3 liên tiếp ghi nhận mức tăng xuất khẩu với ngưỡng 1,4 tỷ USD. Nhờ đó, giá trị xuất khẩu ngành này 5 tháng đầu năm 2021 ước đạt 6,6 tỷ USD, tăng 61,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo ông Bùi Chính Nghĩa - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thị trường đồ gỗ, nội thất của thế giới còn rất nhiều dư địa phát triển.
Hiện, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng 9% thị phần, còn đến hơn 90% thị phần để ngành gỗ Việt Nam tiếp cận, chiếm lĩnh.
Với tốc độ phát triển xuất khẩu mạnh mẽ, ấn tượng như hiện nay, Việt Nam không phải là nước đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu đồ gỗ, mà có thể đứng thứ 4, thứ 3 thế giới về lĩnh vực này.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành gỗ Việt. Cơ hội tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ, đặc biệt là đồ gỗ nội thất. Theo dự báo từ Hiệp hội Ngân hàng Thế chấp (MBA) Mỹ, năm 2021 thị trường nhà ở gia đình tại Mỹ vào khoảng 1,134 triệu ngôi nhà; trong năm 2022 khoảng 1,165 triệu ngôi nhà; năm 2023 sẽ là 1,21 triệu ngôi nhà. Thị trường nhà ở Mỹ tăng trưởng mạnh, kéo theo nhu cầu về đồ nội thất gia đình tăng trong năm 2021 và những năm tới. Đây là cơ hội lớn cho các thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ, trong đó có Việt Nam.
Thời gian qua, thương hiệu gỗ của Việt Nam tại thị trường Mỹ đã được cải thiện rõ rệt và có chỗ đứng nhất định. Người dân Mỹ sẵn sàng mua sản phẩm đồ gỗ nội thất của Việt Nam, thậm chí giá cả có đắt hơn so với sản phẩm tương tự của thị trường khác.
Rõ ràng, nhờ cải tiến công nghệ sản xuất và tận dụng tốt cơ hội thị trường, ngành gỗ, đặc biệt là nhóm mặt hàng đồ gỗ nội thất đã duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh.
Không để dịch ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh
Trong khi nhiều ngành hàng xuất khẩu chịu ảnh hưởng không nhỏ do dịch Covid-19, thì xuất khẩu gỗ đi ngược lại. Với đà tăng trưởng này, năm 2021, toàn ngành lâm nghiệp phấn đấu mục tiêu xuất khẩu đạt từ 14 -15 tỷ USD và ở tương lai xa hơn con số này là 20 tỷ USD vào năm 2025, hoàn toàn khả thi.
Hiện nay, ngành gỗ có khoảng 5.300 doanh nghiệp, sử dụng trên 700.000 lao động; ngoài ra còn có hàng vạn lao động ở trong các làng nghề gỗ trên phạm vi cả nước. Đây là nguồn lực quan trọng trong sản xuất, qua đó giúp ngành gỗ đạt mục tiêu xuất khẩu mà ngành đã đặt ra.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, ở góc độ toàn ngành, nếu dịch lan rộng, cộng đồng doanh nghiệp gỗ sẽ đối mặt nguy cơ ngưng trệ sản xuất, vi phạm hợp đồng giao hàng, có doanh nghiệp thậm chí bị phá sản do đứt gãy chuỗi cung ứng, như vậy sẽ tác động tiêu cực cho cả nền kinh tế.
Trước thực tế này, cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ đã chủ động đề xuất góp nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 cùng Chính phủ. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam thay mặt cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 quan tâm, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ được tiếp cận, đặt mua khoảng 1 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 từ nguồn kinh phí do doanh nghiệp trong ngành đóng góp và từ các nguồn xã hội hóa hợp pháp khác.
Theo kế hoạch, lượng vaccine kể trên sẽ được ưu tiên cho doanh nghiệp chế biến gỗ trong các khu công nghiệp, khu vực tập trung đông người lao động, đặc biệt tại tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định, TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội - những địa phương có nhiều doanh nghiệp có quy mô lao động trên 1.000 người.
Việc quản lý, sử dụng và tiêm phòng vaccine cho người lao động sẽ được thực hiện theo đúng quy định của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 và cơ quan chuyên môn.
Từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp ngành gỗ khá bận rộn do đơn hàng xuất khẩu đã được ký kết. Đây cũng là ngành xuất khẩu được nhận định có nhiều dư địa tăng trưởng theo các Hiệp định thương mại (FTA) đã có hiệu lực.