menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng kết giá hàng hóa TG tuần tới 2/12: Giá nhiều mặt hàng khởi sắc

09:00 04/12/2022

Đồng USD giảm và Trung Quốc nới lỏng các biện pháp chống Covid-19 đã giúp thị trường hàng hóa tuần qua có xu hướng tăng giá.
 
Năng lượng: Giá dầu tăng tuần đầu tiên sau 3 tuần giảm
Giá dầu thế giới giảm trong phiên cuối tuần, nhưng tính chung cả tuần tăng tuần đầu tiên trong vòng 4 tuần.
Phiên thứ Sáu (2/12), giá dầu giảm 1,5% trước thềm cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (còn gọi là OPEC+) vào Chủ nhật (4/12) cùng lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu thô của Nga vào thứ Hai (5/12).
Kết thúc phiên này, giá dầu thô Brent giảm 1,31 USD tương đương 1,5% xuống 85,57 USD/thùng, dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,24 USD tương đương 1,5% xuống 79,98 USD/thùng.
Dù giảm 1,5% trong phiên cuối tuần 2/12, giá dầu Brent và WTI vẫn lần lượt tăng khoảng 2,5% và 5% trong cả tuần qua, chấm dứt chuỗi giảm ba tuần liên tiếp.
Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và Australia cùng ngày 2/12 cho biết đã nhất trí về việc áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga ở mức 60 USD/thùng, dự kiến bắt đầu sớm nhất là từ ngày 5/12.
Hiện giới phân tích chưa thể xác định rõ tác động của việc áp trần giá riêng đối với dầu của Nga. Theo dự thảo thỏa thuận, các nước EU sẽ xem xét lại mức giá trần vào giữa tháng 1/2023 và sau đó là định kỳ 2 tháng 1 lần. Giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 45 ngày sẽ được áp dụng đối với những tàu nhận dầu của Nga trước ngày 5/12 và sẽ được giao tại điểm cuối trước ngày 19/1/2023.
Hai nguồn tin tại các nhà sản xuất lớn của Nga cho biết sản lượng dầu của Nga có thể giảm từ 500.000 đến 1 triệu thùng/ngày vào đầu năm 2023 do lệnh cấm nhập khẩu bằng đường biển của Liên minh châu Âu từ thứ Hai.
Sau động thái của G7 áp giá trần lên dầu nhập khẩu từ Nga, thị trường sẽ dành nhiều sự chú ý vào cuộc họp của OPEC+ vào Chủ nhật này. Nhiều nhà phân tích dự kiến OPEC+ sẽ duy trì sản lượng ổn định, trong bối cảnh không chắc chắn về việc lệnh cấm của EU đối với dầu thô của Nga bắt đầu từ ngày 5/12 sẽ ảnh hưởng đến thị trường ra sao.
Bà Barbara Lambrecht, nhà phân tích hàng hóa tại ngân hàng Commerzbank (Đức), cho biết trong một lưu ý rằng khi lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga của EU sớm có hiệu lực từ thứ Hai tuần sau, OPEC+ khó có khả năng thực hiện thêm bất kỳ biện pháp điều chỉnh sản lượng nào vào Chủ nhật này.
Đưa ra quan điểm tương tự, quản lý cấp cao Stephen Innes của công ty dịch vụ tài chính SPI Asset Management (Thụy Sỹ) cho hay còn quá sớm để OPEC+ thực hiện một đợt cắt giảm sản lượng khác. Vì chính đợt cắt giảm hiện tại vẫn đang dần được triển khai, đặc biệt khi Trung Quốc đã bắt đầu xoay trục chính sách kiểm soát dịch COVID-19 của nước này.
Một tín hiệu lạc quan cho thị trường năng lượng là các nguồn thạo tin cho hay Chính phủ Trung Quốc chuẩn bị công bố nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt trong vài ngày tới. Nếu thành hiện thực, đây sẽ là một sự thay đổi lớn trong chính sách ở thị trường tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, mặc dù giới phân tích cảnh báo vẫn sẽ cần thêm vài tháng nữa nền kinh tế này mới có thể mở cửa một cách đáng kể.
Trong khi OPEC+ được cho là sẽ vẫn tuân theo kế hoạch giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng mỗi ngày, một số nhà phân tích tin rằng giá dầu thô có thể giảm nếu khối này không cắt giảm thêm sản lượng.
Ông Phil Flynn, nhà phân tích tại công ty môi giới đầu tư Price Futures (Mỹ) cho biết giới giao dịch sẽ do dự trong việc bán bớt dầu, nếu ngày càng có nhiều tin đồn rằng OPEC có thể cố gắng gây sốc cho thị trường tại cuộc họp cuối tuần này.
Nhà phân tích Craig Erlam của công ty dịch vụ tài chính Oanda (Mỹ) nhận định dầu thô mang nhiều rủi ro hơn trong cuối tuần và có thể biến động cực lớn khi mở cửa vào tuần tới.
Kim loại quý: Giá vàng tăng tuần thứ 2 liên tiếp
Giá vàng phiên cuối tuần giảm từ mức cao nhất gần 4 tháng sau số liệu việc làm của Mỹ tăng mạnh làm dấy lên mối lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ tích cực.
Giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 1.794,96 USD/ounce, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 10/8/2022 (1.804,46 USD/ounce) lúc đầu phiên giao dịch; vàng kỳ hạn tháng 2/2023 trên sàn New York giảm 0,3% xuống 1.809,6 USD/ounce.
Tuy nhiên, tính chung cả tuần giá vàng tăng 2,2% và có tuần tăng thứ 2 liên tiếp do USD giảm sau bài phát biểu ôn hòa của Chủ tịch Fed Jerome Powell.
Số liệu cho thấy rằng các nhà tuyển dụng lao động tại Mỹ thuê nhiều công nhân hơn so với dự kiến trong tháng 11/2022 và tăng lương bất chấp lo ngại suy thoái kinh tế.
David Meger, giám đốc giao dịch kim loại của High Ridge, cho biết: “Với số lượng việc làm tại Mỹ tăng cao hơn nhiều so với dự kiến... điều chúng ta đang thấy là mối lo ngại rằng Fed có thể cần phải tiến xa hơn với các đợt tăng lãi suất dự kiến của họ”. "Bạn sẽ thấy áp lực đối với hầu hết các loại tài sản, không chỉ là kim loại quý."
Đồng thời, đồng USD tăng 0,1% so với các đồng tiền chủ chốt và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng.
Ngoài ra, Chủ tịch Fed Chicago Charles Evans đã tuyên bố tại một sự kiện rằng có thể "mức trần lãi suất sẽ cao hơn một chút, ngay cả khi chúng tôi có khả năng sẽ giảm" tốc độ tăng lãi suất từ mức 75 điểm cơ bản. Hiện tại, thị trường dự đoán mức trần lai
Vàng rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất của Mỹ, vì những điều này làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi không mang lại lợi suất.
Các kim loại quý khác cũng tăng giá trong tuần, với giá bạc giao ngay tăng 1,5% lên 23,11 USD/ounce, đạt mức cao nhất kể từ ngày 5 tháng 5; bạch kim giảm 2,6% xuống 1.014,25 USD và palladium giảm 2,1% xuống 1.901,25 USD.
Kim loại công nghiệp: Giá tăng do Trung Quốc nới lỏng các biện pháp chống Covid
Giá đồng trong phiên cuối tuần tăng lên mức cao nhất hơn 2 tuần sau khi nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới – Trung Quốc – nới lỏng các hạn chế Covid-19.
Theo đó, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 1,4% lên 8.455,5 USD/tấn – cao nhất kể từ ngày 15/11/2022. Tính chung cả tuần, giá đồng tăng 5,5%. Giá đồng kỳ hạn trên sàn Comex của Mỹ cùng phiên tăng 0,8% lên 3,85 USD/lb.
Trong số các kim loại khác, giá nhôm Ctăng 2,7% lên 2.551 USD/tấn, niken tăng 4,6% lên 28.865 USD, kẽm tăng 0,6% lên 3.096,50 USD, chì tăng 1,4% lên 2.203,50 USD và thiếc tăng 1,4% lên 23.650 USD.
Giá quặng sắt cũng tăng cũng do kỳ vọng Trung Quốc sẽ nới lỏng các hạn chế Covid-19 nghiêm ngặt sẽ thúc đẩy nhu cầu.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) tăng 2,2% lên 787,5 CNY/tấn. Tính chung cả tuần, giá quặng sắt tăng 5,2%. Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn Singapore tăng 2,7% lên 105,75 USD/tấn.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 0,6%, thép cuộn cán nóng tăng 0,8%, thép cuộn tăng 0,9% và thép không gỉ tăng 0,4%.
Nông sản: Giá ngô và lúa mì giảm nhẹ, các nông sản khác vững
Phiên giao dịch cuối tuần, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago, Mỹ (CBOT) giao dịch ngược chiều nhau, trong đó giá ngô và lúa mỳ giảm còn đậu tương tăng.
Giá lúa mì giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng, khi xuất khẩu hàng tuần của Mỹ ở mức khiêm tốn, khiến các nhà đầu tư chuyển tập trung sang cạnh tranh nguồn cung giá rẻ hơn từ Biển Đen. Trong khi đó, do hoạt động bán ra của các quỹ, giá ngô giao tháng 3/2023 đã giảm xuống dưới 6,535 USD/bushel, mức thấp nhất trong tháng 11 và giá lúa mỳ xuống gần mức thấp nhất của tháng Bảy là 7,30 USD/bushel.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì giảm 2,8% xuống 7,61 USD/bushel – thấp nhất kể từ ngày 19/8/2022. Giá ngô giảm 2,2% xuống 6,46-1/4 USD/bushel. Trong khi đó, giá đậu tương tăng 0,6% lên 14,38-1/2 USD/bushel.
Về nguồn cung, Cơ quan Thống kê Canada ước tính sản lượng lúa mỳ của nước này trong năm 2022 đạt 28,38 triệu tấn, giảm 200.000 tấn so với ước tính 28,58 triệu tấn hồi tháng Chín.
Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đã ban hành quy định đưa ra lộ trình chuyển tiếp để dầu hạt cải đủ điều kiện để đưa vào sản xuất dầu diesel sinh học, nhiên liệu máy bay và dầu sưởi trong quy trình xử lý bằng hydro.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn ICE giảm 0,6% xuống 19,48 US cent/lb, song vẫn cao hơn mức thấp nhất 2,5 tuần; đường trắng kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn London giảm 0,9% xuống 532,9 USD/tấn.
Về thị trường cà phê thế giới, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe-London đảo chiều giảm giảm trở lại khi USD tiếp tục suy yếu xuống ở mức thấp 5 tháng khiến nhà đầu tư dịch chuyển dòng vốn tìm kiếm các thị trường có mức lợi nhuận cao hơn làm hàng hóa thiếu vắng sức mua.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn ICE giảm 2% xuống 1,626 USD/lb. Trong phiên trước đó, giá cà phê giảm 2,4% từ mức cao nhất 4 tuần; cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn London giảm 0,1% xuống 1.888 USD/tấn.
Báo cáo Bảng lương Phi Nông nghiệp của Mỹ tháng 11/2023 đã công bố cho thấy có 263.000 việc làm được tạo ra, cao hơn kỳ vọng của thị trường, có thể khiến Fed tiếp tục duy trì mức lãi suất cao lâu hơn dự kiến, đã khiến chứng khoán đảo chiều, trong khi lo ngại rủi ro kinh tế khu vực Khu vực đồng euro (Eurozone) tiếp tục gây sức ép lên thị trường hàng hóa nói chung do lạm phát vẫn đang duy trì ở mức 2 con số. Nhà đầu tư bắt đầu chờ đợi cuộc họp tiếp theo của Fed trong tháng này.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm, theo xu hướng thị trường chứng khoán nội địa suy yếu, do đồng yen tăng mạnh gây áp lực giá, song giá cao su có tuần tăng, khi nước mua hàng đầu – Trung Quốc – nới lỏng một số hạn chế Covid-19.
Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2023 trên sàn Osaka giảm 1,1 JPY tương đương 0,5% xuống 216,7 JPY (1,6 USD)/kg. Tính chung cả tuần, giá cao su tăng 2,1%; cao su kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Thượng Hải tăng 20 CNY lên 12.950 CNY (1.837 USD)/tấn; cao su kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn Singapore tăng 1% lên 134,1 US cent/kg.
Giá hàng hóa thế giới

 

Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)

Tags: hàng hóa