menu search
Đóng menu
Đóng

Tin MXV sáng 12/5: Giá dầu thô và cà phê tăng ‘chóng mặt’ trong phiên hôm qua

08:46 12/05/2022

Kết thúc phiên giao dịch 11/05, sắc xanh áp đảo trở lại trên bảng giá 31 loại hàng hóa nguyên liệu đang liên thông trực tiếp với thế giới tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam. Mức tăng rất mạnh của chỉ số Năng lượng và Công nghiệp đã giúp MXV-Index bật tăng sau 3 phiên giảm liên tiếp trước đó lên mức 2.945,96 điểm, cao hơn 2,3% so với mức tham chiếu.

Diễn biến tích cực của giá hàng hóa cũng giúp dòng tiền chảy mạnh trở lại vào thị trường, đưa giá trị giao dịch toàn Sở lên gần 5.800 tỉ đồng, tăng 20% so với phiên trước đó. Riêng nhóm Công nghiệp đã có sự gia tăng gấp đôi về giá trị.
Giá dầu bật tăng mạnh gần 6%
Dầu thô tăng mạnh trở lại trong phiên hôm qua, do lo ngại về thiếu hụt nguồn cung một lần nữa gia tăng khi EU tích cực thảo luận với các thành viên để thúc đẩy lệnh cấm vận nhập khẩu dầu từ Nga. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI tăng 5,96% lên 105,71 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 4,93% lên 107,51 USD/thùng.

Giá dầu thô đã bắt đầu đà tăng từ phiên sáng, nhờ tâm lý “bắt đáy” tại vùng giá 100 USD/thùng. Thiếu hụt trên thị trường là kỳ vọng chủ yếu hỗ trợ giá trên thị trường từ tuần trước, khi EU đề xuất lệnh cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga cho 27 thành viên. Mặc dù một số nước như Czech, Hungary hay Slovakia phản đối do gánh nặng kinh tế, tuy nhiên nhóm đang tích cực thảo luận để đưa đến một chính sách chung.
Như vậy, nếu được thông qua, khoảng 3 triệu thùng dầu/ngày từ Nga có thể sẽ bị ảnh hưởng. Việc thiếu các kho dự trữ và thiếu các tàu chở dầu cỡ lớn để vận chuyển sang các khu vực khác như châu Á khiến cho Nga không có nhiều lựa chọn ngoài việc cắt giảm sản xuất khi mất đi các đơn hàng từ châu Âu.
Bất chấp tồn kho dầu thô thương mại tại Mỹ trong Báo cáo Dầu khí hàng tuần của EIA cho thấy sự tăng mạnh 8,5 triệu thùng tuần kết thúc 06/05, tuy nhiên mức tăng thực tế đến nhiều từ việc Mỹ giải phóng 7 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ chiến lược, đã được thông báo trước từ thời gian dài. Vì vậy, con số 8,5 triệu thùng này không ảnh hưởng tiêu cực đối với thị trường như giai đoạn năm ngoái.
Trong khi đó, sản lượng dầu thô tại Mỹ lần đầu tiên giảm sau 3 tháng, từ 11,9 triệu thùng/ngày xuống 11,8 triệu thùng/ngày. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất phần nào đang chịu ảnh hưởng từ việc chi phí nhân công và chi phí vật liệu, vận hành tại các mỏ dầu ngày càng cao khiến cho việc sản xuất không được thuận lợi, bất chấp lợi nhuận tại vùng giá trên 100 USD/thùng.
Dollar Mỹ điều chỉnh nhẹ khi số liệu lạm phát đầu ra Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 4 tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn kỳ vọng 8,1% của thị trường, phần nào hỗ trợ cho đà tăng của giá dầu.
Trên thị trường nội địa, Liên Bộ Công Thương – Tài Chính đã tăng giá xăng trong kỳ điều chỉnh ngày 11/5. Mức tăng cụ thể là 1.490 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92, và 1.550 đồng/lít với xăng RON95.

Giá cà phê bùng nổ, đường đi ngang
Trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, giá Arabica sau khi suy yếu liên tiếp trong 4 phiên trước đó, đã lấy lại được hầu hết những gì đã mất và đẩy giá về lại sát vùng 220 cents/pound. Đây cũng là phiên tăng mạnh nhất của mặt hàng này kể từ tháng 07 năm ngoái, khi mà thị trường lo ngại về việc sương giá có khả năng đến sớm tại các vùng gieo trồng cà phê. Thời tiết tại Minas Gerais dự kiến sẽ giảm về dưới 10 độ C trong giai đoạn cuối tuần này và đầu tuần tới.

Đà tăng của giá Arabica cùng hỗ trợ tâm lý 2.000 USD đã giúp giá Robusta tăng mạnh 3,43%, lên mức 2.078 USD/tấn khi kết thúc phiên. Đây là lần thứ 3 giá Robusta bật lên từ mốc 2.000 USD trong vòng 2 tháng vừa qua.
Bất chấp ảnh hưởng tích cực từ diễn biến của giá dầu thô cùng một số mặt hàng khác trong nhóm công nghiệp, giá đường 11 hầu như đi ngang trong suốt phiên hôm qua, và đóng cửa với mức thay đổi không đáng kể. Mặc dù các nhà sản xuất tại Brazil đang ưu tiên sản nhất ethanol từ mía đường nhiều hơn, do giá nhiên liệu tăng cao, nhưng lo ngại về việc thị trường đường sẽ thặng dư khá lớn trong năm nay đã khiến giá bị giữ chân tại vùng giá hiện tại.
Trên thị trường đường nội địa, theo Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSA), nguồn cung đường nhập khẩu tiếp tục đưa vào thị trường thông qua hình thức chính ngạch và gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam đang tràn vào như nước vỡ bờ, cộng với đường từ vụ ép 2021/22 và cả đường lỏng siro ngô vẫn đang được nhập khẩu.
Như vậy nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ đường chưa tăng nên sẽ không có hiện tượng thiếu hụt đường trong tháng 05/2022 và các tháng kế tiếp. Ưu thế thị trường vẫn thuộc về các loại đường và chất ngọt có nguồn gốc nhập khẩu và giá đường trong nước sẽ có diễn biến gắn với giá đường thế giới. VSA dự báo giá đường tại thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục ở mức thấp hơn so với giá đường của các quốc gia trồng mía lân cận (Trung quốc, Indonesia, Philippine).

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV

Link gốc