menu search
Đóng menu
Đóng

TT hàng hóa quốc tế phiên 13/4: Giá đồng loạt tăng

14:00 14/04/2021

Phiên giao dịch vừa qua, giá dầu, vàng, sắt thép… đồng loạt đảo chiều tăng trở lại.
 
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng do số liệu cho thấy nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc trong tháng 3/2021 tăng mạnh. Tuy nhiên, đà tăng bị han chế sau thông tin Mỹ tạm dừng tiêm vắc-xin COVID-19 một mũi do hãng Johnson & Johnson (J&J) sản xuất – gây lo ngại ảnh hưởng đến sự hồi phục nhu cầu dầu mỏ ở Mỹ.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent trên sàn London tăng 39 US cent (0,6%) lên 63,67 USD/thùng; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 48 US cent (0,8%) lên 60,18 USD/thùng.
Nhà phân tích về năng lượng Eugen Weinberg thuộc Commerzbank Research cho rằng giá dầu khá ổn định nhờ tâm lý lạc quan của nhà đầu tư và đồng USD xuống giá. Bên cạnh đó, những hy vọng về sự gia tăng nhu cầu trong năm nay đang hỗ trợ giá dầu. Chỉ số USD đo giá trị của đồng tiền này so với 6 đồng tiền mạnh khác giảm 0,31% vào cuối phiên. Giá dầu luôn có xu hướng diễn biến trái chiều với đồng bạc xanh.
Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 3 vừa qua đã tăng với tốc độ mạnh mẽ, bổ sung động lực hồi phục kinh tế cho quốc gia này và chứng tỏ nhu cầu trên toàn cầu đang tăng lên trong bối cảnh việc tiêm chủng vắc xin có nhiều tiến triển. Nhập khẩu hàng hóa vào Trung Quốc cũng đạt mức cao kỷ lục trong vòng 4 năm.
Nhập khẩu dầu thô vào Trung Quốc đã tăng 21% trong tháng 3/2021, từ mức thấp nhất 1 năm ở tháng 2/2021, khi các nhà máy lọc dầu tăng cường hoạt động.
Giá than cũng tăng trong phiên này, theo đó than luyện cốc giao tháng 5 trên sàn Đại Liên tăng 0,9% lên 1.602 CNY/tấn, than cốc tăng 3,2% lên 2.436 CNY/tấn.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng cũng tăng sau số liệu cho thấy lạm phát tại Mỹ tăng mạnh, giúp gia tăng sự hấp dẫn cho vàng như là “kênh đầu tư an toàn” trong thời kỳ lạm phát, đồng thời gây sức ép lên đồng USD.
Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 0,8% lên 1.745,94 USD/ounce, sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 5/4 là 1.722,67 USD/ounce trước đó; vàng giao sau cũng tăng 0,9% lên 1.747,6 USD/ounce.
Giá tiêu dùng tháng Ba của Mỹ đã tăng nhiều nhất trong hơn 8,5 năm qua, “mở màn” cho điều mà phần lớn các nhà kinh tế dự báo sẽ xảy ra đó là tình trạng lạm phát tăng cao trong một thời gian ngắn.
Đồng USD rơi xuống mức thấp của ba tuần sau số liệu trên, giúp vàng trở nên rẻ hơn cho những nhà đầu tư nắm giữ đồng tiền tệ khác. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm cũng giảm.
Các nhà phân tích cho hay một yếu tố khác hỗ trợ cho vàng là quyết định của các quan chức y tế Mỹ. Cụ thể, các quan chức ý tế mới đây đã đề xuất ngừng sử dụng vaccine ngừa Covid-19 do Johnson & Johnson sản xuất.
Tuy nhiên, Phillip Streible, chiến lược gia thị trường tại Blue Line Futures ở Chicago cho biết hay giá vàng cần bứt phá trên mức 1.765 USD/ounce, để có thể khơi dậy một làn sóng mua vào khác, đẩy giá kim loại quý này lên tới 1.800 USD/ounce.
Về những kim loại quý khác, giá bạc tăng 2% lên 25,34 USD/ounce, giá palađi tăng 0,7% lên 2.695,58 USD/ounce sau khi leo lên mức cao nhất kể từ tháng ngày 18/3 là 2.710 USD/ounce, giá bạch kim giảm 0,9% xuống 1.158,98 USD/ounce, sau khi có lúc giảm xuống mức thấp nhất trong hai tuần là 1.151,86 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng hồi phục do nhu cầu mua nguyên liệu từ lĩnh vực công nghiệp, trong khi các nhà đầu cơ vẫn thận trọng sau khi Trung Quốc – nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới – thông báo sẽ có biện pháp ngăn chặn giá nguyên liệu tăng cao.
Kết thúc phiên giao dịch, giá đồng kỳ hạn 3 tháng trên sàn London (LME) tăng 0,5% lên 8.906 USD/tấn, sau khi giảm 0,7% ở phiên liền trước. Giá đồng ở LME đang bị mắc kẹt trong một phạm phi ở dưới mức cao nhất 9 năm rưỡi – là 9.617 USD/tấn. Trên sàn Comex, giá đồng kỳ hạn tháng 5 cũng tăng 0,5% lên 4,037 USD/lb.
Các kim loại cơ bản khác cũng đồng loạt tăng. Giá nhôm trên sàn LME tăng 1,4% lên 2.294 USD/tấn, nicken tăng 0,2% lên 16.160 USD, kẽm tăng 1,1% lên 2.788 USD, chì tăng 0,6% lên 1.988,50 USD và thiếc vững ở 25.565 USD/tấn.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng phiên thứ 3 liên tiếp lên mức cao nhất 5 tuần do nguồn cung từ các công ty khai thác lớn sụt giảm trong khi nhu cầu mạnh ở cả trong và ngoài nước.
Số liệu của Mysteel cho thấy nhập khẩu quặng sắt từ Australia và Brazil tuần đến 9/4 đã giảm 4,04 triệu tấn so với tuần trước đó, xuống 24,04 triệu tấn.
Trên sàn Đại Liên, quặng sắt kỳ hạn tháng 9 tăng 3,3% lên 1.023 CNY (156,17 USD)/tấn vào lúc đóng cửa, trước đó trong cùng phiên có lúc giá tăng 3,5%. Giá quặng sắt 62% nhập khẩu giao tại cảng biển Trung Quốc phiên liền trước vững ở 172 USD/tấn.
Giá thép thanh vằn kỳ hạn tháng 10 trên sàn Thượng Hải phiên này cũng tăng 2,4% lên 5.116 CNY/tấn, thép cuộn cán nóng tăng 2,2% lên 5.403 CNY/tấn, nhưng thép không gỉ kỳ hạn tháng 6 lại giảm 2,8% xuống 13.965 CNY/tấn do giá nickel giảm.
Sản lượng thép thô của Nhật Bản dự kiến sẽ tăng 28,3% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái lên 23,24 triệu tấn, trong khi nhu cầu tăng 20,6%.
Trên thị trường nông sản, giá ngô, đậu tương và lúa mì đều tăng do các quỹ hàng hóa mua vào sau đợt giá giảm gần đây và lo ngại về nguồn cung có thể sẽ bị thắt chặt.
Trên sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 5 tăng 11 US cent lên 5,80 USD/bushel, đậu tương giao cùng kỳ hạn tăng 7-1/2 US cent lên 13,89-1/2 USD/bushel, và lúa mì tăng 1-3/4 US cent lên 6,29-3/4 USD/bushel.
Giá đường hồi phục trong phiên vừa qua do lo ngại về nguồn cung và dữ liệu thương mại lạc quan của Trung Quốc. Theo đó, đường thô tăng 0,08 US cent (0,5%) lên 15,43 US cent/lb. Tuy nhiên, đà tăng giá bị giới hạn bởi nhu cầu yếu, mặc dù lo ngại về việc thu hoạch mía của Brazil và của cải của Pháp không thuận lợi đã hỗ trợ giá lên; đường trắng tăng 3,7 USD (0,9%) lên 424,2 USD/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất 3 tháng ở phiên liền trước.
Các nhà máy chế biến mía ở miền trung nam Brazil sản xuất ít đường giảm 23% trong nửa cuối tháng 3 so với một năm trước, do hoạt động ở đầu vụ năm nay bắt đầu muộn hơn mọi năm.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Pháp dự báo sản lượng củ cải đường có thể giảm 6% so với năm ngoái do yếu tố thời tiết.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 tăng 1,95 US cent (1,5%) lên 1,3005 USD/lb vào cuối phiên, sau khi có lúc đạt mức cao nhất kể từ giữa tháng 3; robusta cũng tăng nhẹ 1 USD (0,1%) lên 1.344 USD/tấn.
Fitch Solution dự kiến tiêu thụ cà phê toàn cầu giai đoạn 2021 – 2025 sẽ tăng trung bình 1,7%/năm, chậm hơn so với mức tăng trung bình 3% ở giai đoạn 2015-2019.
Thông tin từ Cecafe – hiệp hội xuất khẩu cà phê Brazil, nước này đã xuất khẩu 3,06 triệu bao cà phê nhân (1 bao = 60 kg) trong tháng 3 vừa qua, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty thương mại Comexim cho biết đợt tăng giá arabica gần đây không có tác động lớn đến thị trường cà phê hàng thực của Brazil, nơi các giao dịch vẫn diễn ra chậm chạp.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất 2,5 tháng do số liệu cho thấy lượng tiền gửi và lưu thông tiền tệ trong hệ thống ngân hàng Nhật Bản tháng 3 đạt mức cao kỷ lục, cho thấy nền kinh tế này cần nhiều thời gian nữa để thoát khỏi đại dịch.
Trên sàn Osaka, cao su kỳ hạn tháng 9 kết thúc phiên giảm 1,9 JPY (0,8%) xuống 224,6 JPY/kg, thấp nhất kể từ cuối tháng 1. Trên sàn Thượng Hải, cao su kỳ hạn tháng 9 cũng giảm 1% xuống 13.530 CNY/tấn.
Giá hàng hóa thế giới sáng 14/4/2021

 

Nguồn:VITIC/Reuters, Bloomberg