menu search
Đóng menu
Đóng

Trung Quốc nâng hạn ngạch sản xuất đất hiếm trong hai quý đầu năm 2021 lên mức cao kỷ lục

07:00 28/02/2021

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc - nước sản xuất đất hiếm hàng đầu thế giới - đã nâng hạn ngạch sản xuất đất hiếm lên mức cao kỷ lục 81.000 tấn, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến giảm bớt lo ngại của thị trường về tình trạng thiếu cung.
 
Đất hiếm được sử dụng trong sản xuất xe điện (EV), thiết bị điện tử gia dụng và thiết bị quân sự. Hạn ngạch sản lượng khai thác đất hiếm của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2021 được cấp cho 6 nhà sản xuất lớn có mức cao nhất từ trước tới nay. Và cứ mỗi năm 2 lần, chính phủ Trung Quốc sẽ công bố hạn mức sản xuất hợp chất này.
Trong kế hoạch 5 năm tính đến hết năm 2020, chính phủ Trung Quốc đã dần dần nâng hạn mức khai thác đất hiếm lên 140.000 tấn từ 100.00 tấn do nhu cầu tại nội địa tăng.
Tuy là nước sản xuất đất hiếm hàng đầu thế giới nhưng Trung Quốc vẫn phải phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên tố này, chủ yếu từ các nước Đông Nam Á như Myanmar, Malaysia và Việt Nam. Năm 2020, nước này nhập khẩu 47.000 tấn, tương đương ¼ sản lượng nội địa.
Nhu cầu đất hiếm ở Trung Quốc đang gia tăng mạnh mẽ do chính sách đẩy mạnh sản xuất xe điện, xe hybrid (sử dụng 2 nguồn điện và nhiên liệu hóa thạch), cũng như sản xuất rô bốt.
Trung Quốc gần như thống trị ngành khai thác đất hiếm toàn cầu trong nhiều thập kỷ, khiến các ngành công nghiệp ở nước ngoài không thể lập tức tìm được nguồn cung nếu Bắc Kinh đưa ra các biện pháp hạn chế.
Tháng trước, chính phủ Trung Quốc thông báo về các đề xuất áp dụng quản lý nhà nước chặt chẽ hơn với toàn bộ chuỗi cung ứng đất hiếm, từ sản xuất cho đến xuất khẩu. Động thái nâng hạn mức khai thác chất hiếm của Trung Quốc được coi là phòng thủ trước khả năng Mỹ sẽ có những động thái hạn chế thương mại với nước này.
Bắc Kinh xem công nghệ tinh chế đất hiếm từ nguyên liệu thô là một vũ khí mạnh hơn so với chính đất hiếm trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia.
Việc chiết xuất nguyên tố đất hiếm từ quặng thô vô cùng khó khăn và tốn kém. Chúng không tập trung ở một nơi với hàm lượng đủ lớn để khai thác hiệu quả về kinh tế. Bên cạnh đó, việc khai thác và xử lý đất hiếm cũng gây tàn phá môi trường nghiêm trọng nên các quốc gia phương Tây thường hạn chế khai thác trong nước.
Theo một báo cáo của Công ty nghiên cứu Zion Market Reseach (Ấn Độ), thị trường đất hiếm thế giới đạt giá trị 8,1 tỷ USD năm 2018 và được dự báo sẽ tăng lên 14,4 tỷ USD vào năm 2025.

Nguồn:VITIC/Reuters