menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng kết giá hàng hóa thế giới phiên 11/11: Giá đồng loạt khởi sắc

11:46 12/11/2021

Giá hàng hóa nguyên liệu hầu hết tăng trong phiên vừa qua, bất chấp USD tăng lên mức cao nhất trong 16 tháng so với đồng euro và các loại tiền tệ khác do đặt cược vào việc tăng lãi suất.
 
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng nhẹ mặc dù đồng USD tăng và mối lo ngại về sự gia tăng lạm phát tại Mỹ, do nhà đầu tư do kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu sau đại dịch sẽ tăng lên trong những tháng tới.
Kết thúc phiên, dầu Brent tăng 25 cent lên 81,59 USD/thùng, trong phiên có lúc giá giảm xuống 81,66 USD; dầu ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 23 cent đạt 82,87 USD, cũng bật lên khỏi mức thấp nhất trong phiên là 80,20 USD.
Giá dầu hồi phục vào cuối phiên bởi thị trường tin tưởng rằng nhu cầu dầu mỏ sau đại dịch sẽ còn tiếp tục tăng, đặc biệt trong những tháng tới. Giá dầu thô Brent đã tăng hơn 60% trong năm nay và đạt mức cao nhất trong ba năm là 86,70 USD vào ngày 25/10. Tuy nhiên, giá dầu dường như đang củng cố dưới mức 85 USD/thùng.
Jim Ritterbusch, Chủ tịch Ritterbusch and Associates LLC, nhận định rằng dầu có thể xác lập các mức cao mới trong tương lai, giữa bối cảnh diễn biến giao dịch các nguyên liệu cần thiết để dẫn dắt thị trường này vẫn còn khó nắm bắt.
Tuy nhiên, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ngày 11/11 đã hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2021, do sự giảm mạnh ở các nước tiêu thụ chính như Trung Quốc và Ấn Độ và ảnh hưởng của giá năng lượng tăng cao. OPEC dự báo nhu cầu dầu trong quý IV/2021 sẽ vào khoảng 99,49 triệu thùng/ngày, giảm 330.000 thùng/ngày so với dự báo đưa ra hồi tháng trước. OPEC cho rằng, mức tiêu thụ dầu thế giới sẽ vượt mốc 100 triệu thùng/ngày trong quý III/2022, chậm hơn 3 tháng so với dự báo hồi tháng trước. Nhóm viện dẫn rằng hướng đi không chắc chắn của nhu cầu tiêu thụ là lý do chính khiến họ không tăng nguồn cung dầu thô như lời kêu gọi của Mỹ.
Báo cáo của OPEC cho biết nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm hơn dự báo trong quý III do cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng và tác động của các biện pháp cứng rắn của Bắc Kinh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, đà phục hồi của Ấn Độ "sẽ vẫn bị thách thức bởi các tác động kéo dài của làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 gần đây".
Trước đó, ngày 10/11, dữ liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 10/2021 tăng 6,2% so cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng nhanh nhất trong 30 năm, chủ yếu do giá năng lượng leo thang. Kỳ vọng rằng dữ liệu sẽ thúc đẩy Mỹ nâng lãi suất đã đưa đồng USD tăng cao và khiến dầu Brent và dầu WTI lần lượt giảm 2,5% và 3,3%. Ngày 11/11, đồng USD tăng lên gần mức đỉnh 16 tháng so với đồng euro và các đồng tiền khác do kỳ vọng vào việc Fed nâng lãi suất.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng kết thúc phiên tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 tháng do dữ liệu giá tiêu dùng mạnh mẽ của Mỹ thúc đẩy nhà đầu tư đổ xô vào kim loại quý, vốn được coi là hàng rào chống lạm phát.
Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.861,39 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 12 tăng 0,8% lên 1.863,90 USD/ounce. Giá vàng tăng gần 2% trong phiên 10/11 và đạt mức cao nhất kể từ giữa tháng Sáu, sau khi số liệu cho thấy CPI tháng 10 của Mỹ tăng với tốc độ nhanh nhất trong 30 năm. Điều này cho thấy lạm phát có thể ở mức rất cao trong năm 2022.
Chiến lược gia thị trường cấp cao của công ty RJO Futures, Bob Haberkorn, cho biết: “Thị trường đang hoảng sợ với số liệu CPI tháng 10 tăng cao. Giới đầu tư xem vàng như một loại tài sản an toàn có thể chống lại rủi ro lạm phát”. Chuyên gia Haberkorn cho rằng các thông tin phiên trước đó tiếp tục hỗ trợ giá vàng tăng lên mức 1.900 USD/ounce, giữa bối cảnh thị trường không tin rằng lãi suất có thể tăng ngay vào thời điểm này.
Vàng đạt mức đỉnh mới trong vài phiên giao dịch vừa qua sau khi nhiều ngân hàng trung ương lớn trong tuần qua cho biết lãi suất sẽ vẫn ở mức thấp trong ngắn hạn, giữa bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì lập trường lạm phát là “tạm thời”.
Về các kim loại quý khác, giá bạc tăng 2,4% lên mức cao nhất kể từ ngày 6/8 là 25,21 USD/ounce; bạch kim giao ngay tăng 1,9% lên 1.087,35 USD/ounce; palladium tăng 2% lên 2.060,21 USD.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá các kim loại cơ bản nhìn chung tăng, ngoại trừ kẽm.
Giá đồng tăng trở lại sau khi Tập đoàn China Evergrande nặng nợ một lần nữa tránh được một vụ vỡ nợ, làm dấy lên hy vọng về sự hỗ trợ của chính phủ đối với lĩnh vực bất động sản - có thể giúp thúc đẩy nhu cầu kim loại đáng kể. Giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch Kim loại London (LME) kết thúc phiên này tăng 1,2% lên 9,643 USD/tấn, sau khi giảm 0,2% trong phiên liền trước.
Một số trái chủ của nhà phát triển bất động sản Evergrande đã nhận được khoản thanh toán lãi suất cho ba đợt trái phiếu trị giá hơn 148 triệu USD.
Lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng lớn trong tiêu thụ đồng và Trung Quốc là nước sử dụng kim loại này nhiều nhất thế giới. Xiao Fu, người phụ trách mảng chiến lược thị trường hàng hóa thuộc Bank of China International, cho biết: “Tất cả là nhằm duy trì sự ổn định”, và nói thêm rằng Chính phủ sẽ hành động để xoa dịu nỗi lo sợ thị trường bất động sản mà không nhất thiết phải đảo ngược chính sách hạn chế lĩnh vực bất động sản. Ông Fu cho rằng "sẽ có sự chuyển dịch từ bất động sản sang cơ sở hạ tầng vào cuối năm nay và nửa đầu năm sau, đây sẽ là một yếu tố hỗ trợ cho giá đồng. .
Nguồn cung khan hiếm đồng thấp cũng tiếp tục giữ giá mặt hàng này ở mức cao, theo đó lượng đồng lưu kho trên sàn London đã giảm hơn một nửa kể từ tháng 8.
Giá thiếc tại Thượng Hải tăng lên mức cao nhất hơn hai tuần bởi sự gián đoạn nguồn cung do Trung Quốc đóng cửa biên giới với Myanmar để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.
Hợp đồng thiếc giao tháng 12 được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 5,4% lên 289.370 nhân dân tệ (45.273,48 USD)/tấn, cao nhất kể từ ngày 25/10. Lượng thiếc lưu kho ở cả sàn LME và sàn Thượng Hải hiện đều ở mức gần thấp nhất trong nhiều năm. Trên sàn London, giá thiếc tăng 1,1% lên 37.680 USD/tấn.
Giá nhôm trên sàn LME phiên này tăng 3,1% lên 2.658,50 USD/tấn, chì tăng 1,1% lên 2,365 USD, nickel tăng 0,1% lên 19,765 USD, nhưng kẽm giảm 0,6% xuống 3.271,50 USD.
Giá sắt thép hồi phục mạnh trong phiên 11/11 sau khi công ty phát triển bất động sản China Evergrande Group đã thực hiện thanh toán các khoản tiền lãi cho các trái chủ, ngăn chặn tình trạng vỡ nợ - có thể gây bất ổn cho nền kinh tế Trung Quốc. Một số trái chủ của Evergrande đã nhận được khoản thanh toán lợi suất trái phiếu của công ty này.
Giá quặng sắt kỳ hạn giao tháng 1 trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên phiên này cũng tăng 6,8% lên 570,50 nhân dân tệ/tấn, thoát khỏi mức thấp nhất trong một năm chạm tới ở phiên Tư (10/11). Trên Sàn giao dịch Singapore, giá quặng sắt giao tháng 12 tăng 4,9% lên 92,20 USD/tấn.
Giá thép thanh vằn kỳ hạn giao tháng 1/2021 trên sàn Thượng Hải, tăng 7,4% lên 4.443 nhân dân tệ (695,13 USD)/tấn, trong phiên có lúc giá tăng kịch trần, thêm 8%. Giá thép cuộn cán nóng phiên này cũng tăng 8%. Tuy nhiên, giá thép không gỉ gần như không thay đổi.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì thế giới tiếp tục tăng mạnh. Lúa mì Mỹ đạt mức cao nhất trong gần 9 năm, trong khi lúa mì châu Âu đạt mức cao kỷ lục 13-1/2 năm, do lo ngại rằng nguồn cung lúa mì xuất khẩu trên toàn cầu có thể bị thắt chặt hơn nữa.
Kết thúc phiên giao dịch, giá lúa mì kỳ hạn tháng 12 trên sàn Chicago tăng 9-1/2 cent lên 8,12-1/2 USD/bushel, trước đó có thời điểm giá đạt 8,24-3/4 USD, cao nhất kể từ tháng 12 năm 2012.
Brazil đã hủy bỏ việc nhập khẩu bột mì từ Argentina - được làm bằng lúa mì biến đổi gen. Arlan Suderman, chuyên gia kinh tế hàng hóa thuộc StoneX, cho biết: "Brazil từ chối mua lúa mì Argentina) có thể đồng nghĩa với việc nhu cầu đối với lúa mì Mỹ sẽ tăng vọt, nếu họ sợ phản ứng dữ dội của người tiêu dùng", và "Cuối cùng thì lúa mì vẫn đến với người tiêu dùng. Quan trọng là người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận điều gì?"
Giá lúa mì xay xát kỳ hạn giao tháng 3/2022 trên Sàn Paris Euronext – hợp đồng giao dịch nhiều nhất - ngày 11/11 đạt 296,00 euro (339,39 USD)/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 9 năm 2007 và cao hơn mức kỷ lục 13,5 năm đạt được vào hôm thứ Tư (10/11), là 290 EUR/tấn.
Giá lúa mì ở Paris ở mức cao nhất trong 14 năm do Nga có kế hoạch hạn chế xuất khẩu lúa mì (có thể tăng thuế xuất khẩu lúa mì hoặc đặt ra hạn ngạch đối với xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2021) khiến cho nhu cầu trên thị trường quốc tế đối với lúa mì của Liên minh Châu Âu có thể sẽ gia tăng, trong bối cảnh nguồn cung lúa mì bị cạn kiệt do xuất khẩu nhiều trong thời gian qua và sản lượng ở một số nước giảm trong mùa Hè năm nay.
Chính phủ Nga năm nay đã đánh thuế xuất khẩu lúa mì để hạ nhiệt giá trên thị trường trong nước. Bất chấp điều đó, xuất khẩu lúa mì của nước này vẫn tăng mạnh. Mặc dù năm nay mất mùa, song dữ liệu thống kê cho thấy xuất khẩu lúa mì của EU vẫn tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Việc nhiều khách hàng tích cực mua lúa mì gần đây, trong đó có Saudi Arabia – mua hơn 1,2 triệu tấn lúa mì hôm 1/11, gây bất ngờ lớn cho thị trường - cũng góp phần đẩy giá tăng lên.
Đậu tương phiên này cũng tăng theo giá lúa mì, song ngô đi ngang và trong một phiên giao dịch không ổn định khi các nhà giao dịch cân nhắc việc mua hàng hóa trong bối cảnh USD mạnh lên và nhu cầu không chắc chắn từ phía khách hàng Trung Quốc. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 1 phiên này tăng 4-3/4 cent lên 12,21-1/2 USD/bushel trong khi ngô kỳ hạn tháng 12 ổn định ở mức 5,69-1/4 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3 tăng 2,7% lên 20,12 cent/lb, cao nhất trong vòng một tháng; đường trắng kỳ hạn giao tháng 12, hết hạn vào thứ Hai tới (15/11) kết thúc phiên cũng tăng 3% lên 522,80 USD/tấn. Kế hoạch của Ấn Độ về việc pha trộn 20% ethanol với xăng kể từ tháng 4 năm 2023 được dự đoán sẽ dẫn tới việc cắt giảm trợ cấp xuất khẩu đường, Bộ trưởng Dầu mỏ nước này, Tarun Kapoor cho biết hôm thứ Năm (11/11).
Giá cà phê robusta tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 10 năm, arabica cũng chạm mức cao nhất trong vòng một tháng do các yếu tố cơ bản đang diễn biến tích cực, đồng real Brazil mạnh lên và các chỉ số lạm phát cao thúc đẩy các quỹ tăng cường mua vào.
Giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 1 kết thúc phiên tăng 77 USD, tương đương 3,5%, lên 2.292 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 2.300 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 2 tháng 9 năm 2011; arabica giao tháng 3 phiên này cũng tăng 6,6 cent, tương đương 3,2%, lên 2,133 USD/lb, cao nhất trong vòng một tháng, một phần được thúc đẩy bởi đồng tiền của nhà sản xuất hàng đầu thế giới – Brazil - mạnh lên.
Giá cao su tăng trong phiên vừa qua do giảm bớt nỗi lo về việc công ty bất động sản Evergrandecó nguy cơ phá sản – điều có thể khiến nhu cầu cao su sụt giảm.
Kết thúc phiên, giá cao su kỳ hạn tháng 4 trên sàn Osaka tăng 3,5 yen, tương đương 1,6%, lên 223,7 yên (2,0 USD)/kg. Đồng yen giảm giá so với USD và giá cao su ở Thượng Hải tăng cũng góp phần đẩy giá cao su ở Nhật Bản tăng lên; cao su kỳ hạn tháng 1 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải phiên này cũng tăng 180 nhân dân tệ lên 14.145 nhân dân tệ (2.211 USD)/tấn.
Doanh số bán ô tô của Trung Quốc trong tháng 10 đã giảm trong tháng thứ sáu liên tiếp, giảm 9,4% so với một năm trước đó do tình trạng thiếu chất bán dẫn toàn cầu kéo dài làm gián đoạn sản xuất.
Giá hàng hóa thế giới

Nguồn:Vinanet/VITIC/Reuters, Bloomberg

Tags: hàng hóa