Các lô hàng ngũ cốc tại các cảng Rosario của Argentina, trung tâm nông nghiệp của quốc gia Nam Mỹ, đã bị tạm dừng do cuộc đình công kéo dài 24 giờ của hiệp hội ngũ cốc Urgara vào đầu tuần này, Văn phòng cảng và Hoạt động Hàng hải (CAPyM) cho biết. Mặc dù giai đoạn này thường là thời điểm xuất khẩu cao điểm của Argentina nhưng rủi ro các cuộc đình công có thể sẽ tiếp diễn cho tới cuối tháng 4 gây ra gián đoạn xuất khẩu cùng với việc hạn chế bán hàng của nông dân là những yếu tố càng tác động “bullish” mạnh hơn tới giá đậu tương.
Tại Brazil, xuất khẩu đậu tương hàng ngày của Brazil trong hai tuần đầu tháng 04 đạt 838,860 tấn, thấp hơn mức 947,200 được ghi nhận vào tuần trước, dữ liệu chính thức từ Ban Thư ký Ngoại thương Brazil (Secex) cho thấy. Trong 2 tuần đầu tháng 04, Brazil đã xuất khẩu tổng cộng 7.55 triệu tấn đậu tương, ở thời điểm mà hoạt động thu hoạch đang dần kết thúc, Secex cho biết thêm. Nếu tốc độ này được duy trì, Brazil sẽxuất khẩu mức kỷ lục 16 triệu tấn đậu tương trong tháng 04. Con số này một phần được thúc đẩy từ nguồn cung thắt chặt của Argentina và Uruguay. Trong khi đó, tại Mỹ, hoạt động gieo trồng đậu tương vừa được bắt đầu và tiến độ đã đạt 4% diện tích dự kiến, vượt mức kì vọng. Triển vọng nguồn cung trong dài hạn từ Mỹ sẽ xoa dịu và hạn chế đà tăng mạnh của giá đậu tương.
Động lực tăng của Arabica vẫn còn khi dữ liệu tồn kho cà phê tại Mỹ tiếp tục giảm
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần 17/04, giá cà phê tăng mạnh trước lo ngại về nguồn cung. Arabica chạm mức cao nhất kể từ ngày 13/10/2022 khi nguồn cung trong ngắn hạn vẫn duy trì ở mức thấp với tồn kho Arabica đạt chuẩn liên tục suy yếu về mức thấp nhất trong 4 tháng. Robusta tăng hơn 1% khi thị trường tiếp tục bị chi phối bởi tình trạng hạn chế bán hàng cà phê tại Châu Á.
Tình trạng nguồn cung Arabica trong ngắn hạn ở mức thấp đang là yếu tố được quan tâm hàng đầu và đóng vai trò dẫn dắt thị trường.
Lượng cà phê lưu trữ tại các cảng của Mỹ tính đến hết tháng 3/2023, đạt 6.01 triệu bao loại 60kg, giảm 88,690 bao so với tháng trước, theo Hiệp hội Cà phê Xanh Mỹ (GCA). Mức tồn kho hiện tại đang thấp nhất trong vòng 10 tháng, kể từ tháng 05/2022 với 6,004 triệu bao. Đây cũng là tháng giảm tồn kho thứ 4 liên tiếp, tính từ tháng 12/2022.
Thông tin này tái khẳng định trạng khan hiếm nguồn cung trên thị trường khi nguyên nhân tồn kho suy yếu đến từ việc hạn chế xuất khẩu của các nước cung ứng chính như Brazil hay Colombia.
Cùng với đó, xuất khẩu cà phê hàng ngày trong 2 tuần đầu tháng 4 của Brazil là 8,040.3 tấn, thấp hơn mức 8,723.4 tấn trung bình hàng ngày trong tháng 4/0222. Điều này thể hiện tình trạng xuất khẩu hiện tại vẫn khá ảm đạm tại Brazil, khiến những lo ngại về nguồn cung chưa thể với bớt, từ đó sẽ hỗ trợ giá cà phê trong phiên hôm nay.
Giá đồng có thể tăng trong phiên hôm nay khi tin tức cung – cầu đều hỗ trợ cho giá
Mở cửa phiên giao dịch ngày 18/04, thị trường đồng nhận được lực mua tích cực nhờ bức tranh kinh tế khởi sắc của Trung Quốc, quốc gia chiếm tỷ trọng hơn 50% trong cơ cấu tiêu thụ đồng toàn cầu. Kết hợp với lo ngại nguồn cung đồng thắt chặt, dự báo giá đồng có thể tăng trong phiên hôm nay.
Cụ thể, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong quý I năm nay đạt 4.5%, mức tăng mạnh nhất trong vòng một năm, và đánh bại ước tính của giới phân tích, theo dữ liệu chính thức từ Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS). Điều này cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang dần hồi phục kể từ sau khi nước này chấm dứt các biện pháp kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt vào tháng 12 năm ngoái và khiến cho triển vọng tiêu thụ đồng trở nên sáng sủa hơn, thúc đẩy cho giá tăng.
Tuy vậy, đà tăng của giá đồng có thể chững lại khi các nhà đầu tư đánh giá lại triển vọng tiêu thụ tại nước này, khi các dữ liệu kinh tế tháng 3 lại đang cho thấu dấu hiệu phục hồi kinh tế không đồng dều tại Trung Quốc. Tăng trưởng đầu tư có thể chậm lại và hoạt động công nghiệp vẫn tương đối trầm lắng. Sản lượng công nghiệp tăng 3.9% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái, yếu hơn mức tăng 4.0% mà các nhà kinh tế dự báo. Đầu tư tài sản cố định cũng không tăng trưởng như kỳ vọng, chỉ tăng 5.1% trong quý I so với cùng kỳ năm ngoái.
Hơn nữa, kỳ vọng của nhà đầu tư về việc nhu cầu tiêu thụ đồng gia tăng nhờ triển vọng nền kinh tế Trung Quốc phục hồi đã được phản ánh vào giá từ trước đó, cho nên tin tức này không còn hỗ trợ nhiều cho giá đồng trong phiên hôm nay.
Bên cạnh đó, lo ngại nguồn cung đồng thắt chặt cũng là yếu tố hỗ trợ cho giá. Mặc dù hoạt động khai thác đồng tại Peru, quốc gia khai thác đồng lớn thứ hai thế giới, đang dần phục hồi và thúc đẩy sản xuất đồng tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái trong 2 tháng đầu năm. Tuy nhiên, xuất khẩu đồng trong 2 tháng đầu năm của Peru lại sụt giảm tới 20%, do gặp khó khăn trong việc vận chuyển đồng tới cảng xuất khẩu. Hơn nữa, tồn kho đồng trên Sở LME tiếp tục giảm xuống mức thấp trong lịch sử khi chỉ còn vỏn vẹn 51,775 tấn. Do vậy, việc hoạt động xuất khẩu đồng bị gián đoạn tại Peru sẽ làm gia tăng lo ngại nguồn cung toàn cầu thắt chặt và là yếu tố thúc đẩy lực mua đồng.
Giá dầu có thể phục hồi trong phiên hôm nay bởi dữ liệu kinh tế tích cực của Trung Quốc
Dầu thô mở cửa phiên giao dịch sáng nay với diễn biến tương đối giằng co khi các dữ liệu kinh tế mới của Trung Quốc vẫn có nhiều điểm trái chiều. Tuy nhiên, so với các tháng trước, các con số ghi nhận tích cực hơn, nhiều khả năng sẽ thúc đẩy lực mua trong phiên chiều tối.
Tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý I năm nay tăng 4.5% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh bại dự báo với mức tăng 4%. So với quý trước, GDP cũng đã tăng 2.5%. Mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay là 5%. Với tốc độ tăng trưởng tích cực trong quý I, Trung Quốc hoàn toàn có thể hoàn thành và thâm chí là vượt mục tiêu. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng nhiên liệu phục vụ cho phát triển kinh tế và là yếu tố “bullish” đối với giá dầu.
Tuy nhiên, dữ liệu sản lượng công nghiệp và đầu tư tài sản cố định vẫn tăng trưởng thấp hơn dự kiến, để lại một số hoài nghi về đà tăng liệu có bền vững hay không.
Sản lượng lọc dầu của Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục trong tháng 3, đạt khoảng 14.9 triệu thùng/ngày, tăng 8.8% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc.
Nhập khẩu dầu thô rẻ hơn từ Nga, nước bán dầu cho Trung Quốc với mức chiết khấu cao do khan hiếm những người mua khác, đã nâng cao lợi nhuận lọc dầu và khuyến khích sản xuất nhiều hơn. Ngoài ra, hoạt động lọc dầu cũng được đẩy mạnh do nhu cầu tích trữ trước khi nhiều nhà máy đóng cửa bảo trì. Nhưng trong giai đoạn tới, từ khoảng tháng Năm, nhiều nhà máy bảo trì có thể khiến lượng tiêu thụ dầu thô suy yếu nhẹ, đà tăng sẽ chững lại.
Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)