menu search
Đóng menu
Đóng

Thời tiết vẫn là mối lo ngại hàng đầu đối với thị trường đậu tương

16:25 13/07/2023

Mở cửa phiên giao dịch ngày 13/07, giá đậu tương hồi phục mạnh trở lại sau phiên lao dốc do ảnh hưởng từ những số liệu trong báo cáo Cung – cầu tháng 7. So với các mặt hàng khác trong nhóm như ngô hay lúa mì, giá đậu tương vẫn đang giữ ở mức cao trong vài năm qua. Báo cáo hôm qua vẫn chưa mang lại những thông tin rõ ràng hơn về triển vọng nguồn cung đậu tương Mỹ. Thay vào đó, xu hướng giá trong giai đoạn sắp tới vẫn sẽ phụ thuộc rất lớn vào tình hình thời tiết ở những khu vực sản xuất chính tại Midwest.
 
Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) đã điều chỉnh số liệu tồn kho đậu tương Mỹ niên vụ 23/24 lên mức 300 triệu giạ, vượt lên khoảng dự đoán của thị trường. Mức thay đổi này đến từ tồn kho vụ cũ cao hơn, nhu cầu xuất khẩu và ép dầu suy yếu bù đắp cho mức sụt giảm nguồn cung vụ mới được thu hoạch. Trong đó, diện tích đậu tương thu hẹp đã được phản ánh vào báo cáo Diện tích tháng 6, trong khi năng suất cây trồng vẫn được duy trì ở mức 52 giạ/mẫu nên tác động “bullish” từ việc sản lượng sụt giảm gần như không đáng kể. Tuy nhiên, nếu như so sánh với ngô, khi năng suất dự báo của mặt hàng này lại bị hạ điều chỉnh thì báo cáo WASDE tháng 7 lại đặt ra câu hỏi về việc giữ nguyên dự báo cho năng suất đậu tương. Chính vì thế nên việc theo dõi tình hình thời tiết càng trở nên quan trọng hơn đối với việc nhận định xu hướng thay đổi năng suất và giá đậu tương Mỹ.
Tỉ lệ tồn kho so với tiêu thụ (Stock to use) của đậu tương Mỹ hiện tại đang ở mức 7%, mức cao nhất tỏng 4 năm qua. Đây không phải là con số cao trong lịch sử những vẫn đạt mức cao nhất trong 4 năm qua. Điều này thể hiện dấu hiệu thị trường đang dần bước ra khỏi giai đoạn nguồn cung thắt chặt trong suốt giai đoạn 3 năm qua và giá có thể sẽ quay trở lại mức bình ổn và hạ nhiệt hơn nhiều so với vùng giá hiện tại trong dài hạn nếu như thời tiết ủng hộ.

Giá Robusta vẫn có thể giảm khi xuất khẩu được đẩy mạnh
Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/07, giá hai mặt hàng cà phê đều có sự suy yếu. Giá Robusta ghi nhận mức giảm hơn 1% khi xuất khẩu tại Brazil tăng trưởng nhanh chóng trong giai đoạn thu hoạch tập trung. Trong 11 ngày đầu tháng 07, Brazil đã xuất khẩu được 34.485 bao cà phê Robusta loại 60kg, tăng gấp đôi mức 15.792 tấn được vận chuyển trong cùng kỳ tháng trước. Trong khi đó, đà giảm của Arabica có phần bị hạn chế do nhu cầu bán hàng ở mức thấp của nông dân Brazil khi chênh lệnh tỷ giá giữa đồng USD và đồng Real giảm mạnh.
Hoạt động thu hoạch cà phê vẫn đang diễn ra tích cực tại các vùng trồng cà phê chính của Brazil, giúp đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong thời gian tới.
Cooxupe, hợp tác xã sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất Brazil cho biết, tính đến ngày 07/07, vụ thu hoạch cà phê năm 2023 tại các khu vực mà họ hoạt động đã đạt 42,7% diện tích. Như vậy, tiến độ thu hoạch cà phê hiện tại đã tăng 8,7 điểm phần trăm so với tuần trước và cao hơn 9,4 điểm phần trăm so với mức 33,3% vào cùng thời điểm năm ngoái. Đây cũng là tốc độ thu hoạch cà phê nhanh nhất kể từ năm 2020.
Tuy vậy, lo ngại nguồn cung ở mức thấp vẫn chưa hoàn toàn tan biến, đặc biệt sau dữ liệu xuất khẩu cà phê trong tháng 06 của Brazil.
Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE) công bố dữ liệu xuất khẩu cà phê tháng 6 cho thấy, xuất khẩu cà phê Arabica dạng hạt ở mức 2,06 triệu bao, giảm 23,3% so với tháng 6 năm 2022. Như vậy, tổng lượng cà phê nhân vận chuyển đi nước ngoài trong niên vụ 2022/23 ở mức 31,8 triệu bao, giảm 10% so với niên vụ 2021/22.

Giá đồng có thể giằng co do thông tin cơ bản trái chiều
Giá đồng tăng nhẹ trong phiên sáng do lực mua được hỗ trợ bởi lo ngại nguồn cung thu hẹp.
Chính phủ Peru, quốc gia khai thác đồng lớn thứ hai thế giới, đã ban hành tình trạng khẩn cấp thêm 30 ngày trước khi đợt biểu tình mới bắt đầu diễn ra vào tuần tới.
Tình trạng khẩn cấp sẽ được áp dụng đối với các khu vực phía nam của Apurimac, Cusco và Arequipa, nơi có tuyến đường vận chuyển đồng quan trọng từ các mỏ trọng điểm của Peru, trong đó có mỏ Las Bambas, một trong những mỏ đồng lớn nhất thế giới.
Trước đó, vào ngày 6/7, Chính phủ Peru đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 60 ngày đối với một số thị trấn phía Nam, khi núi lửa hoạt động mạnh nhất của đất nước phun ra tro và khí. Khu vực sản xuất đồng ở phía Nam của Peru là nơi có một số mỏ quan trọng nhất của đất nước cũng như hàng chục ngọn núi lửa đang hoạt động.
Do đó, hoạt động khai thác đồng tại Peru có thể bị gián đoạn trong vòng 2 tháng tới. Điều này có thể làm gia tăng lo ngại nguồn cung thu hẹp đặc biệt là trong bối cảnh tồn kho đồng toàn cầu đang ở mức thấp như hiện nay và là yếu tố hỗ trợ lực mua đồng.
Tuy vậy, tiêu thụ đồng kém sắc tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới, vẫn đang là lực cản đối với đà tăng của giá. Trong tháng 6, Trung Quốc đã nhập khẩu 449.649 tấn đồng chưa gia công và bán thành phẩm, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Tổng Cục Hải quan Trung Quốc.
Với thông tin cơ bản đang trái chiều, dự báo giá đồng sẽ tiếp tục giằng co. Cho tới phiên tối, loạt dữ liệu kinh tế mới của Mỹ bao gồm chỉ số giá sản xuất (PPI) và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, sẽ là yếu tố dẫn dắt thị trường.
Nếu PPI trong tháng 6 giảm tốc và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng vượt dự báo, điều này sẽ cung cấp thêm bằng chứng cho thấy lạm phát tại Mỹ dần hạ nhiệt. Đồng USD sẽ tiếp tục suy yếu và hỗ trợ lực mua đồng trong phiên.

Giá dầu có thể tiếp tục tăng do tác động từ báo cáo của IEA và OPEC
Lạm phát Mỹ hạ nhiệt, đồng USD giảm giá đã tiếp tục hỗ trợ cho giá dầu tăng nhẹ mở cửa phiên giao dịch sáng nay, mặc dù dữ liệu xuất nhập khẩu tiêu cực của Trung Quốc đang là yếu tố cản trở đà tăng mạnh.
Hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc tiếp tục đạt mức tăng trưởng âm, cho thấy nhu cầu yếu trên cả thị trường nội địa và trên toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tăng trưởng xuất khẩu giảm mạnh 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đều tiêu cực hơn dự báo của thị trường.
Nhập khẩu dầu thô trong tháng 6 đạt tổng cộng 52,06 triệu tấn, tương đương 12,67 triệu thùng/ngày, tăng 4,58% so với tháng trước. Tuy nhiên, nhìn rộng hơn, hàng tồn kho tiếp tục tăng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô không chắc chắn. Công ty tư vấn hàng hóa Vortexa ước tính tồn kho dầu thô trên bờ là 980 triệu thùng vào cuối tháng 6, chỉ thấp hơn 20 triệu thùng so với mức kỷ lục mọi thời đại vào tháng 8 năm 2020.
Điều đó cho thấy nhu cầu của Trung Quốc vẫn yếu, trong khi nguồn cung khá dồi dào trong trường hợp giá dầu cao có thể khiến Trung Quốc giảm nhập khẩu và sử dụng dầu từ kho dự trữ.
Tuy nhiên, hôm nay thị trường dầu sẽ chờ đợi 2 báo cáo tháng quan trọng, của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Với IEA, báo cáo tháng 6 đã dự đoán thị trường dầu thâm hụt khoảng 1 triệu thùng/ngày trong năm 2023. Với tác động cắt giảm thêm sản lượng từ Saudi Arabia, và hạn chế xuất khẩu từ Nga, con số này có thể sẽ được nới rộng và tác động “bullish” tới giá.
Còn đối với báo cáo của OPEC, Saudi Arabia đã cắt giảm đầy đủ 500.000 thùng dầu/ngày như cam kết hồi tháng 4 trong tháng 5 qua, nên sản lượng tháng 6 của nhóm nhiều khả năng sẽ không có nhiều sự thay đổi, thâm chí gia tăng khi nhiều quốc gia khác trong nhóm sản xuất dưới mức hạn ngạch có thể gia tăng sản lượng.
Tuy nhiên, OPEC có thế sẽ có góc nhìn “bullish” với cán cân cung cầu trong nửa cuối năm nay.
Ngoài ra, tối nay, thị trường Mỹ sẽ công bố dữ liệu lạm phát sản xuất thông qua chỉ số giá sản xuất PPI. Con số này có thể tiếp tục hạ nhiệt mạnh mẽ như CPI trong ngày hôm qua, kéo USD giảm và hỗ trợ giá dầu.

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Tags: Tin mxv
Link gốc