menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp diễn biến thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 11/10/2021

09:31 12/10/2021

Giá dầu tiếp tục tăng trước lo ngại về nguồn cung, khí tự nhiên giảm với kỳ vọng thời tiết ấm lên.
NÔNG SẢN
Giá đậu tương giảm mạnh phản ánh dự đoán của thị trường trước báo cáo. Trong đó, mức tồn kho đậu tương cuối niên vụ 21/22 được dự đoán khoảng 300 triệu giạ, cao hơn nhiều so với mức 185 triệu giạ trong báo cáo tháng 9 là yếu tố chính tạo sức ép lên giá.
Giá dầu đậu tương giảm mạnh 1.56% khi không còn nhận được sự hỗ trợ từ giá các mặt hàng dầu thực vật như dầu cọ, bất chấp đà tăng không nghỉ của giá dầu thô. Mặc dù được hỗ trợ từ diễn biến trái chiều với dầu đậu, tuy nhiên tác động tiêu cực từ giá đậu tương khiến khô đậu cũng phải giảm nhẹ 0.53% khi đóng cửa.

Ngô là một trong những mặt hàng nông sản giữ được sắc xanh. Hãng tin StoneX đã dự báo sản lượng ethanol làm từ ngô của Brazil sẽ tăng từ mức 3.5 tỷ lít trong niên vụ 21/22 lên mức 3.9 tỷ lít trong niên vụ 22/23. Nhu cầu tiêu thụ ngô trong ngành công nghiệp ethanol là yếu tố “bullish" với giá trong phiên hôm qua.

Lúa mì tiếp tục suy yếu và nối dài chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp. Đà giảm hôm qua chủ yếu đến từ lực bán chung trên thị trường nông sản. Mức biến động nhẹ cùng với thanh khoản thấp hơn cho thấy thị trường đang thận trọng hơn ngay trước phiên công bố báo cáo quan trọng, khiến cho lực mua yếu hơn và tạo áp lực nhẹ lên giá bất chấp các thông tin cơ bản đều thiên về tác động “bullish”.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá Robusta giảm gần 1% còn 2099 USD/tấn, sắc xanh vẫn duy trì ở thị trường cà phê Arabica khi giá đóng cửa tăng 1.44% lên 204.3 cents/pound. Cả hai mặt hàng cà phê đều mở cửa phiên thấp hơn mức đóng cửa của phiên thứ 6, nhưng giá Robusta rớt khỏi khu vực đi ngang và giảm về dưới mức hỗ trợ 2100 USD, giá Arabica lội ngược dòng vào cuối phiên trước những lo ngại về nguồn cung ở Colombia. Các nhà xuất khẩu cà phê ở nước này đang phải “tranh giành” để sở hữu những bao cà phê bởi nông dân trồng cà phê đang giữ lại hơn 1 triệu bao sau khi thấy giá cà phê tăng lên quá cao để đẩy giá lên cao hơn nữa.
Giá bông bước vào chu kỳ giảm điều chỉnh với mức đóng cửa thấp hơn gần 1% còn 109.8 cents/pound sau chuỗi thời gian tăng nóng vừa qua.
Điểm sáng của nhóm nguyên liệu công nghiệp trong phiên hôm qua thuộc về thị trường đường bởi cả hai mặt hàng đều đóng cửa với sắc xanh. Giá đường 11 tăng 0.2% lên 20.33 cents, nhưng trong phiên đã có lúc giá tăng lên 20.61 cents, mức cao nhất kể từ năm 2017. Giá đường trắng cũng tăng 0.4% lên 521.9 USD/tấn. Đà tăng của cả hai mặt hàng đường trong phiên hôm qua được hưởng lợi từ đà tăng của dầu thô, khi mà cuộc khủng hoảng năng lượng đang bao trùm các nền kinh tế lớn và không có dấu hiệu hạ nhiệt.

KIM LOẠI
Chỉ số Dollar Index tăng trở lại mức 94.4 điểm. Dòng tiền thoát ra khỏi thị trường chứng khoán Mỹ khiến cho tính thanh khoản mạnh của đồng USD phát huy. Bên cạnh đó, sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường tiền điện tử khiến cho sức hấp dẫn của bạc và bạch kim cũng giảm mạnh. Mức lợi suất trái phiếu chính phủ tăng vọt lên 1.62%, phản ánh dòng tiền đang rời khỏi các thị trường trú ẩn an toàn. Do đó, lực bán trong phiên hôm qua trên cả thị trường bạc và bạch kim đều áp đảo, khiế cho giá bạc giảm 0.18% còn 22.67 USD/ounce, giá bạch kim giảm mạnh hơn 2% còn 1007 USD/ounce.
Trái với hai mặt hàng kim loại quý, sắc xanh vẫn duy trì trên bảng giá của các mặt hàng kim loại cơ bản. Giá đồng tiếp tục tăng hơn 2% lên 4.36 USD/pound. Giá đồng vẫn được giới đầu tư kỳ vọng sẽ có sự phục hồi ngoạn mục sau khi nền kinh tế quay trở lại với tốc độ tăng trưởng bình thường.
Giá quặng sắt dẫn đầu đà tăng của nhóm kim loại cơ bản khi đóng cửa tăng gần 9% lên 135.44 USD/tấn. Từ khi chạm mức đáy 98 USD giá quặng sắt đã hồi phục rất tốt, khi mà cuộc khủng hoảng năng lượng đang khiến cho các nhà đầu tư lo ngại về sự tăng giá của các mặt hàng nguyên liệu thô. Giá nhôm cũng tăng lên mức cao nhất từ năm 2008 lên 3064 USD/tấn, do nguồn cung bị thắt chặt vì thiếu hụt điện ở các nhà máy sản xuất.

NĂNG LƯỢNG
Giá WTI tăng 1.47% lên 80.52 USD/thùng, giá Brent tăng 1.53% lên 83.65 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên giá dầu thô WTI vượt qua mốc 80 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014.
Đà tăng của dầu gần kéo dài 3 phiên liên tiếp, thúc đẩy giá WTI bước vào vùng 80 USD/thùng cùng với giá Brent. Thị trường kỳ vọng tốc độ phát triển của nền kinh tế kết hợp với tiêu thụ năng lượng trong mùa đông sẽ kéo theo tiêu thụ dầu tăng cao, trong khi nguồn cung không theo kịp và dẫn đến tình trạng thiếu hụt, đẩy giá lên cao.
Mặc dù giá dầu thô đã đạt đỉnh 7 năm và tăng gần 60% so với đầu năm, nhưng vùng giá hiện tại sẽ chưa khiến cho nhu cầu sụt giảm, đặc biệt khi mức tăng của giá dầu vẫn đang thấp hơn đáng kể so với các mặt hàng cùng nhóm: Giá than tại Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi, trong khi giá khí tự nhiên tăng gần 6 lần tại thị trường châu Âu và châu Á. Do đó, một số nhà phân tích kỳ vọng giá sẽ tiếp tục tiến đến vùng 90 USD/thùng.
Giá khí tự giảm 3.64% xuống 5.502 USD/MMBTu. Thời tiết ấm hơn cùng với tồn kho gia tăng trong thời gian gần đây khiến cho giá tại Mỹ giảm bất chấp đà tăng tại thị trường châu Âu.

Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV

Link gốc