Tuy nhiên, dòng tiền chảy vào thị trường hàng hoá vẫn được duy trì ổn định, thậm chí có sự gia tăng nhẹ. Giá trị giao dịch toàn Sở trong ngày hôm qua tăng hơn 1%, đạt 5.300 tỷ đồng.
Nhóm kim loại đồng loạt lao dốc trước thềm cuộc họp của FED
Giá các mặt hàng kim loại liên tục giảm vào cuối phiên và nối tiếp chuỗi ngày lao dốc đồng loạt. Thị trường bạc đóng cửa ở mức thấp nhất trong vòng 1 tháng qua sau khi giảm 1,42% xuống 20,95 USD/ounce. Cùng với đó, bạch kim vẫn là mặt hàng chịu nhiều tổn thương nhất trong nhóm kim loại quý khi có phiên giảm thứ 6 liên tiếp, trượt dốc 2,32% và đóng cửa ở mức 910,7 USD/ounce.
Vào tối qua, dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 5 tăng 0,8% so với con số 0,4% vào hồi tháng 4. Trong đó, giá hàng hóa tăng 1,4% và chiếm gần 2/3 mức tăng của chỉ số PPI chủ yếu do sự leo thang của giá xăng dầu và thực phẩm trên thế giới. Căng thẳng về lạm phát càng được củng cố ngay trước thềm diễn ra cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào đêm nay. Đồng Dollar Mỹ đang tiếp tục đà tăng phiên thứ 5 liên tiếp sau khi đạt đỉnh 20 năm và gây áp lực cho các mặt hàng kim loại vốn nhạy cảm với lãi suất.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, đồng COMEX và quặng sắt nối dài đà giảm ở các mức lần lượt là 1,31% xuống 4,15 USD/pound và 1,02% xuống 133,21 USD/tấn trước áp lực kép từ mức đặt cược tăng lãi suất mạnh mẽ và nhu cầu bị thách thức do dịch bệnh tại Trung Quốc. Công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch của CME đang cho thấy hơn 90% ý kiến cho rằng Fed sẽ tăng 75 điểm cơ bản ngay trong cuộc họp đêm nay, tăng từ con số chỉ 30% hồi đầu tuần. Điều này khiến các nhà đầu tư lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và làm thu hẹp hoạt động sản xuất khiến nhu cầu đồng và sắt thép suy yếu.
Bên cạnh đó, giá đồng và quặng sắt giảm trong phiên hôm qua trước thềm Trung Quốc thông báo các dữ liệu quan trọng vào sáng nay. Theo đó, đầu tư tài sản cố định tháng 5 được dự báo tăng chậm hơn tháng trước, trong khi sản lượng công nghiệp được kỳ vọng khả quan hơn hồi tháng 4, nhưng vẫn tăng trưởng ở mức âm.
Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), các đánh giá cho thấy sự phục hồi kinh tế tại Trung Quốc còn gặp nhiều cản trở và thị trường kim loại cơ bản vẫn phải đối diện với áp lực gia tăng.
Dầu thô đứng trước hàng loạt thông tin cản trở đà tăng
Sắc đỏ quay trở lại thị trường dầu thô trước một loạt các tin tiêu cực cản trở đà tăng của giá. Kết thúc phiên 14/06, giá dầu thô WTI giảm 1,7% còn 118,9 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm hơn 0,9% còn 121 USD/thùng.
Đà tăng của dầu bốc hơi trong bối cảnh các nhà chức trách tìm cách can thiệp nhằm kiềm chế chi phí năng lượng và lạm phát của Mỹ.
Đảng Dân chủ đang xem xét nhiều dự luật năng lượng hơn, để áp một khoản thuế bổ sung 21% đối với lợi nhuận vượt quá của các công ty dầu khí có quy mô doanh thu hàng năm lớn hơn 1 tỷ USD.
Ngoài ra, tương tự như kim loại, giá dầu cũng gặp sức ép trước những lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), sẽ mạnh tay tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, thay vì 50 điểm cơ bản như thông báo trước đó, để làm chậm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và hạ nhiệt chi phí hàng hóa.
Trong báo cáo mới nhất của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) được phát hành vào ngày hôm qua, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm nay vẫn vượt qua mức trước đại dịch và tăng 3,36 triệu thùng/ngày. OPEC cũng dự báo rằng mức tiêu thụ trên thế giới sẽ vượt qua mốc 100 triệu thùng/ngày trong quý III, mặc dù những rủi ro đến từ xung đột giữa Nga - Ukraine và đại dịch Covid-19 tăng lên đáng kể.
Sản lượng của nhóm giảm 175.000 thùng/ ngày trong tháng 5, khi mà các thành viên hiện đang phải vật lộn để đáp ứng hạn ngạch sản xuất do công suất dự phòng eo hẹp.
Các thông tin từ báo cáo OPEC đều mang tính tích cực với nguồn cung, tuy nhiên phần lớn các yếu tố này đã phản ánh vào đà tăng của giá trước đó. Mặt khác, các nhà đầu tư hiện nay đang phản ứng mạnh hơn với các yếu tố liên quan đến việc cắt giảm nhu cầu tiêu thụ dầu, đặc biệt là ở Mỹ, nên giá dầu thô WTI giảm mạnh hơn so với giá dầu Brent trong phiên hôm qua.
Mở phiên sáng nay, giá dầu cũng đang chịu sức ép khi mà báo cáo mới nhất của Viện dầu khí API cho thấy tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ tăng 740.000 thùng so với dự đoán giảm 1,3 triệu thùng của giới phân tích. Ngoài ra, tồn kho của các mặt hàng khác là nhiên liệu chưng cất và xăng cũng lần lượt tăng 230.000 thùng và giảm 2,2 triệu thùng.
Giá khí tự nhiên tại Mỹ hôm qua giảm mạnh 16,5% khi mà việc khởi động lại cơ quan xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Freeport Texas sau vụ nổ vào tuần trước, có thể mất 90 ngày thay vì ước tính ban đầu là 3 tuần. Các nhà đầu tư gia tăng sức bán do dự đoán việc nhà máy ngừng hoạt động sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ và tồn kho khí đốt tăng cao ở Mỹ.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV