menu search
Đóng menu
Đóng

Tin MXV sáng 29/4: Giá dầu thô cao nhất hai tuần, kim loại diễn biến trái chiều

08:30 29/04/2022

Kết thúc phiên giao dịch 28/04, sắc xanh đỏ chia làm hai nửa trên bảng giá 31 mặt hàng đang liên thông trực tiếp với thế giới tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam. Mặc dù nhóm năng lượng vẫn giữ được mức tăng phiên thứ 3 liên tiếp, nhưng diễn biến giảm mạnh của nhóm kim loại đã khiến chỉ số MXV-Index quay đầu giảm 0,17%, về đóng cửa ở mức 3.018,23 điểm.

Mặc dù có sự phân hóa, nhưng dòng tiền vẫn chảy mạnh vào thị trường trong phiên hôm qua, nâng giá trị giao dịch toàn Sở lên mức 5.300 tỉ đồng, tăng gần 20% so với phiên trước đó. Đáng chú ý là cả nhóm năng lượng và kim loại đều có sự gia tăng, tái khẳng định ưu điểm của thị trường này, khi mà nhà đầu tư luôn có cơ hội bất kể khi giá lên hay xuống.
Giá dầu tăng lên mức cao nhất trong 2 tuần
Dầu thô bứt phá khi thị trường kỳ vọng Liên minh châu Âu EU sẽ sớm thiết lập các lệnh cấm vận lên ngành dầu khí của Nga. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI tăng gần 3,3% lên 105,36 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 2,2% lên 107,26 USD/thùng.

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ cho biết sẽ nỗ lực để nâng sản lượng bù đắp cho sự sụt giảm từ Nga, tuy nhiên theo đánh giá của giới phân tích, trong ngắn hạn, chắc chắn thị trường vẫn sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt.
Đà tăng cũng được hỗ trợ trước các nguồn tin cho biết các thành viên OPEC+ dự định duy trì mức tăng sản lượng ở mức thấp, chỉ 432.000 thùng/ngày mỗi tháng cho đến hết tháng 9. Dù vậy, nhiều khả năng OPEC+ cũng sẽ không thể đạt được con cả con số khiêm tốn này, khi mà trong tháng 3 nhóm vẫn đang sản xuất thấp hơn 1,45 triệu thùng/ngày so với hạn mức đặt ra. Các vấn đề về bảo trì, bất ổn nội địa cũng khiến việc sản xuất dầu của các thành viên trở nên khó khăn.
Nhóm kim loại gặp áp lực
Giá vàng và giá bạch kim đã lấy lại sắc xanh, đóng cửa tăng lên lần lượt là 1.894,3 USD/ounce và 911,1 USD/ounce. Trong khi đó, giá bạc giảm mạnh 1,4% về 23,1 USD/ounce.
Có thể thấy, các mặt hàng kim loại quý dù khôi phục được sắc xanh nhưng mức tăng cũng có phần rất khiêm tốn, bởi sức ép kép đến từ thị trường chứng khoán Mỹ và việc đồng USD mạnh lên. Dòng vốn đang phân bổ lại vào các thị trường rủi ro khiến cho cả ba chỉ số chính là S&P500, Nasdaq và Dow Jones đồng loạt tăng điểm. Đồng Bitcoin cũng đang tiến về mức 40.000 USD.
Chỉ số Dollar Index, thước đo sức mạnh của đồng USD với một rổ gồm các đồng tiền lớn khác, cũng tăng lên 103,6 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 1/2017, thời điểm đầu trong chu kỳ tăng lãi suất kéo dài tới năm 2019 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Triển vọng của thị trường kim loại quý trở nên khá tiêu cực vì vai trò trú ẩn bị thất thế trước tính thanh khoản cao của đồng bạc xanh và mức lợi nhuận hấp dẫn đến từ thị trường chứng khoán.
Trong phiên hôm qua, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), một thước đo lạm phát ưa thích khác của Fed, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, nhưng chỉ số PCE (lõi) trừ thực phẩm và năng lượng chỉ tăng 5,2% và thấp hơn so với dự báo. Đây vẫn là một mức đáng báo động và có thể sẽ củng cố quan điểm thắt chặt tiền tệ của Fed.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng tiếp tục giảm 1% về 4,41 USD/ounce, trái lại, giá quặng sắt tăng 0,8% lên 142,05 USD/tấn. Mức tăng này có phần khiêm tốn với giá quặng sắt và không nói lên nhiều điều về khả năng hồi phục của thị trường sau khi đánh mất mốc 150 USD.
Trong bối cảnh nhà tiêu thụ số một thế giới Trung Quốc vẫn đang chống chọi với dịch bệnh, triển vọng tiêu thụ của đồng và quặng sắt đều thiếu khả quan. Nhiều thành phố lớn như Hàng Châu, hay thành phố cảng Tần Hoàng Đảo cũng tiến hành siết chặt các biện pháp kiểm soát để ngăn kịch bản bùng phát dịch như ở Thượng Hải.
Dù các nhà chức trách đã liên tiếp trấn an người dân, và Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã kêu gọi thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng vì không có bất kỳ kế hoạch cụ thể nào được đưa ra nên sức bán vẫn áp đảo trên cả hai thị trường.
Ngoài ra, việc GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ, tăng trưởng âm trong quý I, làm dấy lên lo ngại về áp lực giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu, cũng là một yếu tố khác kìm hãm sức mua với các mặt hàng kim loại cơ bản.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV

Link gốc