Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng lên mức cao nhất 4 tuần do những dữ liệu kinh tế tích cực đến từ Mỹ và cả IEA và OPEC đều dự báo nhu cầu dầu sẽ tăng khi các nền kinh tế bắt đầu hồi phục sau đại dịch Covid-19.
Theo đó, dầu Brent tăng 36 US cent, tương đương 0,5%, lên 66,94 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 31 US cent (0,5%) lên 63,46 USD/thùng. Cả 2 loại dầu đều kết thúc phiên ở mức cao nhất kể từ ngày 17/3, và cả 2 loại đều tăng liên tiếp trong 4 phiên – chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 2/2021.
Doanh số bán lẻ của Mỹ tháng 3 đã hồi phục mạnh hơn mức dự kiến, sau khi người dân Mỹ được tiếp nhận thêm gói cứu trợ mới chống đại dịch Covid-19, trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 tiếp tục được triển khai tích cực, cho phép nền kinh tế mở cửa rộng rãi hơn.
Các dữ liệu về doanh số bán lẻ và kết quả kinh doanh lạc quan của một số công ty đã đẩy chỉ số S&P 500 và Dow Jones tăng lên mức cao kỷ lục. Nhà đầu tư ngày càng tin tưởng vào sự hồi phục của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Jim Ritterbusch, chủ tịch của Ritterbusch và Associates ở Galena, Illinois, cho biết: “Giá dầu bắt đầu kết nối lại mối quan hệ với các cổ phiếu mạnh với sự hỗ trợ thêm từ đồng USD đang suy yếu”.
Đồng USD tiếp tục xu hướng giảm xuống mức thấp nhất 4 tuần so với rổ các đồng tiền chủ chốt, khiến cho giá dầu trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác. Yếu tố này dự báo sẽ còn tiếp tục có lợi cho giá dầu thô trong thời gian tới.
Chuyên gia Bjornar Tonhaugen của Rystad Energy cho biết: “Mức tăng giá dầu hôm 14/4 là hơi quá mức, nhưng được xây dựng trên cơ sở có lý, vì một số cơ quan uy tín đều dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng trong 6 tháng cuối năm nay, và các kho chứa dầu thô của Mỹ đều giảm mạnh đến mức khiến các nhà giao dịch bất ngờ”.
Cả Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong báo cáo tháng này đều nâng mức dự báo về nhu cầu dầu toàn cầu năm 2021 lên lần lượt tăng 5,7 triệu thùng/ngày và tăng 5,95 triệu thùng/ngày trong năm 2021 so với năm 2020. Tồn trữ dầu thô của Mỹ tuần vừa qua giảm 5,9 triệu thùng, cao hơn rất nhiều so với dự đoán của các nhà phân tích là sẽ giảm 2,9 triệu thùng, trong đó dự trữ tại các kho ở Bờ Đông giảm xuống mức thấp kỷ lục do tỷ lệ sử dụng công suất sản xuất của các nhà máy lọc dầu Mỹ đã hồi phục đến mức cao nhất kể từ tháng 3/2020, là 85%, theo dữ liệu của Chính phủ Mỹ.
Chuyên gia Tonhaugen cho biết: “Hôm nay thị trường giữ vững những mức tăng (giá) này, chỉ phần nào giảm nhiệt so với phiên trước”.
Các nhà phân tích thuộc ngân hàng Goldman Sachs cho biết OPEC cùng các đồng minh (gọi là OPEC+) tuân thủ cam kết về nguồn cung và kinh tế thế giới hồi phục đã tạo cơ hội cho giá dầu thoát khỏi phạm phi hẹp như thời gian gần đây. Báo cáo của ngân hàng này cho biết: “Chúng tôi lạc quan dự báo giá dầu Brent sẽ tăng lên 80 USD/thùng trong quý 3/2021 nhờ nhu cầu hồi phục nhanh và OPEC+ tuân thủ kỷ lục về cung ứng”.
Tuy nhiên, bất chấp tất cả những cơ sở lạc quan kể trên, một số nhà giao dịch năng lượng vẫn cảnh báo đà tăng của giá dầu có thể sẽ bị giới hạn bởi kế hoạch của OPEC trong việc cắt giảm dần mức giảm sản lượng, bắt đầu từ tháng 5 sắp tới.
OPEC + đã đồng ý sẽ bổ sung khoảng 2 triệu thùng dầu/ngày cho thị trường trong vòng 3 tháng tới (tháng 5 đến tháng 7).
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng mạnh lên mức cao nhất trong vòng hơn 1 tháng khi lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ giảm bất chấp các số liệu kinh tế tốt hơn dự kiến, thúc đẩy các nhà đầu tư mua vàng như một nơi “trú ẩn an toàn” để đề phòng khả năng lạm phát leo thang trong thời gian tới.
Cụ thể, giá vàng giao ngay kết thúc phiên tăng 1,8% lên 1.766,50 USD/ounce, trước đó có thời điểm giá tăng lên 1.769,37 USD/ounce - mức cao nhất kể từ ngày 26/2.
Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tiến hơn 1,8% lên 1.766,80 USD/ounce.
Phiên này, vàng đã có lúc mất đà tăng trong thời gian ngắn sau khi báo cáo mới nhất cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ phục hồi tốt hơn mong đợi trong tháng 3/2021, còn số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3/2020. Tuy nhiên, việc đồng USD có thời điểm giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tuần và lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đi xuống vào cùng phiên cũng giúp vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Ông Jeffrey Sica, người sáng lập tổ chức tư vấn Circle Squared Alternative Investments, cho biết khả năng lạm phát leo thang phi mã gần như chắc chắn sẽ thành hiện thực. Khi đó, vàng sẽ là tài sản tốt nhất để sở hữu khi thị trường bắt đầu nhận được mức lạm phát có thể cao lịch sử.
Một yếu tố được giới đầu tư để tâm là phát biểu ngày 14/4 của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell và các lãnh đạo khác của Fed đều khẳng định những dự báo sáng sủa về nền kinh tế Mỹ cũng như lạm phát cao trong ngắn hạn sẽ không khiến Fed điều chỉnh chính sách tiền tệ, theo đó lãi suất thấp như hiện nay sẽ được duy trì cho đến khi cuộc khủng hoảng kết thúc. Lạm phát thấp là yếu tố quan trọng đẩy giá vàng
Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao của Kitco Metals cho biết, việc lạm phát tăng hơn nữa trong thời gian tới sẽ càng thúc đẩy giá vàng tăng lên.
Ông Bart Melek, người đứng đầu bộ phận chiến lược thị trường hàng hóa tại công ty tư vấn TD Securities, cho biết thị trường đang đặt cược rằng sẽ có những yêu cầu tài chính lớn để đảm bảo lạm phát tăng cao hơn. Song việc Fed không đặc biệt lo lắng về triển vọng lạm phát là một vấn đề nghiêm trọng hiện nay đối với thị trường.
Về những kim loại quý khác, giá bạc phiên này tăng 1,8% lên 25,86 USD/ounce còn giá bạch kim tăng 2,3% lên 1.197,91 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tăng mạnh trong phiên vừa qua do các ngân hàng đặt cược tiêu thụ kim loại này sẽ tăng trong năm nay, đồng thời tin tưởng nhu cầu trong dài hạn cũng tăng do xu hướng chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Kết thúc phiên giao dịch, đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 2,2% lên 9.278 USD/tấn, trước đó có thời điểm giá chạm mức cao nhất 6 tuần, là 9.299 USD/tấn.
Nhà phân tích Carsten Menke của Julius Baer cho biết: “Nguyên nhân (giá tưng) có vẻ như bởi đánh giá tích cực của một số ngân hàng đầu tư, như Goldman Sachs, về triển vọng nhu cầu tiêu thụ”.
Đồng được sử dụng trong hệ thống cáp điện, xây dựng và ngày càng được sử dụng nhiều trong ngành xe điện và tuabin gió. Điều này đã gây ra một làn sóng đặt cược cho nhu cầu tăng vọt kéo giá tăng theo. Kim loại này cũng được sử dụng như một thước đo sức khỏe kinh tế toàn cầu.
Goldman Sachs dự báo giá đồng có thể đạt 15.000 USD/tấn vào năm 2025, đồng thời nâng dự báo về giá trong 12 tháng tới lên 11.000 USD/tấn, trung bình năm 2021 là 9.675 USD/tấn.
Ngân hàng cho biết: "(Giá cao hơn) sẽ kích thích một làn sóng đầu tư vào nguồn cung từ trước đến nay vẫn chưa có, nhưng nếu điều đó không bắt đầu thành hiện thực hoặc yêu cầu tăng giá bất ngờ thì có thể xảy ra một con đường giá cao hơn nữa".
Ngân hàng Citi hôm 12/4 cũng cho biết tiêu thụ đồng có thể "vượt xa dự báo cơ sở của chúng tôi cho năm 2021", và khuyến nghị khách hàng nên tiếp cận với đồng vì sẽ tăng giá trong vài tuần tới.
Trong khi đó, nhập khẩu đồng vào Trung Quốc – nước tiêu thụ nhiều nhất thế giới – trong tháng 3 đã tăng 25% so với một năm trước đó.
Về những kim loại cơ bản khác, giá nhôm tăng 0,6% lên 2.337,50 USD/tấn vào cuối phiên sau khi có lúc chạm mức cao nhất kể từ tháng 5/2018 là 2.356.50 USD do lo ngại về nguồn cung ở Trung Quốc và triển vọng các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga, một nhà sản xuất nhôm lớn. Giá kẽm cũng tăng 1,5% lên 2,865 USD/tấn, chì tăng 1,5% lên 2,025 USD/tấn, thiếc tăng 0,8% lên 26,425 USD/tấn, trong khi nickel tăng 0,1% lên 16,390 USD/tấn.
Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc tăng 4,4% trong phiên vừa qua, trong đó giá hợp đồng giao ngay và hợp đồng kỳ hạn tương lai có mức chênh lệch lớn, giữa bối cảnh nhu cầu quặng sắt tăng lên, có nghĩa vẫn còn nhiều dư địa để giá quặng sắt tăng thêm nữa.
Một nhà phân tích ở Đường Sơn cho biết: “Đã có những đồn đoán rằng những nơi khác như thành phố Hàm Đan ở Hà Bắc cũng sẽ thực hiện hạn chế sản xuất thép, nhưng trên thực tế họ đã không làm như vậy”. Sản xuất thép duy trì đồng nghĩa với nhu cầu quặng sắt sẽ cao.
Theo Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc, sản lượng thép thô hàng ngày tại các nhà máy thép lớn của nước này đạt 2,3 triệu tấn trong 10 ngày đầu tháng 4, tăng 2,9% so với cuối tháng 3 và tăng 16,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá quặng hàm lượng 62% sắt nhập khẩu tới cảng biển Trung Quốc hôm 14/4 là 173,5 USD/tấn, không thay đổi so với phiên giao dịch trước. Tuy nhiên, giá quặng kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên đóng cửa phiên 15/4 tăng 3,6% lên 1.049 CNY (160,56 USD)/tấn, sau khi có lúc chạm mức cao 1.057 CNY.
Giá thép trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm mạnh. Thép thanh vằn kỳ hạn giao tháng 10 giảm 0,5% xuống 5.107 CNY/tấn; thép cuộn cán nóng cũng giảm 0,6% xuống 5.393 CNY/tấn và thép không gỉ kỳ hạn tháng 6 giảm 0,5% xuống 13.845 CNY/tấn.
Trên thị trường nông sản, giá ngô giảm trong khi giá lúa mì và đậu tương vững.
Cụ thể, ngô kỳ hạn tháng 5 giảm 3-1/2 US cent xuống 5,90-1/2 USD/bushel vào cuối phiên, sau khi có lúc đạt 6,01-1/2 USD/bushel.
Lúa mì vững giá trong bối cảnh thị trường vẫn lo ngại về tình trạng khô hạn ở đồng bằng nước Mỹ có nguy cơ ảnh hưởng đến sản lượng. Lúa mì kỳ hạn tháng 5 tăng nhẹ 5 US cent lên 6,53 USD/bushel, trong khi đậu tương giao cùng kỳ hạn tăng 8-1/4 US cent lên 14,18-1/4 USD/bushel.
Giá đường thô tiếp tục tăng mạnh thêm hơn 3% trong phiên vừa qua, lên mức cao nhất trong vòng gần 1 tháng do giá hàng hóa và chứng khoán thế giới vững ở mức cao và lo ngại sản lượng của Brazil có thể giảm sút.
Kết thúc phiên giao dịch, đường thô tăng 0,52 US cent, tương đương 3,3%, lên 16,38 US cent/lb.
Các đại lý nhận định Brazil sẽ rất khó có thể đạt mức sản lượng 36 triệu tấn đường như dự đoán ban đầu. Do đó, giá đường có khả năng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, mặc dù xuất khẩu từ Ấn Độ mạnh hạn chế xu hướng giá đường thô tăng.
Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sản lượng đường của Thái Lan năm 2021/22 sẽ hồi phục thêm 40% so với năm 2020/21, lên 10,6 triệu tấn.
Giá đường trắng kỳ hạn tháng 5 phiên này cũng tăng 14 USD (3,2%) lên 455,60 USD/tấn.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 tăng 0,6 US cent, tương đương 0,5%, lên 1,327 USD/lb, là phiên tăng thứ 4 liên tiếp do lo ngại sẽ thiếu cung cà phê arabia do Brazil bước vào chu kỳ sản lượng thấp – 2 năm một lần. Lo ngại này làm át đi tác động tiêu cực từ đồng real Brazil giảm giá.
"Theo quan điểm của chúng tôi, sự sụt giảm sản lượng của Brazil trong vụ mùa tới là hoàn toàn có thể xảy ra, và áp lực có thể sẽ xuất hiện trên thị trường hàng thực (nhiều hơn) so với thị trường kỳ hạn tương lai”, ngân hàng Rabobank viết trong một thông báo công bố tuần này.
Giá cà phê robusta trên sàn London phiên vừa qua giảm 2 USD tương đương 0,1%, xuống 1,363/tấn. Tại Châu Á, giá cà phê Việt Nam tuần này giữ ở mức cao. Theo đó, cà phê nhân xô ở Tây Nguyên được bán với giá 32.000 đến 33.000 đồng (1,39 – 1.43 USD)/kg, so với 31.400 – 32.700 đồng/kg cách đây một tuần.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản tăng 2% trong phiên vừa qua, là phiên tăng thứ 2 liên tiếp, sau khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho biết nền kinh tế Nhật đang hồi phục sau đại dịch Covid-19.
Lúc đóng cửa phiên 15/4, cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn Osaka tăng 4,8 JPY, tương đương 2,1%, lên 236,9 JPY/kg.
Nền kinh tế Nhật Bản đang khởi sắc nhờ nhu cầu trên toàn cầu phục hồi và chương trình kích thích tiêu dùng trên quy mô lớn, mặc dù bất kỳ sự phục hồi nào đều có yếu tố rủi ro do đại dịch còn diễn biến phức tạp, Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda cho biết.
Trên sàn Thượng Hải, cao su kỳ hạn tháng 9 phiên này cũng tăng 1,4% lên 13.730 CNY/tấn.
Giá hàng hóa thế giới sáng 16/4/2021
Nguồn:VITIC/Reuters, Bloomberg