Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng do triển vọng nhu cầu nhiên liệu đang tăng lên khi nhiều bang của Mỹ nới lỏng lệnh hạn chế đi lại và Liên minh châu Âu (EU) tìm cách thu hút thêm khách du lịch.
Kết thúc phiên 4/5, giá dầu Brent ở mức 68,88 USD/thùng, tăng 1,32 USD (1,95%); trong phiên có lúc giá tăng 1,8 USD lên 69,36 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) lúc đóng cửa tăng 1,2 USD (1,86%) lên 65,69 USD/thùng; trong phiên có lúc giá tăng 1,65 USD (2,56%) lên 66,14 USD/thùng.
Giá dầu đang được hỗ trợ tích cực bởi triển vọng nhu cầu nhiên liệu tăng lên khi các bang New York, New Jersey và Connecticut mở cửa trở lại và EU có kế hoạch mở cửa cho những du khách nước ngoài đã được tiêm chủng.
Mỹ và Trung Quốc là hai nước tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới. Khoảng 1/3 cư dân Mỹ đã được tiêm đầy đủ vắc-xin Covid-19.
Các nhà kinh doanh dầu mỏ càng được khích lệ khi thấy thêm những bằng chứng khác cho thấy nhu cầu dầu thô của Mỹ đang tăng. Dữ liệu từ Viện Dầu mỏ Mỹ (API) công bố cho thấy tồn trữ dầu thô của nước này trong tuần kết thúc vào 30/4 đã giảm 7,7 triệu thùng; tồn trữ xăng giảm 5,3 triệu thùng và tồn trữ sản phẩm chưng cất giảm 3,5 triệu thùng.
Mức giảm tồn trữ dầu của Mỹ như vậy là mạnh hơn nhiều so với ước tính của các chuyên gia. Kết quả thăm dò của Reuters trước khi API công bố số liệu cho thấy họ dự đoán tồn trữ dầu thô của Mỹ trong tuần qua giảm 2,2 triệu thùng, sau khi tăng trong 2 tuần liền trước đó.
Kết quả thăm dò cũng cho thấy, tỷ lệ sử dụng công suất sản xuất của các nhà máy lọc dầu tuần qua ước tính tăng 0,5 điểm phần trăm, so với mức 85,4% của tuần kết thúc vào 23/4.
Đồng USD tiếp tục yếu đi, sau khi Mỹ công bố số liệu tích cực về trăng trưởng sản xuất của nước này, cũng góp phần đẩy giá dầu tăng lên bởi USD giảm khiến dầu trở nên rẻ đối với những nhà đầu tư sử dụng các loại tiền tệ khác ngoài USD.
Nhà phân tích năng lượng Louise Dickson của Rystad cho biết: "Dự báo nhu cầu dầu mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2021 đang tạo tâm lý lạc quan cho các nhà giao dịch và giữ giá dầu tiếp nối đà tưng, kể cả trong thời điểm khủng hoảng, chẳng hạn như tình trạng ở Ấn Độ gần đây”. Theo ông Dickson: “Trên thực tế, nhìn vào triển vọng thị trường có thể thấy giá dầu sẽ tăng trở lại mức trên 70 USD/thùng trong những tháng tới, trừ khi OPEC+ có sự thay đổi lớn về chính sách sản lượng”.
Trong khi đó, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc tháng 2 và 3 vừa qua đạt mức cao kỷ lục so với cùng tháng các năm trước do doanh số bán ô tô tăng, sự hồi phục của lĩnh vực du lịch và lĩnh vực công nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu bị kìm hãm bởi số ca nhiễm Covid-19 đang tăng mạnh ở Ấn Độ và Brazil.
Tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Ấn đã vượt qua con số 20 triệu và dự kiến sẽ ảnh hưởng mạnh tới nhu cầu nhiên liệu ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới.
Theo ty tư vấn năng lượng độc lập lớn nhất của Na Uy, Rystad, cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 hiện nay ở Ấn Độ - một trong những quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới, sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu khoảng 575.000 thùng/ngày trong tháng 4 và khoảng 915.000 thùng/ngày trong tháng 5. Điều này sẽ làm xáo trộn thị trường dầu mỏ toàn cầu hiện gần ở trạng thái cân bằng.
Sự lây lan mạnh mẽ của dịch Covid-19 ở Ấn Độ sẽ làm giảm nhu cầu dầu mỏ toàn cầu, dẫn đến tình trạng nguồn cung bị dư thừa.
Trên thực tế, mức tiêu thụ nhiên liệu của Ấn Độ đã tăng trong tháng 3 và đây cũng là lần tăng đầu đầu tiên trong tháng 3 với mức tăng cao nhất kể từ tháng 12/2019 nhờ hoạt động kinh tế dần tăng trở lại. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại khi số ca lây nhiễm tại Ấn Độ liên tục tăng cao theo ngày, hoạt động đi lại hay di chuyển của người dân sẽ hạn chế theo và từ đó khiến nhu cầu dầu mỏ giảm sút.
Theo báo cáo ngày 29/4 của Bộ Y tế Ấn Độ, ngày 29/4, Ấn Độ ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 cao nhất từ trước cho tới nay 3.645 ca, trong khi số ca nhiễm tăng thêm 379.257 ca.
Thực tế này sẽ dẫn đến hậu quả là mọi hoạt động đi lại, di chuyển trên khắp đất nước đều bị hạn chế.
Rystad cho rằng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt bất ngờ được ban hành thực hiện tại một số địa phương trong vài ngày qua sẽ làm giảm 13% nhu cầu đi lại tại Ấn Độ trong tháng 4/2021 so với tháng trước đó.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm sau phát biểu mới đây của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen về vấn đề điều chỉnh lãi suất. Trong khi đó, giá palađi tăng lên mức cao kỷ lục do mối lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Theo đó, vàng giao ngay giảm 0,9% xuống 1.776,73 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 6/2021 giảm 0,9% xuống 1.776 USD/ounce.
Giá vàng đi xuống sau khi bà Yellen cho rằng Mỹ có thể cần phải tăng lãi suất để ngăn nền kinh tế phát triển quá nóng trước việc tung ra nhiều chương trình hỗ trợ. Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí nắm giữ vàng. Bên cạnh đó, sự mạnh lên của đồng USD cũng làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý này.
Tai Wong, người phụ trách mảng giao dịch phái sinh kim loại của BMO, cho biết: “Trong 2 tuần qua đã có 4 lần giá vàng quay đầu giảm sau khi gần chạm ngưỡng 1.800 USD/ounce. Lần này, giá giảm sau bình luận của bà Yellen về chính sách ôn hòa của các nhà hoạch định chính sách tài chính Mỹ”.
Nhà phân tích Suki Cooper tại Standard Chartered dự báo giá vàng sẽ ở mức trung bình 1.775 USD/ounce trong quý II/2021.
Ngược với đà giảm của vàng, giá palađi giao ngay tăng 0,2% lên 2.976,90 USD/ounce, sau khi có lúc vọt lên mức kỷ lục 3.017,18 USD/ounce.
Chuyên gia Bart Melek, tại TD Securities nhận định các quy định siết chặt hơn về kiểm soát ô nhiễm toàn cầu sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ palađi để sử dụng trong các thiết bị kiểm soát khí thải trong ô tô. Theo chuyên gia này, trong tương lai gần, thị trường sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung và giá cả sẽ tăng cao.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giảm 1,8% xuống 26,40 USD/ounce, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất kể từ 26/2; bạch kim cũng giảm 0,2% xuống 1.227,73 USD.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tăng trở lại mức gần 10.000 USD/tấn do triển vọng nhu cầu sẽ mạnh lên trong khi lượng tồn trữ giảm sút.
Kết thúc phiên giao dịch đêm qua trên sàn London, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng tăng 1,1% lên 9.941 USD/tấn. Phiên trước đó, ngày 29/4, giá đồng đã đạt 10.008 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 2/2011.
Lượng đồng lưu kho trên sàn London đã giảm 6.325 tấn xuống mức thấp nhất trong 5 tuần là 137.000 tấn, giảm 20% so với giữa tháng 4. Lượng đồng lưu kho trên sàn Thượng Hải cũng giảm 1,3% trong một tuần qua.
Ngân hàng Bank of America dự báo giá đồng có thể tiếp tục tăng lên 13.000 USD/tấn trong vài tháng tới.
Về những kim loại khác, giá nhôm tăng 1,3% lên 2.427 USD vào lúc đóng cửa, sau khi có lúc chạm mức cao nhất trong ba năm, trong khi kẽm tăng 0,9% lên 2.952 USD, sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 6 năm 2018; chì tăng 1,6% lên 2.186 USD/tấn, thiếc tăng 1,4% lên 29.100 USD, trong khi nickel giảm 0,2% xuống 17.635 USD/tấn.
Trên thị trường nông sản, giá ngô, đậu tương và lúa mì đều tăng.
Giá ngô Mỹ có thời điểm đạt 7 USD/bushel do thời tiết khô hạn ở Brazil khiến nguồn cung trên toàn cầu bị thắt chặt. Ngô kỳ hạn tháng 7 trên sàn Chicago kết thúc phiên vừa qua tăng 17-1/4 US cent lên 6,96-3/4 USD/bushel; trong phiên có lúc đạt 7,04 USD, mức cao nhất kể từ tháng 3/2013.
Các nhà phân tích Mỹ cho biết, giá ngô tăng cao cũng không làm hạn chế nhu cầu mạnh mẽ đối với ngô dùng để chăn nuôi và sản xuất ethanol, cho thấy khả năng giá sẽ còn tăng thêm nữa.
Giá ngô tăng kéo giá đậu tương và lúa mì tăng theo.
Cụ thể, giá lúa mì tăng mạnh 8-3/4 US cent lên 7,26-3/4 USD/bushel, trong khi đậu tương tăng 14-1/4 US cent lên 15,38-1/4 USD/bushel.
Giá đường thô tăng hơn 2% do các quỹ tiếp tục mua vào. Theo đó, đường thô kỳ hạn tháng 7 giá tăng 0,39 US cent (2,3%) lên 17,12 US cent/lb. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8 phiên này cũng tăng 1,4 USD, hay 0,3% lên 449,80 USD/tấn.
Nhà đầu tư tiếp tục mua mạnh trong bối cảnh lo ngại về tình hình sản xuất đường ở khu vực Trung Nam Brazil do thời tiết những tháng gần đây khô hạn ảnh hưởng đến sự phát triển của cây mía.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 phiên vừa qua tăng 0,1 US cent (0,1%) lên 1,4035 USD/lb. Tuần qua, hợp đồng này đã tăng lên mức 1,4765 USD, cao nhất kể từ tháng 2/2017; cà phê robusta giao tháng 7 cũng tăng 18 USD, tương đương 1,2%, lên 1.474 USD / tấn.
Thời tiết khô hạn ở Brazil cũng là lý do chính đẩy giá cà phê arabica tăng lên.
Giá hàng hóa thế giới sáng 5/5/2021
Nguồn:VITIC/Reuters, Bloomberg