menu search
Đóng menu
Đóng

Tin MXV sáng 28/6: Giá trị giao dịch hàng hóa đạt mức cao nhất trong năm

08:57 28/06/2023

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu đóng cửa ngày giao dịch hôm qua với lực bán hoàn toàn áp đảo. Đà sụt giảm mạnh của các mặt hàng nông sản, nguyên liệu công nghiệp và năng lượng đã kéo chỉ số MXV-Index suy yếu 1,27% xuống 2.176 điểm.
 
Tuy nhiên, nhờ tính chất hai chiều của thị trường giao dịch T0, nhà đầu tư có thể có lãi ngay cả khi giá giảm, dòng tiền đến thị trường bùng nổ trong ngày hôm qua, thể hiện qua mức tăng vọt hơn 88% của giá trị giao dịch toàn Sở, đạt gần 9.600 tỷ đồng. Đây là mức cao nhất của giá trị giao dịch trong một ngày được xác lập từ đầu năm đến nay.
Giá nông sản lao dốc
Đáng chú ý, nhóm nông sản dẫn dắt xu hướng toàn thị trường với 6/7 mặt hàng suy yếu. Giá lúa mì giảm hơn 5,3%, ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Trong khi đó, giá ngô giá ngô tiếp tục đà lao dốc và đóng cửa trong sắc đỏ 4 phiên liên tiếp, chốt ngày hôm qua với mức giảm hơn 4,6%.

MXV cho biết, nửa cuối tháng 6 là giai đoạn biến động cực kỳ mạnh mẽ của giá ngô, chủ yếu do tác động từ các thông tin xoay quanh triển vọng mùa vụ tại Mỹ. Nếu như giai đoạn hạn hán kéo dài từ tháng 4 ở khu vực sản xuất chính là Midwest đã khiến thị trường xác nhận nhịp hồi phục thì ngược lại, dự báo độ ẩm được cải thiện trong vài tuần tới lại đang là yếu tố tạo sức ép và khiến cho giá đảo chiều.

Theo báo cáo Tiến độ Mùa vụ (Crop Progress) do Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) phát hành, sau khi nảy mầm, cây trồng hiện đang bước vào đầu giai đoạn phun râu. Tỉ lệ ngô được đánh giá tốt – tuyệt vời tính đến tuần này đã giảm xuống còn 50% diện tích dự kiến, từ mức 55% trong tuần trước. Tuy nhiên, khả năng có mưa trên diện rộng tại các khu vực gieo trồng trong cả dự báo ngắn và trung hạn đã thu hút sự chú ý của thị trường và gây nên đợt bán tháo mạnh trong phiên hôm qua. Do tiến độ mùa vụ mới chỉ đang ở trong giai đoạn phát triển sớm nên tác động của hạn hán trước đó hoàn toàn có thể bị xoá bỏ nếu như lượng mưa đến vừa kịp và độ ẩm được bù đắp thích hợp.
Ngoài ra, tiến độ và xuất khẩu được đẩy mạnh từ Brazil cũng gây sức ép cạnh tranh tới giá ngô Mỹ vụ 2. Hoạt động thu hoạch ngô vụ 2 niên vụ 22/23 của Brazil sẽ tăng tốc trong tuần này nhờ thời tiết khô ráo trên khắp đất nước, Reuters đưa tin. Tồn kho ngô Mỹ có thể sẽ gia tăng do xuất khẩu kém hơn trước sức ép từ mùa vụ kỷ lục của Brazil, cũng góp phần khiến giá suy yếu.
Tương tự như ngô, giá lúa mì cũng lao dốc mạnh trong bối cảnh những tín hiệu tích cực xoa dịu lo ngại về hoạt động xuất khẩu ở Biển Đen.
Giá dầu xuống mức thấp nhất 2 tuần
Giá dầu WTI đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/06 với mức giảm 2,41% xuống 67,7 USD/thùng, mức giá thấp nhất trong 2 tuần qua. Dầu Brent chốt phiên tại mức 72,51 USD/thùng, giảm 2,47% so với phiên trước đó.
Theo MXV, việc áp lực vĩ mô khi nhiều Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới tiếp tục đưa ra tín hiệu tăng lãi suất, đã ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của các nhà giao dịch dầu thô. Rủi ro suy thoái kinh tế gia tăng làm dấy lên lo ngại về bức tranh tiêu thụ, vẫn đang là nguyên nhân chính gây sức ép tới giá.

Chiều hôm qua, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết trong một bài phát biểu rằng, lạm phát tại khu vực đồng Euro đã bước vào một giai đoạn mới có thể kéo dài, buộc ngân hàng không thể sớm tuyên bố chấm dứt đà tăng lãi suất.

Trong khi đó, tại Anh, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) có thể tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản nữa vào nửa cuối năm nay để hạ nhiệt lạm phát, theo khảo sát từ hãng tin Reuters.
Chi phí vay tăng cao đang là mối nguy tiềm ẩn gây ra áp lực tăng trưởng đối với các nền kinh tế lớn tiêu thụ nhiều dầu thô trên thế giới, là nguyên nhân chính kéo giá dầu giảm mạnh trong phiên.
Về yếu tố cung cầu, xuất khẩu nhiên liệu tinh chế của Nga tiếp tục tăng trong tuần qua, cho thấy sự gia tăng tỷ lệ chế biến dầu thô phục vụ cho người mua ở nước ngoài. Cụ thể, hàng hóa nhiên liệu tinh chế đã tăng hơn 200.000 thùng mỗi ngày, theo dữ liệu từ Công ty phân tích Vortexa. Trong đó, xuất khẩu dầu diesel tăng khoảng 36% trong tháng 6 so với tháng trước. Điều này cho thấy nguồn cung dồi dào từ phía Nga bất chấp tuyên bố cắt giảm sản lượng, và gây áp lực cho giá dầu.
Giá dầu của Nga cũng đang ở mức thấp hơn giá trần 60 USD/thùng mà các nước EU đã áp đặt lên dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga. Theo khảo sát từ Bloomberg, mức chiết khấu dầu thô Urals đối với Brent nằm trong khoảng 20 USD/thùng, chính thức đưa giá dầu Nga ở khoảng 52 USD/thùng. Mức giá này tiếp tục khiến dòng chảy dầu Nga ổn định trên thị trường, hạn chế các lo ngại về nguồn cung.
Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo từ Viện dầu khí Mỹ (API) cho biết tồn khi dầu thô thương mại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 23/06 giảm 2,4 triệu thùng, cao hơn dự báo 0,6 triệu thùng. Tồn kho xăng giảm mạnh 2,9 triệu thùng so với mức dự báo chỉ giảm 100.000 thùng của giới phân tích. Theo MXV, thông tin này có thể giúp giá dầu phục hồi nhẹ trở lại trong phiên sáng nay.

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Tags: Tin mxv
Link gốc