Áp lực bán trên thị trường đậu tương sẽ ngày càng được đẩy mạnh khi thời tiết ở Argentina đang dần trở nên tích cực hơn
Mở cửa phiên giao dịch cuối tuần, giá đậu tương tiếp nối xu hướng giằng co trên vùng chặn dưới 1480 của khoảng đi ngang. Các thông tin cơ bản của mặt hàng này đang dần thiên về bên bán, đặc biệt là với dự báo sự thay đổi thời tiết ở Argentina trong tuần tới, thị trường sẽ càng phản ứng mạnh mẽ hơn do đây được dự báo sẽ là khởi đầu mới của quá trình bình ổn hóa khí hậu.
Trong báo cáo sáng nay, Sở Giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires (BAGE) mới đây đã tiếp tục cắt giảm dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 22/23 của Argentina xuống còn 25 triệu tấn, từ mức 29 triệu tấn ước tính trước đó. Nguyên nhân là do mùa vụ bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán. Theo BAGE, đây là mức sản lượng đậu tương tồi tệ nhất trong gần 25 năm của nước này. Tuy nhiên, đối chiếu với dữ liệu của chính phủ, sản lượng đậu tương năm nay của Argentina sẽ là mức thấp nhất kể từ niên vụ 1999/2000, khi nông dân chỉ thu hoạch được 20.1 triệu tấn. Dù vậy, diện tích canh tác đậu tương ở thời điểm đó là 8.8 triệu héc-ta, thấp hơn nhiều so với mức 16.2 triệu héc-ta của niên vụ 22/23. Trong khi đó, phân tích của Reuters cho thấy vụ mùa năm nay của Argentina là vụ đậu tương tồi tệ nhất kể từ niên vụ 1988/89, khoảng 34 năm trước. Mặc dù đây từng đóng vai trò là thông tin hỗ trợ cho đà tăng của giá đậu tương trong suốt vài tháng qua nhưng tác động hỗ trợ đang dần suy yếu. Những cơn mưa cần thiết cho cây trồng sẽ xuất hiệ ntrong tuần tới, đánh dấu sự khởi đầu của quá trình bình thường hóa khí hậu ở khu vực Nam Mỹ, khi mà La Lina khiến hạn hán kèo dài từ tháng 05 năm 2022. Sau thời điểm này, mưa sẽ xuất hiện thường xuyên hơn và xu hướng thuận lợi hơn một chút để trở lại lượng mưa bình thường. Nếu như lo ngại về năng suất bị thiệt hại là nguyên nhân chính đã đẩy giá đậu tương tăng từ vùng 400 lên 500 trong 3 tháng thì với triển vọng thời tiết cải thiện cùng với kỳ vọng về mùa vụ sắp tới ở Mỹ, chúng tôi cho rằng giá có thể sẽ chịu áp lực trong trung hạn và có thể phá vỡ vùng 1480.
Những hỗn loạn trên thị trường tài chính gần đây khả năng cao sẽ đẩy giá cà phê tiếp tục biến động mạnh
Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/03, hai mặt hàng cà phê cùng bật tăng mạnh sau chuỗi phiên giảm trước đó. Tồn kho cà phê tại Mỹ giảm về mức thấp nhất trong 7 tháng, kết hợp với Dollar Index suy yếu khi tình hình hoảng loạn trong hệ thống ngân hàng đã giảm bớt, giúp hỗ trợ giá Arabica bật tăng hơn 4%. Cùng với đó, Robusta cũng ghi nhận mức tăng gần 1.7% trong phiên hôm qua.
Trước những biến động của thị trường tài chính những ngày gần đây, giá cà phê cũng không tránh khỏi những tác động nhất định. Hàng loạt ngân hàng từ Mỹ đến Châu Âu gặp tình trạng bất ổn và cần nhờ đến sự can thiệp của các ngân hàng Trung ương để ổn định tâm lý nhà đầu tư dẫn đến một lần sóng lo ngại về đợt suy thoái kinh tế sẽ diễn ra. Các nhà kinh tế thuộc Tập đoàn Goldman Sachs đã nâng xác suất Mỹ rơi vào suy thoái trong 12 tháng lên 35% so với mức 25% trước đó. Điều này có thể kéo theo chi tiêu đối với loại hàng hóa không thiết yếu như cà phê sụt giảm, từ đó gây sức ép lên giá trong thời gian tới.
Bên cạnh những tác động về mặt tài chính, yếu tố nguồn cung cũng đang cho thấy những tác động “bearish” lên giá. Triển vọng nguồn cung tích cực hơn tại cả 2 quốc gia xuất khẩu hàng đầu là Brazil và Colombia sau 2 năm chịu tác động nặng nề bởi thời tiết tiếp tục gây áp lực trong thời gian tới, đặc biệt khi Brazil chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch của mùa vụ mới giúp nguồn cung trên thị trường trở nên nới lỏng, từ đó gây áp lực lên giá.
Thông tin cơ bản giằng co, giá đồng có thể tiếp tục giằng co và chưa vượt qua được kháng cự tâm lý 4 USD
Đồng USD suy yếu tiếp tục hỗ trợ cho lực mua đồng trong phiên sáng 17/03. Chỉ số Dollar Index giảm 0.29% neo tại mức 104.12 điểm. Đồng USD yếu hơn sau khi các nhà chức trách của các ngân hàng lớn trên thế giới có động thái giảm bớt căng thẳng cho hệ thống tài chính, việc giải cứu Ngân hàng First Republic tại Mỹ vào thứ Năm đã giúp trấn an tâm lý thị trường.
Tuy vậy, bất chấp những sự hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng toàn cầu trong những ngày gầy đây về vấn đề thanh khoản, vào hôm qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn đưa ra quyết định tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên 3.5%, mức cao nhất kể từ năm 2009. Chi phí cho vay tăng cao có thể tiếp tục kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế của các nước khu vực châu Âu. Theo đó là sự sụt giảm trong hoạt động sản xuất và kéo theo nhu cầu tiêu thụ đồng suy yếu, gây sức ép lên giá đồng.
Bên cạnh đó, ECB và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đều hướng chung tới một mục tiêu là đẩy lùi lạm phát. Do đó, trong phiên họp tuần tới, nhiều khả năng Fed có thể sẽ tuân theo quyết định của ECB và tiếp tục nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vì lo ngại về lạm phát cao vượt xa lo ngại về khủng hoảng ngân hàng toàn cầu. Hơn nữa, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ giảm bất ngờ, điều này cho thấy sức mạnh của thị trường lao động tiếp tục tăng và dữ liệu nhà ở tốt hơn dự kiến vào thứ Năm cũng đã thúc đẩy các nhà đầu tư đặt cược vào việc tăng lãi suất của Fed. Công cụ theo dõi lãi suất FedWatch của CME Group cho thấy xác suất Fed nâng lãi suất thêm một phần tư điểm phần trăm đã đạt hơn 80%. Việc Fed tiếp tục tăng lãi suất có thể là yếu tố gây sức ép lên giá đồng.
Tuy vậy, về vấn đề nguồn cung, tồn kho đồng trên Sở COMEX tiếp tục giảm xuống mức 15,128 tấn, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3 năm 2014. Kết hợp với việc nhu cầu tiêu thụ ở Trung Quốc đang dần có dấu hiệu cải thiện. Đây có thể sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá đồng trong phiên.
Giá dầu có thể phục hồi trong phiên hôm nay khi tâm lý trên thị trường tài chính được xoa dịu
Dầu thô mở cửa với lực mua tương đối mạnh, và nhiều khả năng đà tăng sẽ còn được duy trì trong phiên ngày hôm nay khi tâm lý thị trường được xoa dịu một phần kể từ sau loạt rủi ro trên thị trường tài chính trước đó. Mới đây, khoản cứu trợ trị giá 30 tỷ USD dành cho Ngân hàng First Republic đã làm giảm bớt lo ngại của thị trường về sự sụp đổ ngân hàng. Gói này được đưa ra chưa đầy một ngày sau khi ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse nhận được khoản vay ngân hàng trung ương khẩn cấp lên tới 54 tỷ USD để tăng cường thanh khoản. Những sự hỗ trợ từ phía Ngân hàng lớn đã giúp xoa dịu một phần tâm lý các nhà đầu tư. Điều này có thể củng cố cho lực mua trên thị trường dầu.
Nhu cầu tại Trung Quốc vẫn đang dần phục hồi. Xuất khẩu dầu thô Mỹ sang Trung Quốc trong tháng 3 được kỳ vọng sẽ đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2022, với nguồn tin từ Reuters cho biết có ít nhất 14 triệu thùng dầu đang được chuyển từ Mỹ sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, thị trường dầu hiện nay cho thấy sự nhạy cảm đối với tình hình kinh tế vĩ mô hơn so với yếu tố cung cầu. Những rủi ro trong hệ thống tài chính tiếp tục là mối lo ngại lớn và giá dầu sẽ khó có thể phục hồi quá nhanh chóng. Các nhà đầu tư cũng sẽ cẩn trọng chờ đợi mức tăng lãi suất của Fed trong cuộc họp ngày 21-22/03 sắp tới. Công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch của CME Group đang cho thấy hơn 80% ý kiến hướng về mức tăng 25 điểm cơ bản. Đây cũng là một mức hợp lý, vì nếu giữ nguyên lãi suất trong bối cảnh lạm phát lõi 5.5% vẫn đang cách xa mục tiêu 2% của Fed sẽ làm cho những quyết định trong kỳ họp sau trở nên phức tạp hơn. Mức tăng này cũng sẽ không gây ra bất ngờ cho thị trường, và trong điều kiện tình hình tài chính ổn định hơn, giá dầu sẽ được hỗ trợ.
Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)