menu search
Đóng menu
Đóng

Giá dầu thế giới tăng nhẹ trong phiên chiều 25/8

15:38 25/08/2023

Giá dầu thế giới tăng vào thứ Sáu (25/8), khi đồng USD ổn định trước bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell, trong khi lo ngại về nguồn cung thắt chặt giảm bớt.
 
Dầu thô Brent tăng 39 cent, tương đương 0,5%, lên 83,75 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ tăng 39 cent, tương đương 0,5%, ở mức 79,44 USD/thùng.
Giá dầu thô đang hướng tới tuần giảm thứ hai liên tiếp, dự kiến sẽ giảm từ 1,2% -2,2%, tuần giảm thứ hai liên tiếp.
Yeap Jun Rong, nhà phân tích thị trường tại IG, cho biết: “Không còn nghi ngờ gì nữa, triển vọng chính sách của Fed sẽ là động lực chính cho thị trường trong thời gian tới”.
Nhà đầu tư thận trọng trước phát biểu của Powell tại Hội nghị chuyên đề kinh tế Jackson Hole, đã nâng đồng USD trú ẩn an toàn lên mức cao nhất trong 10 tuần, mức tăng lớn nhất trong một tháng, khi thị trường chờ đợi thông tin về việc lãi suất sẽ tăng trong bao lâu.
Đồng USD mạnh khiến dầu trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, làm giảm nhu cầu.
Các nhà phân tích từ Haitong Futures cho biết: “Sự hỗ trợ cho giá dầu từ việc cắt giảm sản lượng trước đó đã giảm đi. Thị trường đang mong đợi Saudi Arabia tiếp tục gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện”.
Các nhà phân tích ước tính rằng nhà xuất khẩu dầu hàng đầu có thể sẽ thực hiện việc cắt giảm dầu tự nguyện 1 triệu thùng mỗi ngày trong tháng thứ ba liên tiếp cho đến tháng 10, trong bối cảnh nguồn cung không chắc chắn và khi nước này đặt mục tiêu giảm thêm lượng tồn kho toàn cầu.
Nhu cầu dầu thế giới:
Trung Quốc: Nhu cầu xăng dầu trong tháng 6/2023, tăng 2,0 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước, sau mức tăng trưởng ấn tượng hơn 3,0 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2023.
Theo số liệu hải quan của Trung Quốc, lượng dầu xuất khẩu của Saudi Arabia sang Trung Quốc trong tháng 7/2023 giảm 31% so với tháng 6/2023, trong khi Nga vẫn là nước cung cấp dầu thô lớn nhất cho quốc gia châu Á này. Giới phân tích dự đoán lượng dầu thô nhập khẩu từ Saudi Arabia của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm xuống trong quý 3/2023.
Lượng dầu thô dự trữ của Trung Quốc đã tăng dần lên mức cao kỷ lục trong năm nay, vì các công ty lọc dầu giảm mua dầu sau khi giá dầu tăng lên trên 80 USD/thùng dưới tác động từ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+.
Tăng trưởng GDP của Trung Quốc được dự đoán sẽ duy trì ổn định ở mức 5,2% trong suốt năm 2023. Các chỉ số kinh tế gần đây cho thấy xu hướng tăng chậm lại trong sản xuất công nghiệp, theo đó những yếu tố này có khả năng làm giảm đà tăng nhu cầu dầu từ dự đoán trước đó sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Nhu cầu dầu trong quý III/2023 dự đoán sẽ tăng 710 nghìn thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước, giảm nhẹ so với mức tăng trưởng trong nửa đầu năm 2023.
Ấn Độ: Nhu cầu dầu của Ấn Độ tăng 184 nghìn thùng/ngày tháng 6/2023 so với năm trước đó. Trong hơn một năm qua, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đã phát triển mạnh, thúc đẩy nhu cầu xăng. Thu nhập của người tiêu dùng tăng, thúc đẩy hoạt động du lịch, tổng lưu lượng hành khách hàng không của Ấn Độ (trong nước và quốc tế) tăng.
Nhu cầu dầu diesel được hỗ trợ mạnh mẽ từ hoạt động sản xuất, sản lượng công nghiệp, tỷ lệ lạm phát giảm. Chỉ số PMI sản xuất ở Ấn Độ vẫn ở mức cao, đạt 57,8 điểm trong tháng 6/2023 so với 58,5 điểm trong tháng 5/2023.
Trong quý III/2023, nhu cầu dầu của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng 270 nghìn thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước đó.
OECD Châu Âu: Nhu cầu dầu trong khu vực vẫn giảm trong tháng 5/2023, giảm 90 nghìn thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước, là tháng thứ 9 giảm liên tiếp. Khu vực vẫn đang phải đối mặt với thách thức khó khăn, do đang diễn ra căng thẳng địa chính trị, cùng với lạm phát và hoạt động kinh tế chậm lại, tiếp tục tác động đến nhu cầu dầu mỏ trong khu vực.
Trong quý III/2023, tăng trưởng GDP trong khu vực dự báo khả quan hơn. Triển vọng về nhu cầu dầu mỏ của châu Âu trong quý III/2023 dự báo sẽ chỉ giảm nhẹ 30 nghìn thùng/ngày so với cùng quý năm trước. Nhìn chung, áp lực lạm phát làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế trong khu vực và căng thẳng địa chính trị tiếp tục là thách thức lớn. Ngành công nghiệp hóa dầu trong khu vực cũng vẫn yếu. Tuy nhiên duy trì tăng trưởng trong hoạt động lĩnh vực hàng không và chuyển đổi từ khí đốt sang dầu đang diễn ra sẽ hỗ trợ nhu cầu dầu trong thời gian tới.
Dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA): Trong báo cáo IEA đã nâng triển vọng nhu cầu dầu thế giới lên mức 102,3 triệu thùng/ngày trong năm 2023, đồng thời cho biết, nhu cầu này sẽ được hỗ trợ bởi các nền kinh tế đang phát triển nhanh hơn ở các nước đang phát triển.
Các nước ngoài OPEC+ dẫn đầu tăng trưởng nguồn cung dầu, tăng 1,9 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và tăng 1,2 triệu thùng/ngày trong năm 2024. Công suất lọc dầu toàn cầu dự báo tăng 1,8 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và 1 triệu thùng/ngày trong năm 2024.
Dự báo của OPEC: Nhu cầu dầu thế giới trong năm 2023 sẽ tăng thêm 2,4 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 102 triệu thùng/ngày, không đổi so với dự báo tháng trước.
Tại khu vực OECD, nhu cầu dầu mỏ dự báo trong năm 2023 sẽ tăng 74 nghìn thùng/ngày đạt 46,0 triệu thùng/ngày. Nhu cầu của châu Mỹ dự đoán sẽ có mức tăng lớn nhất trong khu vực, dẫn đầu là Mỹ do phục hồi nhu cầu về nhiên liệu máy bay và nhu cầu xăng dầu.
Ở khu vực không thuộc OECD, tổng nhu cầu dầu dự đoán sẽ tăng 2,4 triệu thùng/ngày đạt 56 triệu thùng/ngày, vượt qua mức nhu cầu trước đại dịch năm 2019 gần 3,4 triệu thùng/ngày. Nhu cầu nhiên liệu công nghiệp và vận tải tăng trưởng ổn định, được hỗ trợ bởi sự phục hồi trong hoạt động của Trung Quốc và các khu vực ngoài OECD khác.
Năm 2024, tăng trưởng kinh tế toàn cầu vững, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tiếp tục được cải thiện dự kiến sẽ thúc đẩy tiêu thụ dầu. Nhu cầu dầu thế giới 2024 dự đoán sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày so với năm 2023, đạt 104,3 triệu thùng/ngày.
Giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng tại Mỹ giảm
Giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng tại Mỹ giảm khoảng 1% xuống mức thấp nhất trong ba tuần vào thứ Sáu (25/8) do dự báo nhu cầu sẽ giảm.
Giá khí đốt kỳ hạn giao tháng 9 trên Sàn giao dịch hàng hóa New York giảm 3,2 cent, tương đương 1,3%, xuống 2,487 USD/mmBTUm, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 2 tháng 8.
Trong tuần, hợp đồng này đã giảm khoảng 3% sau khi giảm khoảng 8% vào tuần trước.
Trong khi đó, Trung tâm Bão Quốc gia Hoa Kỳ (NHC) dự báo một cơn bão nhiệt đới có thể hình thành ở Biển Caribe hoặc Vịnh Mexico trong tuần tới.
Nhà cung cấp dữ liệu Refinitiv cho biết sản lượng khí đốt trung bình tại 48 bang của Mỹ giảm xuống 101,6 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) từ đầu tháng 8 đến nay, giảm từ 101,8 bcfd trong tháng 7.
Mặc dù thời tiết mát mẻ theo mùa, các nhà khí tượng học dự báo thời tiết ở 48 tiêu bang của Mỹ hầu như vẫn nóng hơn bình thường cho đến ít nhất là ngày 9 tháng 9.
Refinitiv dự báo nhu cầu khí đốt của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ tăng từ 103,9 bcfd trong tuần này lên 104,3 bcfd vào tuần tới trước khi giảm xuống 102,6 bcfd do thời tiết chuyển sang mát mẻ hơn theo mùa.
Trong khi đó, dòng khí tới 7 nhà máy xuất khẩu LNG lớn của Mỹ giảm từ mức trung bình 12,7 bcfd trong tháng 7 xuống 12,2 bcfd từ đầu tháng 8 đến nay chủ yếu do giảm tại LNG.A Sabine Pass của Cheniere Energy ở Louisiana và Corpus Christi ở Texas. Con số này so sánh với kỷ lục hàng tháng là 14 bcfd trong tháng 4.
 

Nguồn:VITIC/Reuter