menu search
Đóng menu
Đóng

TT vật liệu xây dựng tuần qua: Nhiều mặt hàng đội giá theo chi phí đầu vào

11:05 14/06/2019

Vinanet -Từ giữa tháng 3 đến nay, giá nhiều mặt hàng xây dựng có xu hướng tăng theo mức tăng của chi phí đầu vào như điện, than…
Cụ thể như xi măng đã tăng khoảng từ 50.000 – 70.000 đồng/tấn tuỳ loại. Đây cũng là điều được dự báo trước. Các chuyên gia khẳng định, xi măng sẽ tiếp tục ổn định ở mức giá hiện nay bởi các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn đứng ở mức cao.
Mặc dù vậy, thị trường vật liệu lại có sự đối nghịch khi giá xi măng tăng nhưng giá gạch lại tụt thấp; thậm chí, sản phẩm làm ra đang phải bán thấp dưới cả giá thành sản xuất.
Theo Hiệp hội Gạch nung miền Bắc, vài tháng trở lại đây, nhiều nhà máy gạch tại khu vực phía Bắc rơi vào cảnh sản xuất cầm chừng. Chi phí quản lý, khấu hao khiến giá thành sản xuất ra một viên gạch tăng từ 800 – 1.000 đồng/viên. Trong khi đó, nhiều đơn vị sản xuất phải bán với giá khoảng 600 đồng/viên. Mức giá bán này khiến họ đang phải chịu lỗ nhưng vẫn "ế" hàng.
Nguyên nhân giá gạch giảm mạnh được các chuyên ra đưa ra là do cung vượt quá cầu, các nhà máy đua nhau giảm giá bán. Hiện miền Bắc đang có khoảng 500 doanh nghiệp sản xuất gạch nung và không nung. Hầu hết, các nhà máy đều trong tình trạng sản xuất cầm chừng.
Khu vực phía Nam, các mặt hàng từ sắt thép, xi măng cho đến gạch ống, gạch lát nền, gạch trang trí đều tăng khá mạnh. Nhất là cát xây dựng, giá tăng nhưng cũng phải đặt hàng trước mới có. Theo đó, giá xây dựng đội lên khoảng 500.000 đồng/m2.
Dự báo, tại phía Bắc, khi mùa khô đến cũng là lúc bắt đầu vào cao điểm của mùa xây dựng. Nhu cầu vật liệu vẫn tiếp tục tăng cao hơn và giá cả có thể vẫn còn biến động.
Trước việc lượng phôi thép nhập khẩu từ Malaysia và Kazakhstan vào Việt Nam vượt quá ngưỡng cho phép theo quy định của WTO nên Bộ Công Thương quyết định loại hai quốc gia trên khỏi danh sách được miễn trừ biện pháp tự vệ.
Cuối tháng 5, Bộ Công Thương ban hành quyết định về việc sửa đổi, bổ sung liên quan đến kết quả rà soát giữa kỳ việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu.
Cụ thể, Bộ Công Thương quyết định loại Malaysia và Kazakhstan khỏi danh sách các nước và vùng lãnh thổ được loại trừ áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép. Nói cách khác, sản phẩm phôi thép nhập khẩu từ hai quốc gia này sẽ phải chịu thuế tự vệ theo lộ trình từ ngày 13/6. Phôi thép được nhập khẩu từ Malaysia và Kazakhstan vào Việt Nam sẽ phải chịu thuế 17,3% từ ngày 13/6 đến ngày 21/3/2020. Thuế sẽ về 0% từ ngày 22/3/2020 nếu Bộ Công Thương không gia hạn biện pháp tự vệ.
Giải thích cho quyết định trên, Bộ Công Thương trích số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết kể từ năm 2018 đến quý I, lượng nhập khẩu sản phẩm phôi thép từ Malaysia và Kazakhstan vượt 3% lượng nhập vào Việt Nam.
Theo quy định của Hiệp định Tự vệ của WTO và Luật Quản lý ngoại thương, các nước đang phát triển thỏa mãn 2 điều kiện dưới đây sẽ được loại trừ không bị áp dụng biện pháp tự vệ. Đó là lượng nhập khẩu từ từng nước vào Việt Nam không vượt quá 3% lượng nhập khẩu vào Việt Nam; đồng thời tổng lượng nhập khẩu vào Việt Nam của các nước này không vượt quá 9% tổng nhập khẩu vào Việt Nam.
Ngoài ra, đối với mặt hàng thép dài, Bộ Công Thương giữ nguyên danh sách các nước, vùng lãnh thổ được miễn trừ theo Quyết định 4086.
Trước đó, ngày 18/7/2016, Bộ Công Thương quyết định áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với sản phẩm phôi thép, thép dài nhập khẩu vào Việt Nam. Đến ngày 26/3/2018, Bộ bắt đầu rà soát giữa kỳ và đến ngày 30/10/2018 quyết định duy trì biện pháp tự vệ trên.
Đối với thép cuộn cán nóng, Việt Nam dựa vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu nội địa. Theo thông tin từ các nhà máy thép Việt Nam, nhu cầu hàng năm đối với cuộn cán nóng của Việt Nam đã tăng lên 16 triệu tấn. Tập đoàn thép Formosa Hà Tĩnh (FHS), doanh nghiệp thép lớn nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ có thể sản xuất 4.8 triệu tấn mỗi năm. Do đó, khoảng 75% cuộn thép cán nóng được nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Việt Nam là khu vực lớn thứ hai về nhu cầu thép ở Châu Á, xếp sau Trung Quốc. Do tình trạng thiếu sản xuất tại địa phương, nhu cầu thép của thị trường không thể đáp ứng tốt, điều này khiến Việt Nam trở thành người mua lớn và có ảnh hưởng rất lớn đến giá thép châu Á.
Điều đáng nói là nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Trong khi đó, với sự phát triển của cơ sở hạ tầng, đô thị hóa và tiêu dùng, nhu cầu thép của Việt Nam cũng sẽ tiếp tục tăng.
Nguồn: VITIC tổng hợp/ndh.vn,satthep.net

Nguồn:Vinanet