Nguồn cung bị gián đoạn là nguyên nhân cơ bản đẩy giá tăng, từ việc vỡ đập của hãng khai thác mỏ Vale ở Brazil đến việc Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cắt giảm sản lượng hay sản lượng dầu cọ ở Đông Nam Á sụt giảm. Dầu thô, kim loại quý, nickel, thịt lợn, cà phê arabica, sữa, dầu cọ Malaysia, cũng nằm trong số những hàng hóa có giá tăng trong năm vừa qua. Thị trường đang chịu nhiều yếu tố tác động và dự báo xu hướng tăng có thể sẽ bị đảo ngược trong thời gian tới.
Năm 2020, dự báo giá đồng sẽ tăng vì Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 sẽ thúc đẩy lĩnh vực chế tạo, trong khi đậu tương có khả năng cũng sẽ được hưởng lợi nhờ số lợn nuôi hồi phục.
Các nhà phân tích cho rằng kinh tế tăng trưởng chậm lại và dự báo cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mặc dù bớt căng thẳng nhưng vẫn còn tiếp diễn chắc chắn sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới giá hàng hóa trong năm 2020.
Giá dầu mỏ tăng nhiều nhất 3 năm
Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã tăng 34% trong năm 2019, kết thúc năm 2019 ở mức 62 USD/thùng; trong khi đó Brent Biển Bắc tăng thêm 23% lên 66 USD/thùng, được hỗ trợ bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài và các nước sản xuất dầu lớn cắt giảm nguồn cung. Như vậy, mức tăng giá dầu trong năm 2019 nhiều nhất trong vòng 3 năm.
Trung Quốc tiếp tục củng cố vị trí nước tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới trong năm 2019, nhưng hợp đồng dầu kỳ hạn tương lai trên sàn Thượng Hải vẫn chưa trở thành hợp đồng định hướng giá dầu.
Dự báo xu hướng tăng sẽ còn tiếp diễn trong năm 2020 do nguồn cung vừa phải nhưng nhu cầu cũng không cao, trong bối cảnh Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, khả năng giá sẽ không tăng mạnh.
Năm 2020, giá dầu có thể lên tới 80 USD/thùng nếu căng thẳng Mỹ - Iran tiếp tục leo thang.
Mối quan hệ giữa 2 bên vốn đã căng thẳng, càng trở nên ‘nóng’ hơn sau khi Mỹ thực hiện cuộc không kích vào sân bay quốc tế Baghdad, khiến Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, và Abu Mahdi al-Muhandis, phó chỉ huy lực lượng bán quân sự Hashed al-Shaabi của Iraq, thiệt mạng. Iran nhiều khả năng sẽ trả đũa, và tình hình Trung Đông sẽ tiếp tục căng thẳng.
Giới chuyên gia dự báo giá dầu “sẽ duy trì” ở quanh 70 USD/thùng, nhưng có thể tăng lên đến 80 USD/thùng nếu như các cuộc giao tranh lan sang những khu vực sản xuất dầu trọng điểm nằm về phía nam Iraq, hoặc phía Iran sẽ thắt chặt kiểm soát hoạt động vận chuyển dầu qua lãnh hải quốc gia này.
Khí gas giảm mạnh
Sau khi gần như không thay đổi trong năm 2018, khí tự nhiên hóa lỏng giảm giá mạnh trong năm 2019 do nguồn cung khí đốt tự nhiên mới cho thị trường cao kỷ lục trong khi kinh tế toàn cầu chậm lại, kể cả ở Trung Quốc và Ấn Độ, ảnh hưởng tới nhu cầu khí gas – nhiên liệu sạch nhưng còn đắt đỏ nếu dùng để sản xuất điện. Đây là 1 trong những hàng hóa giảm mạnh nhất trong năm vừa qua.
Khí gas giảm giá trung bình khoảng 28% năm vừa qua. Cụ thể, tại Châu Á, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã giảm 43% trong năm 2019 so với một năm trước đó, do tình trạng cạnh tranh mạnh mẽ khiến nguồn cung vượt xa nhu cầu sử dụng. Từ mức hơn 10 USD/mmBtu cuối năm 2018, giá giảm còn khoảng 5,7 USD/mmBtu vào cuối năm 2019. Mùa hè năm 2019 có lúc giá chỉ khoảng 4 USD/mmBtu, thấp nhất trong vòng 3 năm. khi nhu cầu từ các hộ gia đình giảm. Trong khi đó khí gas Mỹ giảm 25,5% và kết thúc năm ở 2,189 USD/mmBtu. Australia và các nơi khác, khiến nguồn cung dư thừa. Để so sánh, giá LNG thậm chí còn ở mức gần 20 USD/mmBtu vào mùa Đông năm 2014.
Các chuyên gia phân tích cho rằng có rất ít cơ hội để chứng kiến một sự tăng trưởng trên thị trường LNG trong tương lai gần, khi nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại.
Vào tháng 5/2019, nhà máy Cameron ở bang Louisiana của Mỹ đã bắt đầu sản xuất hết công suất. Đến mùa Thu, nhà máy Freeport ở Texas cũng tham gia thị trường. Trong khi đó tại Australia và Nga, các dự án nhận vốn đầu tư từ đầu những năm 2010, khi các thị trường mới nổi phát triển nhanh chóng, cũng đã bắt đầu hoạt động.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung tại châu Á một phần là do các công ty khí đốt tự nhiên của Mỹ đang tăng cường xuất khẩu sang khu vực này, nhằm tận dụng các vị trí quá cảnh mới tại Kênh đào Panama - một dự án mới được hoàn thành vào năm 2016, để cung cấp nhiên liệu với giá rẻ và nhanh chóng đến phía bên kia địa cầu.
Xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ đã tăng 60% lên khoảng 22 triệu tấn trong giai đoạn tháng 1-8/2019, với phần lớn trong số này là đến châu Á. Các chuyến hàng đến Nhật Bản đã tăng 60% khi Tokyo tìm cách đa dạng hóa nguồn cung. Trong khi đó, lượng LNG xuất khẩu sang Singapore, Thái Lan và Hàn Quốc cũng tăng mạnh, giúp bù đắp đến 90% lượng thâm hụt cho các chuyến hàng từ Mỹ đến Trung Quốc do tác động của chiến tranh thương mại.
Hầu hết các trung tâm LNG của Mỹ nằm ở bờ biển phía Đông và dọc theo Vịnh Mexico, có nghĩa là Kênh đào Panama là tuyến đường ngắn nhất và rẻ nhất để vận chuyển LNG đến châu Á ngay cả khi có phí cầu đường. Do đó, đây là tuyến đường rất được ưa chuộng. Tổng cộng có 399 tàu sân bay LNG đã đi qua Kênh đào Panama trong năm tài chính kết thúc vào tháng 9/2019, so với con số 163 tàu của hai năm trước đó.
Bên cạnh tình trạng cạnh tranh gia tăng, các chuyên gia cho rằng giữa bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang "hụt hơi" với những xung đột thương mại, nhu cầu sử dụng điện của các khách hàng lớn sẽ chậm lại, cũng là một trong những nguyên nhân làm chỉ số tăng trưởng trên thị trường LNG lao dốc. Điều này đã dẫn đến sự gia tăng lượng tồn kho LNG đối với các nhà nhập khẩu đến từ châu Âu và Trung Quốc.
Giá vàng tăng gần 10%
Giá vàng năm 2019 tăng mạnh nhất kể từ 2010, với mức tăng gần 20%, do giới đầu tư lo ngại về ‘sức khỏe’ của nền kinh tế toàn ầu và chính sách tiền tệ lỏng lẻo của các ngân hàng trung ương.
Kết thúc năm 2019, giá vàng giao ngay đạt 1.519,41 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn giao sau chốt ở 1.523,1 USD/ounce; tăng tổng cộng trên 18% trong năm 2019 – nhiều nhất kể từ năm 2010, do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài dấy lên mối lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, khiến các nhà đầu tư tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn đã hỗ trợ giá vàng.
Tương tự, giá palađi tăng hơn 53% trong năm 2019 – nằm trong top những hàng hóa nguyên liệu tăng mạnh nhất năm qua, do nguồn cung khan khiếm. Giá bạch kim tăng gần 7% trong năm qua, đạt 962,5 USD/ounce; đây là năm giá bạch kim tăng mạnh nhất kể từ 2009. Giá bạc tăng khoảng 15% lên 17,85 USD/ounce – là mức tăng nhiều nhất kể từ 2016.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kéo dài nhiều tháng qua đã ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của nhà đầu tư và khiến họ có xu hướng tìm kiếm các tài sản an toàn do lo ngại về kịch bản suy thoái kinh tế toàn cầu. Điều này cũng dẫn các ngân hàng trung ương lớn đi theo chính sách nới lỏng tiền tệ, qua đó giúp vàng hưởng lợi trong năm qua.
Về triển vọng giá vàng, chiến lược gia thị trường châu Á của AXI Trader, ông Stephen Innes, cho rằng sự bất ổn chính trị và ngoại giao dẫn đến lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu. Theo ông, giá vàng sẽ giao dịch trong khoảng từ 1.300 đến 1.600 USD mỗi ounce vào năm tới, tùy thuộc vào kết quả đàm phán thương mại và triển vọng kinh tế toàn cầu nói chung. Thậm chí một số chuyên gia dự báo giá vàng năm 2020 có thể tăng 15% đến 20%, lên khoảng 1.774 USD. Giá vàng cao nhất từ trước đến nay là 1.895 USD, được ghi nhận vào tháng 9/2011.
Các cuộc biểu tình ở Hong Kong không có dấu hiệu sớm kết thúc, và điều đó đã được các nhà đầu tư xem là một trong những bất ổn quốc tế. Ngoài ra, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều phải đối mặt với vấn đề lạm phát. Bất cứ khi nào có lo lắng về lạm phát, các nhà đầu tư muốn mua vàng để phòng ngừa rủi ro, từ đó đẩy giá vàng tăng hơn nữa.
Giá sắt thép đi lên, quặng sắt tăng mạnh nhất 3 năm
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) đạt mức cao kỷ lục vao tháng 7/2019, và kết thúc năm 2019 tăng 140% (so cuối năm 2019 với cuối 2018), đạt 648,5 CNY (93,03 USD)/tấn. Cùng thời điểm, quặng sắt trên sàn Singapore đạt 91,25 USD/tấn.
Trên sàn Thượng Hải, thép thanh cũng tăng 64% trong năm vừa qua, trong khi thép dây cuộn (wire rod) tăng 64%, còn thép cây (rebar – dùng làm cốt bê tông) tăng 1/3. Quặng sắt nhập khẩu vào Trung Quốc (hợp đồng giao ngay) tăng 28% trong năm vừa qua, kết thúc năm ở 93 USD/tấn; thời điểm giá cao nhất là ngày 3/7/2019 – khi đạt 126,5 USD/tấn.
Thiếu nguồn cung quặng sắt và Chính phủ Trung Quốc tăng chi tiêu cho hạ tầng cơ sở để thúc đẩy nền kinh tế - đang tăng chậm lại giữa bối ảnh chiến tranh thương mại với Mỹ - đã thúc đẩy giá quặng sắt tăng. Nhưng những yếu tố này dường như đã lùi về quá khứ.
“Giai đoạn nguồn cung bị gián đoạn đã kết thúc, Brazil và Australia đang đẩy tăng sản lượng”, nhà nghiên cứu hàng hóa cấp cao của Citi, Judy Su, cho biết. Theo ông này, “Số nhà mới xây sẽ bắt đầu giảm trong năm 2020, kéo nhu cầu sử dụng thép sẽ giảm theo”.
Giá các kim loại công nghiệp đồng loạt giảm
Chỉ số 6 kim loại công nghiệp chủ chốt trên sàn London trong năm 2019 tăng 2,4%, dẫn đầu là nickel và đồng. Nickel là một trong những kim loại có năm tăng mạnh nhất trong 1 thập kỷ, lý do bởi lệnh cấm xuất khẩu quặng nickel của Indonesia từ ngày 1/1/2020.
Giá nickel trên sàn London kết thúc năm 2019 ở mức 14.025 USD/tấn; tính chung cả năm, giá tăng 31% và đạt mức cao nhất 5 năm trong tháng 9/2019. Giá nickel trên sàn Thượng Hải năm 2019 tăng 36%.
Tuy nhiên, những kim loại cơ bản khác bị tác động tiêu cực bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và tăng trưởng trên toàn cầu chậm lại. Giá đồng chỉ tăng 3,4% trong năm 2019 do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Kết thúc năm, đồng chốt ở mức 6.175 USD/tấn. Mặc dù vậy, giá đồng tại Thượng Hải dự báo sẽ tăng trong năm 2020 nhờ thương mại mặt hàng này tăng, được thúc đẩy bởi lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc – hưởng lợi sau khi được giảm thuế nhập khẩu hàng hóa.
Đối với những kim loại cơ bản khác, giá nhôm giảm 2% xuống 1.810 USD/tấn; chì giảm 4,9% xuống 1.927 USD/tấn; thiếc giảm 12% xuống 17.175 USD/tấn do tồn trữ tăng và nhu cầu suy yếu; kẽm giảm 7,8% xuống 2.272 USD/tấn.
Nguồn:VITIC/Reuters