menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp diễn biến thị trường tuần đến ngày 26/11/2021

09:22 29/11/2021

Giá cà phê tiếp tục vững vàng trên mức đỉnh 10 năm, giá đường giảm do ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường dầu thô.
NÔNG SẢN
Khô đậu tương là mặt hàng có mức biến động mạnh nhất nhóm nông sản khi đã giảm mạnh đến hơn 4%, chấm dứt chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp trước đó.
Hợp đồng ngô tháng 3 tiếp tục tiến sát mức kháng cự tâm lý gần 600 cents với mức tăng 2.56%. Bất chấp triển vọng mùa vụ thuận lợi tại Nam Mỹ và cam kết của các công ty phân bón Nga về việc sẽ cung cấp đầy đủ lượng phân bón cho Brazil, thông tin nông dân Argentina trì hoãn hoạt động ngô vụ mới cho tới giai đoạn hai đã làm gia tăng lo ngại thiếu hụt nguồn cung và giúp bên mua chiếm thế áp đảo.
Lúa mì Kansas đóng cửa với mức tăng mạnh 3.6% nhưng lúa mì Chicago lại mất đi hầu hết mức tăng trong phiên giao dịch sau kì nghỉ lễ và chốt phiên tăng nhẹ 0.7%.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá Arabica tăng 4.1% lên 242.95 cents/pound, giá Robusta cũng tăng gần 3% lên 2308 USD/tấn. Giá cà phê hiện vẫn đang ở mức cao nhất trong vòng một thập kỷ. Các lý do chính thúc đẩy đà tăng của thị trường cà phê vẫn là nguồn cung bị thắt chặt khi tiềm năng của vụ mùa 2021/22 bị giảm sút do ảnh hưởng của hạn hán và sương giá trong năm vừa qua.
Giá bông giảm gần 4% trong tuần vừa qua còn khoảng 111.8 cents/pound. Triển vọng xuất khẩu của thị trường bông trở nên thiếu khả quan khi mà đồng USD bật tăng mạnh mẽ và gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu nhập khẩu của các nước lớn như Trung Quốc.
Giá đường cũng đóng cửa trong sắc đỏ, với hợp đồng đường trắng tháng 3/2022 giảm hơn 3% còn 19.35 cents/pound, hợp đồng đường trắng cùng kỳ hạn giảm 2.2% còn 501.4 USD/tấn.

KIM LOẠI
Hai mặt hàng kim loại quý đồng loạt đóng cửa với mức sụt giảm mạnh. Giá bạc giảm 6.8% còn 23.1 USD/ounce, giá bạch kim giảm gần 7.9% còn 954.3 USD/ounce.
Đối với các mặt hàng kim loại cơ bản, giá đồng giảm gần 3% còn 4.28 USD/pound, giá nhôm cũng giảm 2.4% còn 2615 USD/tấn. Quặng sắt là một trong những mặt hàng hiếm hoi vẫn duy trì được sắc xanh trên bảng giá với mức đóng cửa tuần cao hơn gần 6% lên 96.23 USD/tấn.

NĂNG LƯỢNG
Giá WTI giảm 10.26% xuống 68.15 USD/thùng, giá Brent giảm 7.61% xuống 72.89 USD/thùng.
Lo ngại về các tác động của biến thể vi-rút COVID-19 mới đẩy thị trường vào trạng thái hoảng loạn và kích hoạt một loạt các lệnh bán ra. Theo một số nhà phân tích, khi mới chỉ có số ít các nhà đầu tư bám thị trường trong kỳ nghỉ lễ khiến cho vai trò của các thuật toán mạnh lên. Và khi giá dầu lần lượt rơi khỏi các mốc hỗ trợ mạnh, đặc biệt là đường giá trung bình 200 ngày, lực bán càng gia tăng mạnh.

Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV

Link gốc