menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp diễn biến thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 14/3/2022

08:50 15/03/2022

Dòng tiền rời khỏi thị trường trú ẩn an toàn khiến cho giá bạc và bạch kim đồng loạt giảm mạnh.
NÔNG SẢN
Đáng chú ý nhất là mức giảm mạnh lên đến gần 3% của giá dầu đậu tương. Mặc dù toàn bộ nhóm đậu tương đều gapup ngay đầu phiên sáng, do tác động từ thông tin chính phủ Argentina ngừng cấp phép cho các đơn hàng xuất khẩu khô đậu và dầu đậu sau ngày 14/03. Tuy nhiên, việc giá dầu thô và dầu cọ đồng loạt giảm mạnh đã tác động tiêu cực đến diễn biến của giá dầu đậu.
Trong khi đó, giá đậu tương đóng cửa chỉ giảm nhẹ 0.33% khi các yếu tố cơ bản vẫn chưa có thay đổi nào đáng chú ý. Diễn biến trái chiều giữa khô đậu và dầu đậu mỗi khi đậu tương đi ngang, cùng lo ngại về nguồn cung thiếu hụt từ Argentina đã khiến giá khô đậu tăng mạnh 1.51% lên mức 484.3 USD/tấn Mỹ, cao nhất kể từ 2014 đến nay.
Ngô cũng giảm mạnh gần 2% trong phiên hôm qua, bất chấp việc Bộ Nông nghiệp Mỹ báo cáo về đơn hàng 159,000 tấn bán cho Mexico. Giao hàng ngô trong tuần kết thúc ngày 10/03 bất ngờ giảm mạnh gần 30% so với tuần trước đó, đã khiến lực bán áp đảo đến tận cuối phiên.
Lúa mì cũng chịu áp lực tương tự với giá ngô, khi giao hàng lúa mì của Mỹ thấp hơn dự đoán và cũng giảm 30% so với tuần trước đó, tuy nhiên, việc chính phủ Nga có kế hoạch ngưng xuất khẩu lúa mì đến hết tháng 06, đã khiến giá phục hồi mạnh trong đầu phiên tối. Đóng cửa, giá lúa mì Chicago giảm gần 1% về 1096.25 cents/giạ trong khi giá lúa mì Kansas tăng 1%, lên mức 1100 cents/giạ.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 1.42% xuống còn 218.8 cents/pound, là mức thấp nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây. Trong khi đó, hợp đồng Robusta cùng kỳ hạn là điểm sáng của toàn thị trường với mức tăng 0.95%, giá đóng cửa đạt 2115 USD/tấn.
Đối với mặt hàng cà phê Arabica, sự suy yếu trong nhu cầu tiêu thụ vẫn đang là yếu tố chính chi phối giá trong những phiên gần đây. Bên cạnh đó, nguồn cung Arabica đang đón nhận nhiều tín hiệu tích cực với tồn kho trên Sở ICE tiếp tục duy trì ở mức trên 1 triệu bao. Giá Robusta tiếp tục duy trì được đà tăng nhờ yếu tố hỗ trợ về nguồn cung, trong đó tỉnh Lampung của Indonesia đã xuất khẩu hơn 9 nghìn tấn hạt cà phê trong tháng 2, thấp hơn 54.2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá đường 11 đóng cửa giảm 0.57% xuống còn 19.13 cents/pound, giá đường trắng giảm nhẹ khoảng 0.1%, giá đóng cửa ở mức 529.8 USD/tấn. Giá dầu thô liên tiếp giảm từ mức đỉnh đã khiến giá đường dần hạ nhiệt.
Giá cacao giảm nhẹ 0.34% xuống còn 2611 USD/tấn. Lượng cacao cập cảng của quốc gia sản xuất cacao lớn nhất Bờ Biển Ngà từ ngày 01/10 đến 13/03 đã tăng 1.4% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 1.6 triệu tấn.

KIM LOẠI
Hai mặt hàng kim loại quý là bạc và bạch kim đồng loạt giảm 3.3% về lần lượt là 25.3 USD và 1052.3 USD/ounce. Bên cạnh đó, giá vàng cũng giảm gần 2% về 1951 USD/ounce. Những căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine không còn hỗ trợ nhiều cho giá các mặt hàng kim loại quý, bởi những lo ngại về nội dung cuộc họp vào hai ngày 15, 16 của Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang lại gây sức ép lên giá của các mặt hàng. Áp lực lạm phát cao càng củng cố cho khả năng FED sẽ tăng lãi suất, và rất có thể sẽ nhiều hơn mức 0.25% sẽ làm cho đồng USD mạnh lên và gây sức ép lên các mặt hàng kim loại quý.
Nhóm kim loại cơ bản cũng không tránh khỏi sức ép bán mạnh. Giá đồng giảm hơn 2% về 4.52 USD/pound, còn giá quặng sắt cũng giảm gần 6.6% về 147.3 USD/tấn. Cuộc khủng hoảng thanh khoản của các công ty bất động sản Trung Quốc vốn đã là một yếu tố kìm hãm sức mua đối với cả hai mặt hàng kim loại trên, thì nay thị trường đồng và quặng sắt lại tiếp tục đón nhận những tin tức tiêu cực xoay quanh tình hình dịch bệnh ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

NĂNG LƯỢNG
Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm 5.78% xuống 103.01 USD/thùng, giá Brent giảm 5.12% xuống 106.9 USD/thùng.
Tiến trình mới từ cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine gây áp lực cho giá từ phiên sáng. Áp lực tài chính từ một loạt các lệnh cấm vận của phương Tây lên nền kinh tế Nga có thể khiến cho nước này phải tìm cách chấm dứt chiến dịch quân sự tại Ukraine. Thông tin cho biết phía Nga đang tìm kiếm sự hỗ trợ của Trung Quốc cũng buộc Mỹ đối thoại với Trung Quốc về tình hình Ukraine, lần đầu tiên kể từ khi xung đột chính thức nổ ra. Khác với các cuộc họp trước, lần này các bên có vẻ đang thực sự hướng đến một cam kết có ý nghĩa. Hành lang nhân đạo đã đi vào hoạt động, và các bên sẽ kéo dài vòng đàm phán đến ngày hôm nay, với kỳ vọng tạo ra cơ hội để Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky gặp mặt. Trong khi đó, sau 7 tiếng đối thoại, Mỹ cho biết đã cảnh báo Trung Quốc về các hậu quả nếu trợ giúp Nga, đồng thời cân nhắc các biện pháp đối phó. Trước mắt, Nga bác bỏ thông tin này, cho biết có đủ nguồn lực riêng, còn Trung Quốc cho rằng đây chỉ là “thông tin sai lệch”.
Ngày hôm nay, thị trường sẽ chờ đợi báo cáo của OPEC để có thêm góc nhìn mới, đặc biệt do báo cáo lần này nhiều khả năng sẽ cập nhật quan điểm của nhóm về xung đột Nga – Ukraine lên thị trường dầu.

Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV

Link gốc