Giá lúa mì tiếp tục đà tăng nhẹ khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay. Đây là mặt hàng nhận được lực mua yếu nhất sau loạt báo cáo cáo quan trọng hôm qua. Các số liệu phản ánh triển vọng cung cầu trái chiều nhau đã khiến cho giá chỉ giằng co thay vì bật tăng mạnh như ngô hay đậu tương. Trước báo cáo, lúa mì chịu nhiều sức ép hơn và mặc dù báo cáo tác động trung lập, thậm chí là giảm giá đối với lúa mì, nhưng thị trường đã phục hồi nhờ diễn biến chung của nhóm nông sản.
Trong báo cáo Cung – cầu tháng 1, các số liệu thế giới gần như không có nhiều điều chỉnh đáng kể. Xuất khẩu lúa mì niên vụ 22/23 của EU và Ukraine đều được dự báo sẽ tăng lên 0.5 triệu tấn so với báo cáo tháng 12. Mặc dù nguồn cung ở Australi và Nga được kì vọng sẽ nới lỏng nhưng USDA vẫn duy trì ước tính sản lượng của 2 quốc gia này.
Trong khi đó, bảng cơ cấu lúa mì ở Mỹ lại thắt chặt hơn một chút khi tồn kho bất ngờ sụt giảm xuống mức 567 triệu giạ từ mức 571 triệu giạ trong báo cáo trước thay vì gia tăng như dự đoán của thị trường. Nhu cầu tiêu thụ trong sản xuất thức ăn chăn nuôi là nguyên nhân chính lý giải cho mức cắt giảm trên của USDA. Báo cáo Grains Stock cũng cho thấy triển vọng nguồn cung lúa mì Mỹ thắt chặt hơn khi tồn kho tính đến ngày 1/12 ở Mỹ ước tính đạt mức 1.28 tỉ giạ, thấp hơn cả khoảng dự đoán và cũng là mức thấp nhất trong cùng kì kể từ năm 2007 cho tới nay. Đây là yếu tố vẫn giúp giá lúa mì duy trì được sắc xanh sau phiên hôm qua.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng thị trường lúa mì vẫn đang tiềm ẩn nhiều yếu tố “bearish” khi hoạt động xuất khẩu của Mỹ kém hơn do cạnh tranh từ nguồn cung giá rẻ ở Biển Đen sau khi thỏa thuận được nối lại vẫn chưa phản ánh vào giá. Bên cạnh đó, diện tích gieo trồng lúa mì vụ đông năm nay của Mỹ cũng tăng mạnh đối với cả 4 loại. Nếu như xuất khẩu của Mỹ vẫn tiếp tục không có cải thiện thì việc tồn kho thắt chặt sẽ không phải là yếu tố đủ mạnh để giúp giá hồi phục.
Các số liệu cung cầu đang tác động trái chiều và giá lúa mì khả năng sẽ biến động theo diễn biến chung của nhóm nông sản trong ngắn hạn. Theo đánh giá của chúng tôi, giá mặt hàng này có thể sẽ hồi phục nhẹ lên vùng 720 trong phiên hôm nay.
Thông tin cơ bản tiếp diễn theo hướng tác động “bearish”, giá Arabica khả năng cao sẽ trở lại đà giảm trong phiên hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/01, 2 mặt hàng cà phê đều bất ngờ bật tăng mạnh sau đà giảm liên tiếp trước đó nhờ hỗ trợ từ mặt kỹ thuật.
Sau nhịp điều chỉnh kỹ thuật trong phiên hôm qua, những thông tin cơ bản thiên hướng tác động “bearish” đến giá có thể sẽ trở lại dẫn dắt thị trường này. Theo đó, độ ẩm tốt cộng với mưa vẫn được dự đoán sẽ xuất hiện tại Minas Gerais trong thời gian tới nhưng với lượng nước mưa ít hơn. Điều này giúp độ ẩm của đất tiếp tục được duy trì ở trạng thái tốt, thúc đẩy sự phát triển của cây cà phê đang trong giai đoạn phát triển của quốc gia này và gây sức ép đến giá.
Theo báo cáo tồn kho đạt chuẩn Arabica của ICE, tình đến ngày 12/01 còn 155,445 bao loại 60kg đang chờ phân loại để tiếp ứng vào các kho lưu trữ của Sở. Tuy nhiên, thông qua số bao được thông qua với số bao đã được phân loại có thể thấy tỷ lệ nay đang ở mức rất thấp. Điều này cũng đưa đến 1 lo ngại, tồn kho đạt chuẩn Arabica trên Sở ICE US sẽ không còn duy trì được đà tăng cũng như mức tăng sẽ khá yếu nên không thể là yếu tố tiếp tục gây áp lực lên giá mặt hàng này.
Thông tin cơ bản diễn biến trái chiều, giá đồng dự báo giằng co trong biên độ hẹp
Đồng mở cửa phiên ngày 13/01 với lực mua tích cực, tuy nhiên, lực bán dần áp đảo vào giữa buổi sáng khi dữ liệu thương mại của Trung Quốc được công bố cho thấy sự sụt giảm mạnh.
Theo báo cáo mới đây của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, cả hoạt động xuất khẩu lẫn nhập khẩu tháng 12 đều suy yếu do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Theo thống kê, nhập khẩu đồng trong tháng 12 đạt 514,048 tấn, giảm so với mức 539,901 tấn của tháng 11. So với cùng kỳ năm 2021, sản lượng nhập khẩu đồng giảm 12.7%, mức giảm lớn nhất trong 14 tháng. Điều này khiến nhà đầu tư lo ngại nhu cầu suy yếu trong ngắn hạn, trước khi phục hồi trở lại trong vài tháng tới. Theo nghiên cứu của Fitch Solutions dự báo mức tiêu thụ đồng năm 2023 của Trung Quốc sẽ tăng 4.4% lên 14.81 triệu tấn, mức cao nhất trong 5 năm qua, và sẽ tiếp tục tăng lên 19.21 triệu tấn vào năm 2030.
Trái lại, yếu tố vĩ mô và yếu tố nguồn cung lại ủng hộ cho giá đồng tăng. Lạm phát Mỹ hạ nhiệt phù hợp với dự báo của thị trường làm tăng thêm niềm lạc quan Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nhẹ tay thắt chặt tiền tệ, khiến đồng USD tiếp tục suy yếu. Sự suy yếu của đồng USD hỗ trợ lực mua đồng tăng lên do chi phí mua giảm.
Đồng thời, tại Peru, quốc gia sản xuất đồng lớn thứ hai trên thế giới, liên tục gặp biểu tình, tình trạng ổn chính trị diễn ra tồi tệ nhất trong nhiều năm. Hôm nay, mỏ đồng Antapaccay của Glencore, một trong những mỏ đồng lớn nhất ở Peru đã bị tấn công bởi đoàn người biểu tình, khiến hoạt động sản xuất gặp gián đoạn và 2,000 công nhận phải sơ tán. Lo ngại nguồn cung gián đoạn tại Peru sẽ hỗ trợ cho giá đồng tăng.
Đà tăng của giá dầu có thể được duy trì khi đồng USD tiếp tục lao dốc
Giá dầu tiếp tục giằng co xung quanh mức tham chiếu trong sáng nay, khi thị trường đón nhận các tin tức xuất nhập khẩu của Trung Quốc.
Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 12 giảm 9.9% khi nhu cầu toàn cầu tiếp tục giảm, ngay cả khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã rục rịch cho chiến dịch mở cửa trở lại. Trong cả năm 2022, xuất khẩu tăng 7% lên mức kỷ lục 3,600 tỷ USD. Đối với sản phẩm dầu thô, nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm năm thứ 2 liên tiếp, do các biện pháp kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt của nước này đã cản trở tăng trưởng kinh tế và nhu cầu nhiên liệu. Nhập khẩu trong cả năm đạt tổng cộng 508.28 triệu tấn, tương đương 10.17 triệu thùng/ngày, thấp hơn 0.9% so với năm 2021.
Nhập khẩu chậm lại trong phần lớn thời gian nhưng sau đó đã bắt đầu phục hồi vào tháng 10 khi Bắc Kinh chuyển sang hỗ trợ ngành bằng cách thúc đẩy mạnh xuất khẩu nhiên liệu. Chính phủ Trung Quốc đã cấp thêm hạn ngạch xuất khẩu cho các công ty lọc dầu, và động thái này đang là một tín hiệu tích cực với thị trường bởi tiêu thụ đang được cải thiện.
Một yếu tố khác cũng đang tạo động lực rất tốt cho thị trường dầu là sự suy yếu của đồng USD. Với việc lạm phát Mỹ đang hạ nhiệt trong các tháng gần đây, Fed có thể giảm tốc độ tăng lãi suất và giảm bớt sức ép lên nền kinh tế Mỹ nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung. Nguy cơ suy thoái giảm có thể khiến cho triển vọng tiêu thụ của thị trường dầu ngày càng sáng sủa hơn.
Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)