Cụ thể, sản lượng thép sản xuất trong tháng 4/2016 trên toàn hệ thống của Hiệp hội Thép Việt Nam đạt 705 nghìn tấn. Sản lượng thép tiêu thụ đạt 737 nghìn tấn. Con số này mặc dù được đánh giá là cao, tuy nhiên so với tháng 3, sản lượng thép tiêu thụ lại giảm 27%.
Được biết, trong tháng 3, sản lượng thép tiêu thụ đạt 1.011 nghìn tấn, trong đó, những đơn vị chiếm sản lượng lớn như Hòa Phát, TCty Thép Việt Nam. Tổng sản lượng thép sản xuất trong 4 tháng đầu năm của Việt Nam là trên 2,5 triệu tấn, trong khi đó sản lượng tiêu thụ đạt 2,75 triệu tấn.
Về con số chênh lệch giữa sản lượng sản xuất và sản lượng tiêu thụ, đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, các tháng cuối năm đều có sản lượng tồn kho và số này cộng dồn với những tháng tiếp theo của năm kế tiếp nên mới có số lượng bán ra lớn hơn số lượng sản xuất.
Lý giải cho hiện tượng trong tháng 3 sản lượng thép tiêu thụ tăng đột biến, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, những tháng đầu năm là những tháng cao điểm vào mùa xây dựng nên nhu cầu về thép xây dựng rất lớn.
Đặc biệt, vào 7/3/2016, Bộ Công thương công bố quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời 23,3% đối với sản phẩm phôi thép và 14,2% đối với thép dài nhập khẩu vào Việt Nam cũng khiến cho một số doanh nghiệp nắm bắt cơ hội đầu cơ, đầu tư vào thép, khiến sản lượng tiêu thụ tăng cao.
Tuy nhiên, ông Sưa cũng cho biết, đến thời điểm này, thị trường tiêu thụ thép đã trở về đúng quy luật của nó, tính đến đầu tháng 5, sản lượng tiêu thụ thép đã giảm so với những tháng đầu năm.
Cùng với việc sản lượng tiêu thụ thép tăng mạnh ở những tháng đầu năm do vào mùa tiêu thụ thì giá thành phẩm của các sản phẩm thép xây dựng cũng không ngừng tăng.
Phân tích về giá thép tăng cao trong những tháng đầu năm, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, những tháng đầu năm, giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng mạnh đó chính là nguyên nhân đẩy giá thép thành phẩm lên cao. Nhất là vào thời điểm sau khi Bộ Công thương công bố quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời 23,3% đối với sản phẩm phôi thép và 14,2% đối với thép dài nhập khẩu vào Việt Nam. Giá thép cũng tăng lên do có yếu tố đầu tư, đầu cơ, tích trữ của các doanh nghiệp kinh doanh thép. Tuy nhiên, bước sang tháng 4 thì yếu tố đầu cơ không còn nữa. Vì vậy giá thép cũng dần ổn định hơn.
Và theo những con số mới nhất vừa được Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) công bố thì trong tháng 4/2016, giá một số nguyên liệu thép trên thị trường thép thế giới cùng giá nguyên liệu đầu vào (phôi thép, thép phế) có biến động tăng nên các nhà máy sản xuất kinh doanh thép trong nước đã điều chỉnh tăng giá thép khoảng 100 - 500 đồng/kg tùy từng loại. Dự báo trong tháng 5/2016, giá bán lẻ thép xây dựng tại thị trường trong nước tăng nhẹ.
Đánh giá về việc giá thép tăng có ảnh hưởng, tác động như thế nào nền kinh tế, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, giá thép tăng không chỉ người tiêu dùng bị thiệt hại mà cả nhà nước, nền kinh tế cũng bị thiệt hại bởi nó kéo theo chi phí sản xuất cho thị trường bất động sản, thị trường xây dựng tăng.
Nguồn: vietsock.vn