Cụ thể: 20 nghìn/kg cà chua, 7-10 nghìn/cái bắp cải, 20 nghìn/kg đậu cô ve... Đặc biệt, rau cần – một trong những loại rau được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhất ngày Tết nhưng cũng giảm chỉ còn 10 – 12 nghìn/mớ.
Cùng với giá rau xanh, cá tươi, tôm cũng là mặt hàng đắt khách ngày đầu năm mới nhưng sáng mùng 5 cũng đã giảm. Ví dụ, cá trắm 100 – 120 nghìn đồng/kg, loại cắt khúc 150 nghìn đồng/kg; cá chép 120 nghìn đồng/kg; tôm sú loại to 330 – 350 nghìn đồng/kg, tôm sú loại nhỏ 220 – 250 nghìn đồng/kg...
Theo chia sẻ của một số tiểu thương tại chợ Đồng Xa, năm nay, thị trường thực phẩm tươi sống sau Tết nguyên đán giá bán có tăng chút nhưng cơ bản ổn định, người dân đi mua ít hơn so với mọi năm. Ngày mùng 3,4 Tết có sôi động nhưng từ sáng mùng 5 sức mua giảm hơn trong khi nguồn cung dồi dào hơn.
Được biết, để đảm bảo ổn định thị trường, trong vụ Đông năm 2021-2022, ngành nông nghiệp TP. Hà Nội đã có kế hoạch gieo trồng hơn 32.548 ha rau màu các loại, tăng 2.859 ha so với kế hoạch; đồng thời chủ động ký kết hợp tác và tiêu thụ sản phẩm với các địa phương để đảm bảo đủ nguồn cung rau, củ, quả đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đợt không khí lạnh bổ sung tại các tỉnh miền Bắc chỉ kéo dài đến hết ngày 5/2 (tức mùng 5 tết), từ ngày 6/2, không khí lạnh suy yếu dần, nhiệt độ sẽ dần ổn định. Đây là điều kiện tốt để người trồng rau thâm canh quay vòng tốt hơn. Như vậy, giá các loại rau xanh những ngày tiếp theo được nhận định sẽ trở về như những ngày trước Tết, thậm chí nhiều loại còn giảm giá cho đến Rằm tháng Giêng.
Giá dịch vụ vận tải cơ bản hiện vẫn ổn định
Trong tầm kiểm soát của các địa phương giá cước vận tải các tuyến cố định không tăng hoặc tăng ít. Nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán, một số đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện kê khai tăng giá phụ thu chiều rỗng một chiều. Do tác động của dịch COVID-19, nhiều người dân không về quê ăn Tết hoặc đi xe riêng, cũng như đã về từ những ngày trước nên nhu cầu đi lại giảm xuống, lượng khách tại các bến xe Trung tâm khá ít.
Để tăng cường quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã giao nhiệm vụ trọng tâm là phải tăng cường theo dõi sát biến động giá cả các mặt hàng thiết yếu để kịp thời có các biện pháp quản lý, điều hành phù hợp. Đi đôi với đó là đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp Tết.
Do đó, trong thời gian nghỉ Tết đã thành lập kênh thông tin báo cáo hàng ngày giữa các Sở Tài chính với Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) để kịp thời cập nhật đầy đủ các diễn biến của giá cả thị trường.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tổ chức, triển khai các nhiệm vụ quản lý, điều hành và bình ổn giá thị trường, nắm bắt tình hình thực hiện quản lý, bình ổn giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Nguồn:VITIC//congthuong.vn