Sẽ khan hiếm sắn trong thời gian tới
Vietnambiz.vn đưa tin, theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản các nhà máy sản xuất tinh bột đã kết thúc mùa vụ 2018 – 2019, ngừng hoạt động để bảo trì máy móc chờ đón vụ mới. Do đó, nguồn cung sắn được dự đoán khan hiếm thời gian tới.
Sản lượng sắn tại Tây Nguyên có thể không đạt như dự kiến do thời tiết nắng nóng kéo dài, cộng thêm dịch khảm lá lan rộng khiến năng suất giảm mạnh. Hạn hán và dịch bệnh đe dọa cũng đã làm giảm năng suất sắn của Thái Lan trong niên vụ 2019 – 2020.
Mặt khác, do hạn chế nhập khẩu sắn lát từ đầu năm 2019 nên lượng sắn lát còn tồn kho tại Trung Quốc giảm, thêm vào đó, nguồn cung nhập khẩu cồn từ Mỹ giảm do thuế nhập khẩu cao (thuế 45%).
Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản dự đoán rằng trong thời gian tới, xuất khẩu sắn lát sẽ khởi sắc trở lại, trong khi xuất khẩu tinh bột sắn sẽ gặp phải nhiều cạnh tranh từ Campuchia và Lào.
Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn tháng 7 ước đạt 134.000 tấn với giá trị đạt 53 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn 7 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,33 triệu tấn tương ứng với 515 triệu USD, theo đó, giảm 16% về khối lượng và giảm 13% so với cùng kì năm 2018.
Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu sắn lát và tinh bột sắn của Trung Quốc từ Việt Nam và Thái Lan đang có xu hướng giảm, thay vào đó là tăng cường nhập khẩu từ Lào và Campuchia.
Ngoài ra, Trung Quốc ngày càng tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác, bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam và siết chặt nhập khẩu qua kênh biên mậu.
Trung Quốc cấm đường tiểu ngạch, xuất khẩu rau quả Việt Nam liên tục giảm
Theo
vietnambiz.vn, Trung Quốc vẫn là thị trường hấp dẫn của rau quả Việt Nam nhưng hiện đã cấm triệt để hình thức xuất khẩu tiểu ngạch. Đây là một trong những nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu tháng 7 ước giảm gần 13% so với tháng 6 và giảm đến 28,7 % so với cùng kì 2018.
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam từ ngày 1/7 đến ngày 15/7/2019 đạt hơn 122 triệu USD, giảm 14,7% so với cùng kì năm 2018. Từ số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, Hiệp hội Rau quả Việt Nam ước tính tháng 7/2019, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt hơn 244,2 triệu USD, ước giảm gần 13% so với tháng 6/2019 và giảm 28,7 % so với cùng kì 2018.
Tính chung từ đầu năm 2019 đến hết tháng 7, xuất khẩu rau quả ước đạt 2,28 tỉ USD, giảm 1,85% so với cùng kì 2018.
Tổng thư kí Hiệp hội Rau quả Việt Nam, lí giải sự sụt giảm này đến từ nguyên nhân kể từ đầu tháng 6/2019, Trung Quốc bắt đầu cấm triệt để xuất khẩu trái cây tiểu ngạch và triển khai nhập khẩu chính ngạch.
Hiện tại, ngoài 8 loại trái cây được xuất chính ngạch sang Trung Quốc, gồm xoài, thanh long, nhãn, chôm chôm, vải, chuối, mít và dưa hấu, thì măng cụt của Việt Nam cũng vừa chính thức được xuất chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng để đẩy mạnh xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp phải chuyển đổi dần tư duy, hướng đến việc xuất khẩu hoàn toàn theo đường chính ngạch, đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc và bao bì nhãn mác…
Tình hình từ nay đến cuối năm việc xuất khẩu trái cây thêm phần thuận lợi và phát triển, con số 4 tỉ USD từ xuất khẩu trái cây gần như trong tầm tay", Tổng thư kí Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo.
Việt Nam sẽ nhập khẩu than trực tiếp từ Mỹ
Theo
vietnambiz.vn, Tập đoàn sản xuất, đầu tư chuỗi cung ứng than toàn cầu của Mỹ sẽ tập trung vào việc xúc tiến cung cấp các nguồn than phù hợp từ Mỹ về Việt Nam.
Hiện tại, sản lượng than sản xuất của TKV trên 40 triệu tấn than mỗi năm. Cùng với than, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác của TKV như khoáng sản, điện, sản xuất vật liệu nổ công nghiệp đều tăng trưởng mạnh mẽ những năm gần đây.
Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2019, TKV đã sản xuất 24,5 triệu tấn, đạt 61,2% kế hoạch năm, bằng 106,5% so với cùng kì 2018 (tăng 1,5 triệu tấn)
Than tiêu thụ đạt 26,6 triệu tấn, bằng 63% kế hoạch và tăng 7% so với cùng kì. Trong đó, than tiêu thụ hộ điện là 21,4 triệu tấn, đạt 63% kế hoạch, tăng 18% cùng kì (tương ứng tăng 3,2 triệu tấn).
Về phía Tập đoàn Xcoal, Tổng Giám đốc Earnie Thraser thông tin hiện tại, Xcoal cung ứng 14% sản lượng than nhập khẩu của Ấn Độ, 22% sản lượng than nhập khẩu của Nhật, 21% ở châu Âu, 14% của Trung Quốc và nhiều quốc gia khác.
Theo đó, đại diện hai bên nhận thấy có nhiều triển vọng hợp tác giữa TKV và Xcoal, nhưng trước mắt, Xcoal sẽ tập trung vào việc xúc tiến cung cấp các nguồn than phù hợp từ Mỹ về Việt Nam.
Thương chiến Mỹ-Trung tác động mạnh tới xuất khẩu của Việt Nam
Thông tin từ
vietnamplus.vn, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc sẽ gặp khó khăn, thậm chí không còn lãi trong trường hợp đồng nhân dân tệ bị phá giá do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Từ 1/9 tới, Mỹ sẽ áp thuế bổ sung 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Ngay sau tuyên bố bất ngờ từ Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng nhân dân tệ mất giá mạnh.
Theo ông Phạm Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại-chuyên gia, nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công Thương, điều này sẽ tác động không nhỏ tới xuất khẩu của Việt Nam. Theo ông Phạm Tất Thắng, biểu hiện của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc theo xu thế đang mở rộng và leo thang. Đặc biệt, từ cuộc chiến tranh thương mại đến nay đã lan sang cuộc chiến tranh công nghệ và bây giờ bước sang cuộc chiến tranh tiền tệ. Trung Quốc đã tiếp tục tung đòn hạ giá đồng nhân dân tệ, thậm chí là phá giá để giảm bớt sự tác động do bị đánh thuế.
Trước động thái này, ông Phạm Tất Thắng cho rằng, nếu như ông Donald Trump đánh thuế 10% lên hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ mà đồng tiền nhân dân tệ lại phá giá 10% thì coi như là hòa.
Ngày 5/8, tại thị trường Trung Quốc, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã giảm mức thấp nhất kể từ tháng 8/2010 so với USD xuống còn 7,1085 nhân dân tệ/USD. Diễn biến này xảy ra sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) điều chỉnh tỷ giá trung tâm ở mức 6,9225 nhân dân tệ/USD - mức thấp nhất kể từ tháng 12/2018. Điều này đã ảnh hưởng nhiều đến thị trường thế giới, trong đó có thị trường Việt Nam.
Vì vậy, Chính phủ cũng như các bộ ngành chức năng, các Hiệp hội và doanh nghiệp tuyệt đối không để hàng Trung Quốc núp bóng "Made in Vietnam" để xuất khẩu sang Mỹ.
Đào, mận, táo Trung Quốc lại ồ ạt nhập vào Việt Nam
Theo
plo.vn, thống kê của Tổng cục Hải quan, sáu tháng đầu năm 2019 kim ngạch nhập rau quả cả nước đạt hơn 990 triệu USD (tương đương gần 22.800 tỉ đồng), tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân, mỗi ngày người Việt bỏ ra hơn 127 tỉ đồng để mua và sử dụng các loại rau củ quả nhập khẩu.
Đáng chú ý, sau nhiều năm nhập khẩu giảm thì sáu tháng đầu năm 2019, rau quả từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam lại tăng mạnh. Hiện rau quả nhập khẩu nhiều nhất từ Thái Lan và Trung Quốc với kim ngạch đạt hơn 628 triệu USD, chiếm 63% tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của cả nước.
Kim ngạch nhập khẩu rau quả từ Thái Lan đạt 407 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2018. Nhập từ Trung Quốc 220 triệu USD, tăng 54%. Từ Thái Lan, chủ yếu là hoa quả như xoài, chôm chôm, thanh long, mít, sầu riêng, nhãn. Từ Trung Quốc loại rau được nhập vào nhiều hơn như bắp cải, cà rốt, su hào, súp lơ, khoai tây; các loại hoa quả đầu mùa là mận, táo, lê, dưa vàng, lựu, nho và quýt siêu ngọt.
Nguồn: VITIC tổng hợp
Nguồn:Vinanet