menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu chè của Việt Nam tăng cả lượng và chất

12:31 23/07/2021

Cục Xuất Nhập khẩu cho biết, trong nửa đầu năm 2021, xuất khẩu chè đạt 58,1 nghìn tấn, trị giá 94,9 triệu USD, tăng 0,3% về lượng và tăng 4,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 
 
Giá chè xuất khẩu bình quân trong nửa đầu năm 2021 đạt 1.632,9 USD/tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020. 
Trong nửa đầu năm 2021 chè của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu tới thị trường Pa-ki-xtan, thị trường Đài Loan và Nga. Lượng xuất khẩu tới 3 thị trường này chiếm 55,4% tổng lượng chè xuất khẩu. Trong đó, lượng và trị giá xuất khẩu tới Pa-ki-xtan và thị trường Đài Loan tăng trưởng khá, xuất khẩu sang Nga lại giảm. Đáng chú ý chè xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc, I-rắc và Ấn Độ tăng rất mạnh trong nửa đầu năm 2021; Trong đó, lượng và trị giá xuất khẩu tới thị trường Ấn Độ tiếp tục tăng rất cao. 
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè của Việt Nam trong tháng 6/2021 đạt 11,1 nghìn tấn, trị giá 19,6 triệu USD, giảm 7,8% về lượng và giảm 2,4% về trị giá so với tháng 6/2020. Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 6/2021, đạt 1.761,1 USD/tấn, tăng 5,8% so với tháng 6/2020. Trong nửa đầu năm 2021, xuất khẩu chè đạt 58,1 nghìn tấn, trị giá 94,9 triệu USD, tăng 0,3% về lượng và tăng 4,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè xuất khẩu bình quân trong nửa đầu năm 2021 đạt 1.632,9 USD/tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020.  
Thị trường thế giới 
Kê-ni-a: Theo nguồn africanews.com, ngành chè của Kê-ni-a đóng góp khoảng 4% vào Tổng sản phẩm quốc nội. Tuy nhiên, người trồng chè tại Kê-ni-a đang chuyển dần sang trồng các loại cây khác do biến đổi khí hậu đe dọa việc trồng chè ở nước này. Kê-ni-a là nước có điều kiện tốt để trồng chè, nhưng hiện tại nhà xuất khẩu chè đen lớn nhất thế giới hiện đang phải chứng kiến những tác động của biến đổi khí hậu. Nhiệt độ tăng, lũ lụt và hạn hán là mối đe dọa đối với các đồn điền chè.
Xri Lan-ca: Theo nguồn Tân Hoa Xã, xuất khẩu chè của Xri Lan-ca trong nửa đầu năm 2021 đạt 136,9 nghìn tấn, trị giá 650 triệu USD, tăng 10% về lượng và tăng 14% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Xri Lan-ca xuất khẩu chè nhiều nhất tới thị trường Thổ Nhĩ Kỳ trong nửa đầu năm 2021, với lượng đạt 17 nghìn tấn;
Tiếp theo là I-rắc 16 nghìn tấn; Nga 13,3 nghìn tấn; Các TVQ Ả rập Thống nhất 10,2 nghìn tấn. Đáng chú ý, Xri Lan-ca xuất khẩu chè tới thị trường Trung Quốc đạt 7,4 nghìn tấn, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, xuất khẩu chè tới thị trường I-ran chỉ đạt 6,3 nghìn tấn, giảm 29,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Dung lượng thị trường nhập khẩu chè của Nga và thị phần của Việt Nam
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), nhập khẩu chè của Nga trong giai đoạn năm 2016 – 2020 có xu hướng giảm, tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn này giảm 1,9% về lượng và giảm 6,8% về trị giá.
Trong năm 2020, nhập khẩu chè của Nga đạt 151,5 nghìn tấn, trị giá 412,6 triệu USD, giảm 7,9% về lượng và giảm 24,8% về trị giá so với năm 2016. Giá trung bình chè nhập khẩu của Nga trong giai đoạn năm 2016 – 2020 giảm dần từ 3.335,1 USD/tấn trong năm 2016, xuống còn 2.723,2 USD/tấn trong năm 2020.
Trong 4 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu chè của Nga có dấu hiệu phục hồi, đạt 52,3 nghìn tấn, trị giá 152,2 triệu USD, tăng 4,8% về lượng và tăng 13,4% về trị giá. Giá nhập khẩu chè bình quân của Nga đạt 2.907,1 USD/tấn, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Nga tăng mạnh nhập khẩu chè từ nhiều thị trường chính trong 4 tháng đầu năm 2021, trong khi đó giảm mạnh nhập khẩu từ Việt Nam.
Nhập khẩu chè từ Việt Nam đạt 4 nghìn tấn, trị giá 6,7 triệu USD, giảm 18,9% về lượng và giảm 15,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè nhập khẩu từ Việt Nam ở mức 1.684,4 USD/tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 10,6%, giảm 3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.
Do chủng loại chè xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Nga là chè sơ chế ở dạng thô, có chất lượng không cao, giá thấp nên mặc dù khối lượng xuất khẩu khá lớn nhưng trị giá vẫn ở mức thấp. Do đó, để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này doanh nghiệp cần đầu tư mạnh vào dây truyền sản xuất, để đưa các sản phẩm chè sơ chế vào chế biến, xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp, để tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Theo nguồn worldstopexports.com, mặc dù nhu cầu nhập khẩu chè có xu hướng giảm mạnh do xu hướng tiêu dùng của người Nga có sự thay đổi, nhưng Nga vẫn là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 thế giới về trị giá nhập khẩu trong năm 2020, tỷ trọng nhập khẩu chè của Nga chiếm 6,2% tổng trị giá nhập khẩu chè trên toàn cầu.
Trong khi đó, trị giá và lượng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn thấp. do đó vẫn còn rất nhiều cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu chè đẩy mạnh xuất khẩu tới thị trường Nga trong thời gian tới. Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EAEU sẽ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam sang thị trường này, khi thuế suất về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực.
Về chủng loại: Nga nhập khẩu nhiều nhất là chủng loại chè đen, trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt 47,9 nghìn tấn, trị giá 137,5 triệu USD, tăng 4,2% về lượng và tăng 12,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Giá chè đen nhập khẩu bình quân đạt 2.871,9 USD/tấn, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Ấn Độ, Kê-ni-a, Xri Lan-ca là 3 thị trường cung cấp chính mặt hàng chè đen cho Nga. Tỷ trọng nhập khẩu chè từ 3 thị trường này chiếm 68,7% về lượng và chiếm 71,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp theo là chủng loại chè xanh đạt 4,5 nghìn tấn, trị giá 14,7 triệu USD, tăng 10,7% về lượng và tăng 19,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trung Quốc là thị trường cung cấp chính chủng loại chè xanh cho Nga, tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 84,4% tổng lượng chè xanh nhập khẩu của Nga. 

Nguồn:Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương

Link gốc