menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường hàng hóa trong nước ngày 25/1/2023

17:19 25/01/2023

Giá vàng hôm nay 25/1, giá vàng trong nước ổn định trong kỳ nghỉ lễ Tết âm lịch 2023, với giá vàng JSC hiện đang ở mức 67,80 triệu đồng/lượng (bán ra).
 
Giá vàng hôm nay 25/1 ổn định
Tại thời điểm khảo sát lúc 5h00 ngày 25/1, trên sàn giao dịch của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC, vàng SJC đang là 66,80 triệu đồng/lượng mua vào và 67,80 triệu đồng/lượng bán ra.
Còn tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý, thời điểm khảo sát niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,80 – 67,80 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá vàng 9999 được DOJI được niêm yết ở mức 66,70 triệu đồng/lượng mua vào và 67,70 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng Vietinbank Gold đang niêm yết ở mức 66,90 triệu đồng/lượng mua vào và 67,92 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cũng được doanh nghiệp giao dịch ở mức 66,82 - 67,80 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng 24K Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá 2 chiều 54,64 - 55,59 triệu đồng/lượng.
Nhu cầu mua sắm của người dân mùng 5 Tết sẽ tăng hơn
Đại diện Bộ Tài chính tối 25/1 cho biết: Nhu cầu mua sắm của người dân ngày 5 Tết, tức ngày 26/1 sẽ tăng hơn so với mùng 4 Tết do nhu cầu đi lại của người dân trở về các thành phố lớn, chuẩn bị cho ngày đi làm từ mùng 6 Tết.
Vào ngày mai, tức ngày 26/1, tất cả hệ thống siêu thị, chợ dân sinh đều hoạt động sôi động trở lại như ngày thường nên nguồn cung hàng hóa sẽ dồi dào, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân sau khi trở lại nhịp sống như những ngày thường.
“Dự báo giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu vào ngày mùng 5 Tết không có sự biến động lớn về giá do nguồn cung hàng hóa sẽ nhiều hơn so với trước và nhu cầu không có đột biến. Một số mặt hàng rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống dự báo tiếp tục giữ mức giá do nhu cầu tăng hơn so với ngày 4 Tết”, báo cáo của Bộ Tài chính cho hay. Tuy nhiên, riêng giá dịch vụ trông giữ xe, ăn uống, đồ lễ thắp hương vẫn tiếp tục ở mức cao do số lượng người dân đi du xuân đầu năm vẫn tăng.
Theo Bộ Tài chính, trong những ngày tới, các địa phương cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả; chủ động các giải pháp bình ổn thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu phù hợp nhất là đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống như: Thịt lợn, thịt gia cầm, thủy hải sản; tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc niêm yết giá các dịch vụ trông giữ xe, giải trí, đi lại trong các ngày cuối của kỳ nghỉ lễ và trong các ngày tiếp theo trong cao điểm du xuân và đi lễ của người dân;
Trong ngày 25/1, nhu cầu mua sắm sáng mùng 4 Tết của người dân tập trung vào buổi sáng, chủ yếu mua bán các mặt hàng rau, củ, quả và một số thực phẩm tươi sống. Tuy nhiên tổng thể nhu cầu mua bán không cao như ngày thường.
Bên cạnh đó, tại các chợ dân sinh, nhiều sạp hàng bán rau xanh và một số loại thực phẩm thiết yếu như: Thịt cá, hoa quả, trứng, đậu phụ… đã được nhiều tiểu thương mở hàng, bán trở lại từ mùng 2 Tết và đến ngày 4 Tết cơ bản đều đã hoạt động bình thường. Giá cả một số loại rau củ tại các chợ mặc dù vẫn cao hơn ngày thường nhưng giảm so với ngày 3 Tết do nguồn cung dồi dào hơn và nhu cầu không có biến động; không có trường hợp tăng giá bất thường do găm hàng, thiếu nguồn cung.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, lượng hàng nhập tại chợ đầu mối tăng khoảng 31 - 52% so ngày thường; giá các mặt hàng đa số đã trở về mức giá ngày thường, cụ thể: Tại Hà Nội, nguồn cung hàng hóa phục vụ mùng 4 Tết vẫn đảm bảo dồi dào, không có tình trạng khan hàng sốt giá. Một số siêu thị lớn đã mở cửa như BigC, Co.opMart, Aeon Mall, Hapro…
Qua khảo sát của Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính, hoạt động mua bán tại các chợ dân sinh như: Chợ dân sinh Lĩnh Nam Hoàng Mai, chợ Nam Đồng, Chợ Thổ Quan Khâm Thiên quận Đống Đa, chợ Thái Thịnh I, chợ Cát Linh Giảng Võ, Chợ Kim Quan Việt Hưng Quận Long Biên… đã diễn ra sôi động hơn so với mùng 3 Tết do nhiều gia đình đã trở về Hà Nội chuẩn bị cho những ngày làm việc đầu năm; các mặt hàng rau, củ, quả, một số loại thực phẩm tươi sống, hoa tươi và các mặt hàng phục vụ cúng lễ vẫn là những mặt hàng có sức tiêu thụ lớn.
Nhìn chung, giá các mặt hàng ngày 25/1 đã giảm nhẹ so với trước đó và dự báo sẽ sớm trở lại với mặt bằng của ngày thường trong các ngày tiếp theo do hệ thống các siêu thị đã trở lại bình thường. So với ngày thường, giá các mặt hàng rau, củ, quả vẫn cao hơn từ 20 - 40%, các mặt hàng thực phẩm, thủy hải tươi sống cao hơn từ 10 - 20% so với ngày thường.
Giá thép hôm nay 25/1: Thép trong nước kỳ vọng phục hồi đầu năm 2023
Giá thép hôm nay 25/1 ghi nhận giá trong nước ổn định từ ngày 7/1. Nhiều doanh nghiệp thép trong nước kỳ vọng phục hồi vào năm 2023.
Thị trường thép có cơ hội phục hồi trong năm 2023
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng dự báo, giá nguyên vật liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất thép như quặng sắt đã lấy lại đà phục hồi đáng kể sau khi chạm đáy vào cuối tháng 10/2022. Ðến nay, giá quặng sắt đã tăng 36%, chủ yếu do kỳ vọng của các nhà đầu tư đối với bức tranh nhu cầu đang tăng trở lại trên thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới là Trung Quốc.
Hiệp hội thép Thế giới cũng nhận định, nhu cầu thép thế giới sẽ hồi phục nhẹ trong năm 2023, ở mức +1% (đạt 1,8 tỷ tấn), sau khi suy giảm 2,3% trong năm 2022 (đạt 1,79 tỷ tấn) và đà phục hồi giá thép trở nên rõ rệt hơn kể từ đầu tháng 12/2022 đến nay.
Đối với thị trường thép trong nước, trong vòng vài tuần qua, nhiều thương hiệu thép đã điều chỉnh giá bán vài lần với biên độ dao động tăng khoảng 200 nghìn đến 600 nghìn đồng/tấn. Cụ thể, thép Hòa Phát đã tăng giá mạnh sản phẩm thép cuộn CB240 lên mức 14,94 triệu đồng/tấn và thép thanh vằn D10 CB300 lên mức 15,02 triệu đồng/tấn kể từ tháng 12/2022 sau khi liên tục giữ giá. Thép Việt Ý với dòng thép cuộn CB240 có giá 14,9 triệu đồng/tấn; còn thép D10 CB300 giá 15 triệu đồng/tấn.
Sau khi điều chỉnh, giá bán bình quân thép xây dựng của Việt Nam tính từ đầu tháng 12 cho tới nay tăng từ 0,4-1% so với tháng 11/2022, vẫn thấp hơn nhiều so mức tăng của các nước trên thị trường thế giới (từ 2,9 đến 4,7%) tùy theo khu vực. Chính vì thế, các chuyên gia ngành thép nhận định, dư địa tăng giá bán và nâng cao năng lực cạnh tranh của thép Việt Nam còn nhiều.
Đây có thể sẽ là cơ hội tốt cho hoạt động thương mại quốc tế của ngành thép trong nước trong việc tìm kiếm thêm các đối tác tiềm năng, mở lối đi rộng hơn cho hoạt động xuất khẩu. Từ đó có thể giúp Việt Nam có cơ hội nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới mở rộng thị phần quốc tế, cải thiện biên lợi nhuận của các nhà sản xuất.
Bên cạnh đó, khi nhu cầu giải ngân vốn đầu tư công (dự kiến có khoảng 793 nghìn tỷ đồng) trong năm 2023 tăng lên cũng là động lực mạnh mẽ thúc đẩy xây dựng các dự án hạ tầng, công trình trọng điểm, giúp ngành thép tạo thêm đà tăng trưởng. Chính phủ và các địa phương cần nhanh chóng rà soát, hoàn thiện khung pháp luật liên quan tới lĩnh vực bất động sản, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thép trong nước giữ vững thị phần và có động lực để phát triển trong thời gian tới.
Giá thép tại miền Bắc
Theo SteelOnline.vn, thương hiệu thép Hòa Phát, với thép cuộn CB240 tăng mạnh giá bán 200 đồng, lên mức 14.940 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.020 đồng/kg.
Thép Việt Ý cũng tăng 200 đồng với dòng thép cuộn CB240 lên mức 14.900 đồng/kg; còn thép D10 CB300 vẫn bình ổn, có giá 15.000 đồng/kg.
Thép Việt Sing, với thép cuộn CB240 cũng tăng 200 đồng, lên mức 14.820 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.920 đồng/kg.
Thép VAS, dòng điện cuộn CB240 ở mức 14.870 đồng/kg - tăng 200 đồng; dòng thép thanh sơn D10 CB300 có giá 14.870 đồng/kg.
Tương tự, thép Việt Nhật, với dòng thép cuộn CB240 thay đổi từ mức 14.670 đồng/kg lên 14.870 đồng/kg; thép thanh sơn D10 CB300 ở mức 14.870 đồng/kg.
Thương hiệu thép Việt Đức, với thép cuộn CB240 tăng 210 đồng, lên mức 14.700 đồng/kg; với thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.900 đồng/kg.
Giá thép tại miền Trung
Thép Hòa Phát, với dòng thép cuộn CB240 ở mức 14.860 đồng/kg - tăng 200 đồng; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.010 đồng/kg.
Thép Pomina tiếp tục ổn định từ ngày 24/12 đến nay, hiện dòng thép cuộn CB240 ở mức 16.120 đồng/kg; dòng thép thanh sơn D10 CB300 có giá 16.320 đồng/kg.
Thép Việt Đức, dòng thép cuộn CB240 tăng 200 đồng, ở mức 15.050 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.250 đồng/kg.
Thép VAS, với thép cuộn CB240 tăng 200 đồng, chạm mức 14.870 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.870 đồng/kg.
Giá thép tại miền Nam
Thép Hòa Phát, dây chuyền thép cuộn CB240 cũng tăng 200 đồng, hiện ở mức 14.910 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.760 đồng/kg.
Thép Pomina, với dòng thép cuộn CB240 ở mức 16.060 đồng/kg; thép thanh sơn D10 CB300 ở mức 16.060 đồng/kg.
Thép VAS, dòng thép cuộn CB240 tăng giá lần thứ 3 trong vòng 30 ngày qua ngưỡng 14.870 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.870 đồng/kg.
Thép Tung Ho, với thép cuộn CB240 tăng giá 15.070 đồng/kg - tăng 200 đồng; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.870 đồng/kg.

Nguồn:VITIC/TTXVN//congthuong.vn/