menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường phân bón, hóa chất: Cần “hàng rào thép”

08:55 01/07/2016

Theo thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, số doanh nghiệp sản xuất phân bón các loại (vô cơ, hữu cơ, phân bón khác) có thể chạm con số 1.000, trong đó, đại đa số là các cơ sở sản xuất NPK theo dây chuyền công nghệ “cuốc xẻng”, đưa ra thị trường phân bón kém chất lượng, khó kiểm soát.

Kỳ I: Diễn biến phức tạp

Sản xuất phân bón và hóa chất trong những năm qua có tốc độ tăng trưởng vượt bậc. Tuy nhiên, do phát triển “nóng”, việc quản lý đã bộc lộ những bất cập. Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần giải pháp đủ mạnh để lập lại trật tự thị trường phân bón, hóa chất.

Thực tế... “nóng”

Theo thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, số doanh nghiệp sản xuất phân bón các loại (vô cơ, hữu cơ, phân bón khác) có thể chạm con số 1.000, trong đó, đại đa số là các cơ sở sản xuất NPK theo dây chuyền công nghệ “cuốc xẻng”, đưa ra thị trường phân bón kém chất lượng, khó kiểm soát.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, ông Nguyễn Hạc Thúy bức xúc, mỗi năm, nạn phân bón giả, kém chất lượng gây thiệt hại khoảng 2 tỷ USD, gây hại cho mùa màng, môi trường, sức khỏe cộng đồng, uy tín của thương hiệu nông sản Việt Nam.

Riêng với quản lý hóa chất, sau gần 8 năm Luật Hóa chất có hiệu lực, các văn bản dưới luật mới đang dần cụ thể, sát thực tiễn, trong khi đó, đa số các tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán hóa chất nhỏ lẻ chưa tuân thủ các quy định của pháp luật, mạnh ai người nấy sản xuất, buôn bán, sử dụng… trong khi các cơ quan chức năng chưa thật sự quan tâm đến các đối tượng này, dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Đơn cử, TP. Hồ Chí Minh là trung tâm nhập khẩu, phân phối, sản xuất và tiêu thụ hóa chất lớn nhất cả nước, rất phức tạp và khó kiểm soát. Song, thực tế, Sở Công Thương được giao quản lý ngành hóa chất công nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý hóa chất ngành thủy sản, bảo vệ thực vật, thú y, Sở Y tế quản lý hóa chất ngành y tế và thực phẩm, mỗi sở quản lý một mảng hóa chất, nên việc quản lý tưởng như chặt chẽ song rất lỏng lẻo, phát sinh nhiều bất ổn.

Điển hình, chợ Kim Biên (quận 5) từ lâu được xem là ngôi chợ “tử thần” ở TP. Hồ Chí Minh. Những vụ nổ, thực phẩm tẩm hóa chất, hay tạt axit đình đám đều liên quan đến chợ này. Ông Phan Hoàn Kiếm - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh - cho biết, trên toàn thành phố có 600 đơn vị, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh hóa chất. Tại chợ Kim Biên có 16 hộ cá thể kinh doanh hương liệu, bột màu, bơ sữa, phụ gia thực phẩm. Còn xung quanh chợ có 93 cơ sở kinh doanh hóa chất công nghiệp, hương liệu, phụ gia thực phẩm đang hoạt động. Nhưng, “điểm nóng” này được quản chặt như thế nào? Thật khó trả lời.

Bước tiến quản lý quan trọng

Hơn 10 năm qua, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành hàng chục nghị định, thông tư về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón, nhưng tình hình phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn ngày càng phức tạp hơn.

Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), ông Nguyễn Văn Thanh chia sẻ, đã có nhiều văn bản “quản” khá chặt về sản xuất - kinh doanh phân bón, hóa chất. Chẳng hạn, Thông tư số 29/2014/TT-BCT quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện một số điều về phân bón vô cơ, hướng dẫn việc cấp phép sản xuất phân bón vô cơ, đồng thời sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác tại Nghị định số 202/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý phân bón; Thông tư 48/2011/TT- BCT quy định quản lý chất lượng sản phẩm phân bón; Thông tư 41/2015/TT-BCT quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương…

Tuy nhiên, thực tế thị trường rất “nóng” nhưng dường như việc quản lý vẫn còn “lạnh”, luật và văn bản dưới luật chưa theo kịp thực tiễn?

Đã có những thay đổi nhất định. Nhắc lại bối cảnh ra đời của Nghị định 202/2013/NĐ-CP. Đó là thời điểm Nghị định 113/2003/NĐ-CP và Nghị định 191/2007/NĐ-CP về quản lý phân bón bộc lộ những bất cập, không theo kịp xu thế phát triển. Làm việc với Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải khi đó đã quyết định giao Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo, xây dựng một nghị định mới về quản lý phân bón. Một trong những điểm thay đổi cơ bản của Nghị định 202/2013/NĐ-CP so với các nghị định trước đây là chuyển phân bón từ mặt hàng sản xuất, kinh doanh không điều kiện sang sản xuất, kinh doanh có điều kiện, chuyển quản lý phân bón từ danh mục sang quản lý chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật; Bộ Công Thương quản lý phân bón vô cơ.

Các chuyên gia đánh giá, phân bón là ngành đặc thù và rất khó kiểm soát, nhưng với việc Bộ Công Thương chính thức được Chính phủ giao trọng trách là đầu mối quản lý nhà nước về phân bón, Nghị định 202 ra đời được coi là bước tiến rất quan trọng trong việc quản lý thị trường phân bón.

Ông Thanh cho biết, đối với ngành hóa chất, nhằm tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó có hiệu quả các sự cố hóa chất xảy ra trong lĩnh vực công nghiệp, năm 2013, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 20/2013/TT-BCT về kế hoạch và biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp, bao quát tất cả các hoạt động, từ sản xuất, kinh doanh, lưu thông đến sử dụng hóa chất.

Mặc dù đã có một hành lang pháp lý với nhiều văn bản pháp quy quản lý thị trường phân bón, hóa chất, nhưng còn nhiều bất cập cần sửa đổi, cần có sự phân công trách nhiệm rõ ràng và sự phối hợp quản lý có hiệu quả từ Trung ương đến địa phương.

Kỳ II: Phân bón giả - nỗi đau thật

Nguồn: Lan Anh – Thế Vĩnh/Báo Công Thương điện tử