Cụ thể, theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng 8/2015 ước đạt 300 triệu USD, đưa giá trị nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2015 đạt 2,25 tỷ USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2014.
Thị trường nhập khẩu chính của nhóm mặt hàng này là Achentina (chiếm 39,3% thị phần), tiếp đến là Hoa Kỳ (15,7%); Brazil (8,0%) và Trung Quốc (6,2%). Thị trường có giá trị tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái là Áo (hơn 68 lần).
Về nguyên liệu, ước khối lượng đậu tương nhập khẩu trong tháng 8/2015 đạt 149 nghìn tấn với giá trị 66 triệu USD, đưa khối lượng nhập khẩu mặt hàng này trong 8 tháng đầu năm 2015 đạt 1,13 triệu tấn. Giá trị nhập khẩu đạt 518 triệu USD, tăng 2,2% về khối lượng và giảm 19,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Ước tính khối lượng ngô nhập khẩu trong tháng 8/2015 đạt 537 nghìn tấn với giá trị đạt 115 triệu USD, đưa khối lượng nhập khẩu mặt hàng này trong 8 tháng đầu năm 2015 đạt 4,14 triệu tấn.
Giá trị nhập khẩu đạt 939 triệu USD, tăng 43% về khối lượng và tăng 24,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Braxin và Achentina là hai thị trường nhập khẩu chính của mặt hàng này, chiếm lần lượt là 50,1% và 43,9% tổng giá trị nhập khẩu của mặt hàng này. Thị trường có giá trị tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái là Achentina, hơn khoảng 20 lần.
Như vậy, qua số liệu có thể thấy mặc dù là một nước nông nghiệp nhưng Việt Nam đang phụ thuộc rất nhiều vào thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu.
Ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn còn chưa bền vững; giá trị gia tăng thấp; công tác quản lý còn nhiều bất cập; việc áp dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi còn chậm, lực lượng cán bộ làm công tác chăn nuôi còn thiếu và yếu. Đặc biệt, tiềm ẩn những yếu tố về phát sinh dịch bệnh và môi trường.
Tại cuộc hội nghị mới đây về tái cơ cấu ngành chăn nuôi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, để thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi trong nước, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp khi Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do, ngành chăn nuôi phải đổi mới đồng bộ. Trong đó, cần thiết tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát về chất lượng thức ăn chăn nuôi, quản lý chất cấm và kháng sinh dùng trong chăn nuôi.
Kiều Linh