Giá phân bón giảm nhẹ
Trang
nongnghiep.vn đưa tin, vụ lúa Thu Đông năm nay tại ĐBSCL nhiều nông dân giảm được áp lực đầu vào, nhất là phân bón. Hiện giá các loại phân bón giữ bình ổn ở đầu vụ và giảm nhẹ từ 5.000 - 15.000 đồng/bao (50kg) ở giữa vụ.
Hiện giá bán lẻ nhiều loại phân Urê do trong nước sản xuất như Urê Phú Mỹ và Đạm Cà Mau, Urê Ninh Bình và Urê Hà Bắc tại ĐBSCL đang ở mức 360.000 - 390.000 đồng/bao. Còn nhiều loại Urê nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Nga, Malaysia, Qatar... giá 350.000 - 400.000 đồng/bao.
Các loại phân DAP sản xuất trong nước như DAP Đình Vũ, DAP Cà Mau có giá 500.000 - 640.000 đồng/bao, trong khi nhiều loại DAP nhập khẩu từ Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc có giá từ 600.000 - 780.000 đồng/bao, tùy loại. NPK 20-20-15 Đầu Trâu và NPK 20-20-15 Cò Bay có giá 600.000 - 630.000 đồng/bao, Kali (Nga, Canada, Israel) 400.000 - 440.000 đồng/bao…
Theo các cửa hàng kinh doanh VTNN, năm nay do nguồn cung dồi dào và có sự cạnh tranh giữa nhiều thương hiệu sản phẩm trên thị trường phân bón trong và ngoài nước, do vậy, gần đây giá nhiều loại phân bón trên thị trường đã giảm nhẹ từ 5.000 - 10.000 đồng/bao so với cách nay hơn 1 tháng.
Ùn tắc hàng trăm xe container thanh long tại Lào Cai
Theo
baotintuc.vn, do một số thay đổi về chính sách vận tải hàng hóa phía Trung Quốc và việc kiểm soát hàng hóa phía bạn chặt hơn trước đã dẫn tới có hàng trăm xe container chở thanh long bị ùn lại tại cửa khẩu đường bộ Kim Thành, thuộc Cửa khẩu quốc tế Lào Cai.
Ngoài hai nguyên nhân trên, việc ùn tắc một phần nữa là do đang là chính vụ nên hàng ngày có tới 300-400 xe chở thanh long lên cửa khẩu Lào Cai để xuất sang Trung Quốc. Hiện nay, phía Trung Quốc cũng đang siết chặt nguồn gốc xuất xứ thanh long nhập khẩu vào nội địa nên hàng ngày chỉ có thể làm thủ tục cho khoảng 200 xe thông quan. Do vậy, nhiều chủ hàng đã làm xong thủ tục phía Việt Nam từ 3-4 ngày trước vẫn chưa thể đưa hết hàng qua biên giới.
Theo thông tin từ Chi cục Hải quan Cửa khẩu Lào Cai, từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã thông quan xuất khẩu 481.000 tấn thanh long sang thị trường tỉnh Vân Nam, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 313 triệu USD.
Lo ngại ngành gia cầm tăng trưởng nóng
Nongnghiep.vn đưa tin, ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi được xem là cơ hội cho chăn nuôi gia cầm vươn lên trong “rổ tiêu dùng” sản phẩm chăn nuôi. Tuy nhiên thời gian qua, giá nhiều sản phẩm gia cầm, đặc biệt là trứng các loại vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Tại phía Bắc, gần 1 tháng trở lại đây, giá trứng gà đã có dấu hiệu nhích lên. Hiện, giá trứng gà công nghiệp 1.700 đồng/quả; trứng gà ta 2.200 - 2.300 đồng/quả.
Tuy nhiên, chuỗi thời gian giá trứng gia cầm các loại “chìm nghỉm” kéo dài suốt từ cuối năm 2018 đến nay đã khiến không ít người chăn nuôi gia cầm thua lỗ nặng.
Cụ thể, chỉ khoảng 1 tháng trở lại đây, giá trứng vịt, trứng gà mới tăng lên đáng kể, trong khi đó từ cuối năm 2018 đến tháng cuối tháng 6/2019, giá trứng gà chỉ xoay quanh điểm hòa vốn, những tháng đầu năm 2019 đã có thời điểm rớt xuống dưới 1.000 đồng/quả, trong khi trứng vịt cũng chỉ xoay quanh 1.500 đồng/quả (giá thành SX trứng vịt trung bình phải 1.700 đồng/quả)...
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết: Các số liệu phân tích những năm gần đây cho thấy xu hướng tiêu dùng trong nước có sự tăng trưởng tiêu thụ các sản phẩm về gà luôn cao hơn các sản phẩm gia cầm khác.
Bất cập của ngành chăn nuôi gia cầm của Việt Nam hiện nay nằm ở chỗ mặc dù tốc độ tăng trưởng cao, nhưng giá thành lại đang thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng chung của thế giới, nhất là các nước có thị phần lớn về gia cầm. Vì vậy thời gian tới, chăn nuôi gia cầm của Việt Nam cần phải có định hướng lại, thay vì phát triển nóng, tăng về số lượng quy mô đàn, cần chuyển hướng sang chất lượng, đi đôi với hạ giá thành SX.
Cá tra rớt giá chạm đáy
Theo
nongnghiep.vn, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL đang đi vào khúc quanh, rớt giá chạm đáy dưới giá thành khiến người nuôi cá lao đao.
Người nuôi cá tra ở Cần Thơ cho biết, suốt mấy tuần qua giá cá tra giảm sâu, còn 20.000-21.000 đ/kg là quá sức chịu đựng, vì dưới mức giá thành 2.000-3.000 đ/kg. Từ đầu năm đến nay đã có một số người lỗ nặng 3-4 tỷ đồng, trong đó có lý do nuôi cá không có hợp đồng liên kết tiêu thụ với nhà máy chế biến thủy sản.
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2019 cá nguyên liệu còn mức cao khoảng 30.000-31.000 đ/kg, đến tháng 3 giảm còn khoảng 25.000đ/kg, sau đó giảm liên tục và hiện còn khoảng 20.500đ/kg.
Giá cá tra nguyên liệu phụ thuộc vào tình hình xuất khẩu, sản lượng cá tra và các yếu tố khác. Nhưng hậu quả còn kéo theo cá tra giống giảm mạnh liên tục theo xu thế của giá cá nguyên liệu. Cá tra giống từ đầu năm đến tháng 3/2019 giá cao khoảng 30.000đ/kg nhưng hiện giảm còn khoảng 17.500đ/kg.
Đến cuối tháng 7/2019, cá tra giảm cả 3 mặt, từ diện tích đến sản lượng và năng suất. Theo Chi cục Thủy sản các tỉnh ĐBSCL và Tổng cục Thủy sản, đến 31/7 diện tích nuôi mới cá tra các tỉnh ĐBSCL gần 2.300 ha, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2018, diện tích thu hoạch hơn 2.300 ha, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2018, sản lượng đạt trên 739.000 tấn, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2018 và năng suất trung bình đạt 317 tấn/ha, so với năm 2018 là 319 tấn/ha.
Giá đường ổn định, phía Nam gia tăng nạn nhập lậu
Theo
vietnambiz.vn, nguồn cung đường dự báo vẫn dồi dào trong tháng 8, giá đường ở mức ổn định. Tuy nhiên, nạn nhập lậu có xu hướng gia tăng tại phía Nam, các đơn vị cần khẩn trương thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm trước khi vào vụ ép 2019-2020.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), giá bán buôn đường kính trắng tháng 7 trong nước có xu hướng tăng nhẹ so với tháng trước.
Giá đường lậu Thái Lan trong tháng 7 tại một số tỉnh thành gồm TP HCM: 10.800 – 11.200 đồng/kg; Đông Hà: 10.300 – 10.400; Lao Bảo: 10.000 – 10.200; Biên giới Tây Nam: 10.600 – 11.000; tại Huế, Đồng Hới: 10.700 – 10.800; tại một số tỉnh miền Bắc như Nghệ An, Nam Định dao động trong khoảng 11.000 – 11.300 đồng/kg.
Tháng 8 được dự báo nguồn cung đường dồi dào, đáp ứng đủ mọi nhu cầu cho vụ Tết Trung thu tăng, giá đường khả năng ổn định. Tuy nhiên, đường lậu hiện gia tăng tại khu vực phía Nam, vì vậy, công tác chống buôn lậu đường cần tiếp tục được quan tâm.
Các đối tượng buôn lậu hiện đang dùng thủ đoạn đưa bao bì in trong nước, đem sang bao ở nước ngoài (thường là Campuchia), như vậy đường nhập lậu đã có nhãn mác Việt Nam và nếu không bắt được quả tang trên biên giới, một khi đã đưa vào kho sẽ khó chứng minh có phải đường lậu hay không.
Hiệp Hội Mía Đường Việt Nam dự kiến sẽ đề xuất với các cơ quan nhà nước đưa yêu cầu truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi cơ sở sản xuất chế biến đường.
Đối với các đơn vị thành viên gặp khó khăn trong việc thiết lập hệ thống truy xuất chống hàng giả sử dụng mã QR code, cần liên lạc với VSSA để được hỗ trợ.
Nguồn: VITIC tổng hợp
Nguồn:Vinanet