Giá trị giao dịch trung bình toàn Sở trong tuần vừa rồi đạt mức 4.400 tỉ đồng, giảm khoảng 20% so với tuần trước đó khi giới đầu tư trở nên thận trọng hơn trước những thông tin bất ngờ về căng thẳng địa chính trị và các báo cáo thường niên của Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Xu hướng tiêu cực có thể tiếp diễn ở nhóm nông sản trong tuần này
Lúa mì là mặt hàng đáng chú ý nhất trong nhóm nông sản với mức giảm lên đến hơn 10% trong tuần trước.
Giá lúa mì giảm mạnh ngay trong 2 phiên đầu tuần trước kỳ vọng của thị trường vào việc căng thẳng địa chính trị tại Biển Đen sẽ sớm kết thúc, khi quân đội Nga rút lui khỏi 1 số khu vực đã chiếm đóng trước đó quanh thủ đô Kiev.
Sau đó, giá đã phục hồi trở lại khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) phát hành 2 báo cáo thường niên quan trọng là Triển vọng Gieo trồng 2022 (Prospective Plantings) và Tồn kho Ngũ cốc Quý (Grain Stocks) cho thấy, diện tích gieo trồng lúa mì Mỹ và tồn kho lúa mì tính đến hết ngày 01/03 năm nay đều thấp hơn các mức dự đoán. Mặc dù vậy, áp lực từ việc đồng Dollar tăng mạnh trong 2 phiên cuối tuần một lần nữa đẩy giá về dưới mốc hỗ trợ tâm lý 1.000 cents/giạ.
Theo sau lúa mì, đậu tương và khô đậu cũng giảm mạnh đến gần 8%, khi diện tích gieo trồng đậu tương Mỹ bất ngờ tăng vọt hơn 2 triệu mẫu so với mức dự đoán của thị trường trước báo cáo. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng đậu tương năm nay có thể cao hơn khoảng 4 triệu tấn, là yếu tố chính khiến lực bán áp đảo trong cuối tuần vừa rồi.
Trước ảnh hưởng tiêu cực từ mức giảm chung của dầu thô và toàn bộ nhóm nông sản, giá ngô cũng giảm gần 20 cents về mức 735 cents/giạ. Diện tích gieo trồng ngô Mỹ trong năm nay dự kiến chỉ đạt 89,5 triệu mẫu, thấp hơn đến 2,5 triệu mẫu so với dự đoán trước đó của thị trường, đã giúp hạn chế bớt lực bán.
Bán hàng ngô Mỹ trong tuần trước cũng là một con số đáng thất vọng và với tốc độ hiện tại, rất có thể USDA sẽ phải điều chỉnh giảm dự báo xuất khẩu ngô Mỹ 21/22 trong báo cáo tháng 04.
Thị trường dầu thô chứng kiến tuần giảm giá lớn nhất trong gần 2 năm
Giá dầu thô WTI giảm 12,84% xuống 99,27 USD/thùng trong khi giá dầu Brent giảm 11,06% xuống 104,39 USD/thùng. Giá dầu liên tiếp gặp sức ép từ đầu tuần khi Trung Quốc tiến hành phong tỏa thành phố 26 triệu dân là Thượng Hải để kiểm soát dịch Covid-19.
Mặc dù theo dự kiến, ngày mai 05/04 Thượng Hải sẽ bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch, tuy nhiên số ca nhiễm liên tục tăng mạnh, khác hẳn với tình hình ở Thâm Quyến, đang tạo ra khả năng khu vực này sẽ phải tiếp tục duy trì tình trạng đóng cửa. Tình hình lây lan dịch Covid-19 nói chung khiến cho Bộ giao thông nước này dự kiến lưu lượng giao thông đường bộ và số chuyến bay sẽ giảm lần lượt 20% và 55% trong 3 ngày nghỉ lễ Thanh minh kết thúc vào 05/04. Thông tin này sẽ là yếu tố tiếp tục gây sức ép lên giá dầu trong tuần này.
Việc Mỹ tuyên bố mở kho dự trữ chiến lược với lượng lớn 180 triệu thùng dầu trong vòng 6 tháng, cũng là nhân tố rất lớn khiến giá dầu đi xuống. Như vậy chỉ từ tháng 11/2022, Mỹ đã tuyên bố giải phóng dầu thô 3 lần. Mặc dù chưa có thông tin cụ thể, tuy nhiên các thành viên thuộc Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA cũng sẽ phối hợp với các đợt giải phóng dầu của Mỹ.
Tuy vậy, số dầu được giải phóng ở mức 1 triệu thùng/ngày trong vòng 6 tháng cũng khó có thể bù đắp hoàn toàn sản lượng dầu thiếu hụt từ Nga. Đặc biệt, các nhà sản xuất dầu tại Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu muốn tăng sản lượng một cách có ý nghĩa. Trong tuần vừa rồi, theo số liệu của công ty cung cấp dịch vụ Baker Hughes, giàn khoan dầu khí trong tuần vừa rồi chỉ tăng 3 chiếc lên 613.
Sắc đỏ bao trùm các mặt hàng kim loại quý
Giá vàng giảm 1,7% về 1.924 USD/ounce, giá bạch kim giảm 2,3 % về 985 USD/ounce. Giá bạc giảm mạnh nhất nhóm kim loại quý với mức đóng cửa tuần thấp hơn gần 4% về 24,7 USD/ounce, mức thấp nhất trong vòng 5 tuần.
Trong số các mặt hàng kim loại quý, giá vàng và giá bạc có xu hướng giống nhau, và đang giằng co trong ba tuần gần đây, do không còn nhận được quá nhiều tin tức hỗ trợ. Trái lại, giá bạch kim giảm mạnh cả 4 tuần trong tháng 3, do vai trò trú ẩn kém hơn so với vàng và bạc, đồng thời, nhu cầu tiêu thụ bạch kim cũng sụt giảm vì các hoạt động sản xuất ô tô trên toàn cầu sụt giảm do ảnh hưởng của lạm phát, và việc đóng cửa các nhà máy ở Trung Quốc.
Giá đồng giảm nhẹ trong tuần thứ 3 với mức đóng cửa thấp hơn 0,21% về 4,69 USD/pound. Trong hai tuần gần nhất, giá đồng đang có đi ngang và tích luỹ từ 4,65 – 4,8 USD. Có thể thấy, các nhà đầu tư đang thận trọng đánh giá những tác động của các tin tức cơ bản có trên thị trường, nên giá đồng vẫn chưa có xu hướng tăng hay giảm rõ ràng.
Về mặt tích cực, giá đồng vẫn được hỗ trợ nhờ những lo ngại về nguồn cung, khi sản lượng của các mỏ tại hai quốc gia sản xuất lớn là Chile và Peru đang bị sụt giảm vì thiếu hụt nguồn nước và các cuộc biểu tình của người dân. Tuy nhiên, sức mua bị kìm hãm bởi nhiều nhà đầu tư lo ngại về việc nhu cầu tiêu thụ đồng sẽ bị sụt giảm mạnh do triển vọng tăng trưởng kém khả quan của Trung Quốc.
Các chỉ số Quản lý thu mua (PMI) sản xuất và phi sản xuất trong tuần vừa qua được công bố đều dưới 50 điểm, cho thấy mức độ sụt giảm trong các hoạt động của nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu.
Giá quặng sắt tăng gần 5% trong tuần vừa qua và lấy lại mốc 160 USD, bất chấp những lo ngại về nhu cầu tiêu thụ ở Trung Quốc. Những căng thẳng ở khu vực Biển Đen hiện đang là một tác nhân đẩy giá quặng sắt đi lên. Cả Nga và Ukraine đều là hai quốc gia xuất khẩu quặng sắt và thép lớn, nên nguồn cung cho những khu vực ngoài Trung Quốc, vốn có nhu cầu nhất định về sắt thép cũng bị ảnh hưởng bởi việc tắc nghẽn chuỗi cung ứng và nhiều nhà nhập khẩu đã phải huỷ đơn hàng để tránh rủi ro.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV