Đà tăng mạnh của toàn bộ thị trường đã giúp cho tâm lý giới đầu tư tích cực trở lại. Giá trị giao dịch toàn Sở nhờ đó cũng tăng vọt gần 30% lên mức 4.800 tỉ đồng. Trong đó, riêng nhóm năng lượng ghi nhận mức tăng gấp đôi khi giá dầu thô dẫn đầu mức tăng của toàn thị trường trong ngày hôm qua.
Giá dầu thô tiếp tục tăng vọt gần 7%
Giá dầu tiếp tục tăng mạnh phiên thứ 3 liên tiếp, khi nhóm các nước EU cân nhắc lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 6,67% lên 109,97 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 6,52% lên 111,92 USD/thùng.
Giá dầu đã bật tăng mạnh mẽ từ phiên sáng trước một loạt các thông tin cho thấy căng thẳng địa chính trị tiếp tục gia tăng trong tuần mới. Việc phiến quân Houthi liên tiếp nhắm vào các cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia có khả năng gây ra gián đoạn đối với sản xuất dầu. Phía Saudi Arabia đã lên tiếng cảnh báo rằng thị trường có thể tiếp tục rơi vào trạng thái thiếu hụt nếu nước này tiếp tục hứng chịu các đợt tấn công mới.
Tuần vừa rồi, một số cơ sở lọc dầu đã phải tạm ngừng hoạt động sau khi hứng chịu vụ tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái. Ngay khi sản lượng dầu của Saudi Arabia đang tiệm cận mức trước đại dịch, các gián đoạn có thể gây ra khó khăn đối với mục tiêu tăng sản lượng hàng tháng. Đây có thể xem là phát biểu nhắm tới Mỹ, khi mà Chính quyền Tổng thống Biden đã chấm dứt sự ủng hộ đối với cuộc xung đột với Houthi từ năm ngoái.
Trong khi đó, tại châu Âu, Ukraine từ chối hạ vũ khí tại thành phố Mariupol bất chấp “tối hậu thư” từ Nga. Các hy vọng về thành công ngoại giao đang giảm dần, bất chấp việc phía Ukraine nỗ lực thúc đẩy cuộc gặp giữa 2 Tổng thống.
Hành động của Nga đang khiến cho các nước thuộc Liên minh châu Âu EU cân nhắc gia tăng các lệnh trừng phạt, đặc biệt là vào ngành năng lượng, lĩnh vực cung cấp dòng tiền chính cho Nga. Tuy vậy, Nga cung cấp 27% lượng dầu nhập khẩu cho khối EU, do đó phương án này đang vấp phải sự phản đối của nhiều thành viên, trong đó có các nước lớn như Đức và Thổ Nhĩ Kỳ. Phía Nga cảnh báo các lệnh cấm vận mới có thể đẩy giá dầu lên mức 300 USD/thùng.
Trên thị trường nội địa, giá xăng dầu đã hạ nhiệt sau khi liên tục tăng mạnh. Theo Liên bộ Công Thương - Tài chính, kể từ 15h ngày 21/03, giá xăng E5 RON 92 giảm 650 đồng, RON95 giảm 630 đồng. Đối với các mặt hàng dầu là 560 - 1.670 đồng/lít.
Giá lúa mì tăng kịch trần trong phiên
Sắc xanh cũng phủ kín bảng giá các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên Sở Chicago. Trong đó, đáng chú ý nhất là mức tăng rất mạnh hơn 5% của giá lúa mì.
Căng thẳng địa chính trị đang ngày càng nóng hơn khi cuộc chiến tranh ở Biển Đen đã kéo dài sang tuần thứ 4. Chính vì thế, lãnh đạo của cả hai nước đều tuyên bố không có tiến triển nào đáng kể trong việc sớm có một thỏa thuận ngừng xung đột, dẫn đến việc giá hàng hóa một lần nữa tăng vọt trở lại.
Giá lúa mì Chicago thậm chí đã có lúc chạm đến mức kịch trần 85 cents trong ngày hôm qua khi phiên Mỹ mở cửa. Tuy nhiên tâm lý chốt lời và lực bán kỹ thuật ở vùng giá 1.150 cents đã khiến giá giảm trở lại vào cuối phiên, thu hẹp mức tăng lại chỉ còn 5,22% khi đóng cửa.
Đà tăng mạnh của giá lúa mì cũng giúp cho giá ngô tăng vọt gần 2% lên mức 756,25 cents/giạ. Giao hàng ngô Mỹ trong tuần kết thúc ngày 17/03 đạt mức 1,47 triệu tấn, tăng 30% so với tuần trước đó, cũng là yếu tố hỗ trợ tích cực cho giá ngô.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV