• NÔNG SẢN
Tâm lý bán tháo bao trùm lên toàn bộ thị trường tài chính trong phiên giao dịch trở lại sau kì nghỉ lễ quốc khánh. Các mặt hàng nông sản cũng không nằm ngoài xu hướng này khi đồng loạt tạo gap down lúc mở cửa và tiếp tục giảm mạnh trong phiên.
Đậu tương đóng cửa giảm rất mạnh 6.72% xuống 1305.00 cent/giạ. Thời tiết thuận lợi hơn so với dự đoán trước đó tại Midwest khiến cho các quỹ đầu cơ đồng loạt bán tháo ngay khi thị trường mở cửa trở lại. Bên cạnh đấy, mức giảm kịch sàn của giá ngô và sau đó là giá dầu đậu tương cũng khiến lực bán duy trì mạnh đến cuối phiên. Mặc dù giao hàng đậu tương Mỹ tuần vừa rồi đã tăng trở lại trong báo cáo Export Inspections, cùng với các lo ngại về biểu tình tại Argentina, nhưng việc USDA chi nhánh Brazil nâng dự báo sản lượng đậu tương của nước này trong niên vụ 20/21 lên mức kỷ lục 137 triệu tấn, đã cân bằng lại các yếu tố hỗ trợ trên.
Khô đậu tương cũng giảm rất mạnh 6.67% theo đà giảm cúa giá đậu tương, trong khi dầu đậu tương giảm kịch sàn 3.5 cents về mức 58.78 cent/pound. Giá dầu cọ Malaysia giảm gần 1%, kết thúc chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp trước đó, kết hợp với việc giá dầu thô quay đầu giảm mạnh do các lo ngại về dịch bệnh, khi biến thể Delta đang có xu hướng lan rộng, là các yếu tố chính gây sức ép lên giá dầu đậu tương.
Đáng chú ý nhất hôm qua vẫn là diễn biến của giá ngô khi chỉ vừa bước vào phiên giao dịch vài phút, tất cả các hợp đồng kỳ hạn của ngô đã giảm xuống mức kịch sàn và xoá sạch mức tăng vọt trước đó khi USDA công bố báo cáo diện tích cây trồng. Thời tiết mát mẻ với độ ẩm được cải thiện đáng kể ở Midwest trong kì nghỉ lễ và dự báo vẫn tiếp tục đến cuối tuần này vẫn là yếu tố chính lý giải cho đà giảm mạnh của ngô. Chất lượng cây trồng được kỳ vọng sẽ tăng lên sau vài tuần gần đây liên tục kém đi đã tạo áp lực lớn lên giá bất chấp số liệu xuất khẩu của Mỹ trong báo cáo mới nhất đã tăng trở lại. Sau những con số đáng thất vọng của tuần trước, tốc độ giao hàng đã quay lại và đạt 1,2 triệu tấn.
Giá lúa mì chỉ vừa bước vào phiên cũng đã bay hơi gần 15 cents trước áp lực bán tháo và đóng cửa giảm rất mạnh hơn 4%. Trong phiên, có thời điểm giá lúa mì đã test lại mức mức hỗ trợ 617 lần thứ 3 nhưng lực cầu ở vùng này đã hạn chế đà giảm. Mưa cũng vẫn là yếu tố giúp giảm bớt lo ngại về nguồn cung và tạo áp lực lên giá bên cạnh xu hướng chung của thị trường. Mức giao hàng lúa mì Mỹ trong tuần kết thúc ngày 1/7 đạt 258,438 nghìn tấn, giảm nhẹ so với tuần trước và tiến độ cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
• NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá hai mặt hàng Cà phê đóng cửa với sắc đỏ, khi các nhà đầu tư Mỹ quay lại thị trường sau kì nghỉ lễ. Giá Robusta giảm mạnh 3.23% về 148.1 cents/pound, giá Robusta cũng giảm 0.5% về 1679 USD/tấn. Đồng USD tăng mạnh gây sức ép rất lớn lên thị trường Cà phê. Giá Arabica tăng nhẹ vào đầu phiên nhưng rồi các nhà đầu tư đồng loạt bán dưới áp lực từ đà giảm của toàn bộ thị trường hàng hóa. Đối với thị trường Cà phê Robusta, giá vẫn giằng co mạnh trong phiên và tiếp tục tích lũy đi ngang, nhưng phe mua thất thế trong việc đưa giá đóng cửa tăng so với phiên trước đó.
Giá đường giảm mạnh 1.54% theo đà giảm của giá dầu thô. Trong khi đó giá cacao cũng giảm gần 1% do sự mạnh lên của đồng Dollar.
• KIM LOẠI
Thị trường kim loại cũng chứng kiến một màn giằng co về giá khi mà hầu hết giá của các mặt hàng trong nhóm đều biến động mạnh rồi giảm trong phiên hôm qua. Giá Bạc giảm 1.23% về 26.17 USD/ounce, giá Bạch kim giảm nhẹ 0.34% còn 1084 USD/ounce. Suốt cả phiên sáng, phe mua nỗ lực đưa giá cả hai mặt hàng kim loại quý tăng, tuy nhiên, khi phiên Mỹ mở cửa, giá quay đầu giảm cùng với thị trường chứng khoán và các mặt hàng khác. Cuối phiên phe bán vẫn thắng thế do đồng USD tăng mạnh.
Ở thị trường kim loại cơ bản, giá Đồng cũng có diễn biến tương tự như nhóm kim loại quý. Giá biến động rất mạnh trong phiên thậm chí đã có lúc thoát khỏi xu thế đi ngang nhưng vẫn đóng cửa giảm 0.58% về 9371.84 USD/tấn. Trái lại, giá Quặng sắt duy trì được sắc xanh khi các hoạt động sản xuất thép ở Đường Sơn được khôi phục trở lạị khiến cho giá thép tăng.
• NĂNG LƯỢNG
Ngày hôm qua, thị trường hàng hóa nói chung và thị trường dầu thô đồng loạt giảm khi tâm lý bất ổn lan rộng từ thị trường chứng khoán. Kết thúc phiên giao dịch, giá Brent giảm mạnh 3.41% xuống 74.53 USD/thùng trong khi giá WTI giảm 2.38% xuống 73.37 USD/thùng.
Giá vẫn tăng trong phiên buổi sáng, tuy nhiên đã quay đầu giảm vào buổi chiều khi chứng khoán Mỹ và châu Á đi xuống. Thị trường dầu hiện tại vẫn còn nhiều bất ổn khi cuộc họp của OPEC+ chưa được nối lại, do đó dễ chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài và rơi vào tình trạng biến động mạnh. Trong khi đó, lo ngại về dịch COVID-19 vẫn còn khi biến thể Delta lan rộng trên thế giới, khiến cho một số nước áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế di chuyển và phong tỏa từng phần. Dollar Index tăng mạnh 0.36% cũng gây sức ép lên giá các mặt hàng định giá bằng đồng bạc xanh như dầu thô.
Giá khí tự nhiên tiếp tục giảm sau khi không phá thành công kháng cự tại 3.8 USD/MMBtu. Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, khí tự nhiên giảm 1.7% xuống 3.64 USD/MMBtu.
Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)