menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp diễn biến thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 22/9/2021

09:01 23/09/2021

Ngô và lúa mì hồi phục mạnh mẽ, kết thúc chuỗi giảm giá liên tiếp từ cuối tuần trước.
NÔNG SẢN
Giá đậu tương tăng lên trong phiên sáng nhưng bất ngờ giảm mạnh khi chỉ vừa bước vào phiên tối rồi nhanh chóng hồi phục. Tốc độ bán hàng chậm hơn của nông dân Argentina do đồng nội tệ tăng giá giúp đậu tương CBOT cạnh tranh hơn và hỗ trợ giá hồi phục trở lại.
Dầu đậu tăng mạnh gần 2% nhờ ảnh hưởng tích cực từ mức tăng của giá dầu cọ và diễn biến tăng mạnh của thị trường dầu thô. Bên cạnh đó, ép dầu đậu tương tại Argentina trong tháng 8 giảm xuống là yếu tố tác động “bullish” tới giá dầu đậu tương CBOT, qua đó gây sức ép lên giá khô đậu tương và khiến mặt hàng này đóng cửa không thay đổi, nhưng trong phiên lực mua vẫn chiếm ưu thế hơn.
Giá ngô tăng mạnh sau 4 phiên giảm liên tiếp. Tồn kho ethanol bất ngờ tăng lên đã khiến giá ngô đã giảm nhẹ ngay sau khi báo cáo của EIA được công bố. Tuy nhiên, đà tăng mạnh của giá lúa mì kết hợp với lực mua kỹ thuật sau khi giá ngô vượt lên mức kháng cự 520 đã giá ngô giữ được xu hướng đi lên cho đến tận cuối phiên.
Lúa mì là mặt hàng có mức tăng mạnh nhất trong nhóm nông sản. Thời tiết đang ở mức tồi tệ nhất trong vòng một thế kỷ ở khu vực gieo trồng lúa mì vụ đông của Mỹ và nhu cầu cao từ các nước nhập khẩu là yếu tố chính giúp cho giá bứt phá vượt lên mốc kháng cự tâm lí 700.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá Arabica tiếp tục tăng nhẹ 0.82% lên 184.85 cents/pound. Trái lại, giá Robusta giảm 0.83% về 2142 USD/tấn, kết thúc chuỗi tăng giá 8 phiên liên tiếp. Giá Arabica được hưởng lợi từ tâm lý hưng phấn của các nhà đầu tư khiến cho dòng tiền quay trở lại với thị trường hàng hóa. Bên cạnh đó, tác động từ báo cáo của Cơ quan Cung ứng Lương thực Brazil (CONAB) đã bắt đầu phản ánh lên giá đối với cả hai mặt hàng cà phê. Lực mua chiếm ưu thế trên thị trường Arabica nhờ vào những lo ngại về nguồn cung ở Brazil khi sản lượng năm nay bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán và sương giá. Trái lại, đà giảm của Robusta không gây bất ngờ đối với thị trường khi phe mua đã liên tục suy yếu từ đầu tuần. Đồng thời, giá Robusta cũng cần có một đợt giảm điều chỉnh để củng cố cho đà tăng bền vững trong dài hạn của thị trường.
Hai mặt hàng đường tiếp tục duy trì đà tăng với đường trắng tăng 1.4% lên 508 USD/tấn, đường 11 tăng 1.9% lên 426.15 USD/tấn. Giá cacao cũng tăng 1.8% lên 2652 USD/tấn sau khi khảo sát của Reuters cho thấy thị trường cacao toàn cầu dự kiến sẽ chuyển từ trạng thái thặng dư 250,000 tấn sang thâm hụt 125,000 tấn do sản lượng của Ghana sụt giảm.

KIM LOẠI
Ở thị trường kim loại quý, giá bạc tăng 1.3% lên 22.9 USD/ounce, giá bạch kim tăng 5.3% lên 1001 USD/ounce. Đáng chú ý, chỉ trong vòng 2 phiên, giá bạch kim đã tăng 100 USD, tương đương với hơn 10%.
Bất chấp sự gia tăng của đồng USD, giá các mặt hàng kim loai quý vẫn hồi phục rất tích cực. Chỉ số Dollar Index tăng lên 93.46 điểm. Trong cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang diễn ra vào đêm qua, chủ tịch FED Jerome Powell cho biết các chính sách nới lỏng vẫn được duy trì để hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế, sau khi các số liệu kinh tế cho thấy sự lây lan của biến thể Delta đã làm chậm tốc độ tăng trưởng của Mỹ trong hai tháng vừa qua. Không như giá vàng, giá bạc và bạch kim vẫn duy trì được đà tăng, bởi cả hai mặt hàng đều trải qua nhiều đợt giảm mạnh khiến cho lực bắt đáy có phần mạnh hơn. Bên cạnh đó, ông Powell cũng cho biết nền kinh tế sẽ hồi phục rất nhanh cùng với các hoạt động sản xuất kinh doanh, đây cũng là thông tin tốt với nhu cầu tiêu thụ trong công nghiệp của bạc và bạch kim, hỗ trợ giá của cả hai mặt hàng đi lên.
Ở thị trường kim loại cơ bản, giá đồng tăng 3.05% lên 4.25 USD/pound, và giá quặng sắt tăng 15% lên 107.71 USD/tấn nhờ vào lực bắt đáy và các tin tức tích cực xoay quanh khủng hoảng nợ của Evergrande. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) bơm 120 tỉ NDT vào hệ thông ngân hàng của Trung Quốc trong ngắn hạn nhằm xoa dịu sự lo lắng của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tập đoàn Hengda, một đơn vị kinh doanh bất động sản của tập đoàn Evergrande thông báo sẽ thanh toán lãi phiếu trong nước đúng hạn vào ngày hôm nay cũng góp phần giúp cho giá hai mặt hàng kim loại cơ bản gia tăng mạnh mẽ.

NĂNG LƯỢNG
Giá dầu tăng mạnh trong phiên hôm qua, khi thị trường vượt qua lo ngại về khủng hoảng nợ tại Trung Quốc và tồn kho dầu giảm tuần thứ 7 liên tiếp. Kết thúc phiên giao dịch, WTI tăng 2.47% lên 72.23 USD/thùng, Brent tăng 2.47% lên 75.39 USD/thùng.
Theo báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA ngày hôm qua, tồn kho dầu trong tuần kết thúc 17/09 giảm mạnh 3.48 triệu thùng, cao hơn so với kỳ vọng của thị trường. Như vậy, hiện tồn kho dầu thô xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2018.
Giá dầu giữ được đà tăng bất chấp USD tăng mạnh 0.28% sau phát biểu của FED về khả năng cắt giảm các gói mua tài sản trong năm nay. Thị trường đang rất tập trung vào yếu tố cơ bản là cán cân cung-cầu thắt chặt hiện tại, với khả năng cao nhu cầu sử dụng sẽ tăng mạnh trong cuối năm nếu mùa đông năm nay lạnh hơn bình thường.
Hợp đồng khí tự nhiên kỳ hạn tháng 10 không đổi, ở mức 4.805 USD/MMBTu. Xăng RBOB tiếp tục tăng bất chấp tồn kho xăng tăng 3.4 triệu thùng, ngược với dự báo giảm của giới phân tích.

Nguồn:Vinanet/VITIC/Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Link gốc