Giải pháp cho hàng Việt bị 'tắc đường' sang Trung Quốc bởi dịch nCoV
Thông tin từ
thoibaotaichinhvietnam.vn, dịch nCoV sẽ gây ảnh hưởng trong ngắn hạn và dài hạn đến hợp tác thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc ở 3 phương diện: xuất khẩu nông sản của Việt Nam; trao đổi và giao dịch giữa doanh nghiệp hai nước; tiến trình đàm phán mở cửa thị trường đối với một số sản phẩm sang Trung Quốc.
Theo Bộ Công thương, năm 2019, xuất khẩu nông thủy sản của ta sang thị trường Trung Quốc đạt 7,03 tỷ USD, giảm nhẹ 3,7% so với năm 2018.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, dịch nCoV sẽ tiếp tục có diễn biến ngày càng phức tạp, khó dự đoán về thời điểm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và sẽ gây ảnh hưởng trong ngắn hạn và dài hạn đến hợp tác thương mại, kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc ở 3 phương diện: xuất khẩu các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc; giao lưu, trao đổi và giao dịch giữa doanh nghiệp hai nước; tiến trình thúc đẩy đàm phán mở cửa thị trường và tháo gỡ khó khăn đối với một số sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Cục Xuất nhập khẩu đã có văn bản gửi Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đề nghị thông báo cho các doanh nghiệp logictics về việc ưu tiên cho thuê kho lạnh với mức giá ưu đãi tại thời điểm hiện nay đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.
Bên cạnh đó, cục này đã đề nghị thương vụ tại các nước hiện đã chính thức cho phép nhập khẩu thanh long (ruột trắng, ruột đỏ) của Việt Nam chủ động tổ chức làm việc, trao đổi với hiệp hội và các doanh nghiệp nhập khẩu có uy tín ở nước sở tại. Thông qua đó để cung cấp thông tin, kết nối với các doanh nghiệp, cơ sở đóng gói xuất khẩu thanh long của Việt Nam, nhất là tại tỉnh Long An nhằm hỗ trợ tăng cường tiêu thụ và xuất khẩu, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Được biết, về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có văn bản gửi các địa phương rà soát lại từng sản phẩm trái cây, lịch thời vụ chi tiết và đề nghị các doanh nghiệp để tăng cường công suất chế biến, thu mua, sơ chế, lưu kho.
Đồng thời, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp làm việc với các siêu thị để thúc đẩy tiêu thụ nội địa; tập trung đa dạng hóa các thị trường và tổ chức xúc tiến thương mại tại một số thị trường mới như Trung Đông, ASEAN để giải tỏa sức ép về thị trường./.
Nhiều nhóm ngành có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nCoV
Theo
vtv.vn, bất kỳ sự gián đoạn nào đến từ các nhà cung ứng quan trọng như Trung Quốc có thể sẽ là thách thức đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Công ty chứng khoán SSI ngày 3/2/2020 đã đưa ra Báo cáo đánh giá tác động của dịch nCoV tới các nhóm ngành, trong đó nhận định, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và hoạt động du lịch sẽ chịu ảnh hưởng bất lợi, ít nhất là trong ngắn hạn. Trong 23 nhóm ngành do SSI khảo sát, có tới 10 nhóm ngành sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do nCoV gồm: ngân hàng, dệt may, bán lẻ, thủy sản, bia, dầu khí, chứng khoán, cảng biển và vận chuyển, dịch vụ sân bay, hàng không. Chỉ có 4 ngành được đánh giá tích cực là dược phẩm, công nghệ thông tin, điện và nước.
Còn theo Báo cáo triển vọng VN-Index tháng 2/2020, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định, nhóm doanh nghiệp dịch lữ hành - hàng không, bất động sản nghỉ dưỡng - khách sạn, bán lẻ, xuất khẩu (phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc), năng lượng - dầu khí được dự báo sẽ chịu tác động tiêu cực từ dịch này trong ngắn hạn.
Ngành thủy sản ứng phó trước tác động của dịch nCoV
Thông tin từ
vtv.vn, trước diễn biến phức tạp của dịch nCoV, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp thủy sản theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu với Trung Quốc.
Mặc khác,các doanh nghiệp thủy sản phải chủ động có kế hoạch chế biến, trữ lạnh và đẩy mạnh việc tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện Trung Quốc là một trong bốn thị trường lớn nhập khẩu thủy sản Việt Nam với giá trị đạt hơn 540 triệu USD vào năm 2019
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, do công tác phòng chống dịch đang được thực hiện nghiêm ngặt nên việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa tại các cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc bị hạn chế, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung và thủy sản nói riêng. Hiện nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã có động thái giãn thời gian mua hàng.
Bàn giải pháp tiêu thụ nông sản
Vtv.vn đưa tin, ngày 3/2/2020, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương có buổi làm việc để bàn giải pháp tiêu thụ nông sản cho nông dân. Từ nay đến cuối tháng 2, Việt Nam sẽ thu hoạch hơn 100.000 tấn thanh long tại Long An và Tiền Giang, chưa kể dưa hấu cũng đang rộ đúng vụ thu hoạch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, phía Trung Quốc tiêu thụ nông sản rất chậm.
Nhiều cơ sơ thu mua thanh long tại Tiền Giang đang gặp khó khăn vì hàng chục tấn thanh long đã đặt cọc tiền cho nông dân chỉ chờ cắt để xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng giờ phải trữ lại trong kho lạnh. Trong khi đó, nhiều cơ sở thu mua thanh long tại các tỉnh Long An, Tiền Giang đã tạm đóng cửa. Phía Trung Quốc cũng chưa thông báo ngày nhập khẩu trở lại.
Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hộ nông dân cũng như các tổ chức cần cập nhật thông tin về lịch đóng - mở cửa khẩu để điều tiết tiến độ vận chuyển, giao nhận hàng hóa tại các khu vực này, nhằm bảo đảm an toàn chất lượng hàng hóa, tránh tình trạng bị ép giá.
Nguồn:VITIC