menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng kết giá hàng hóa thế giới phiên 13/1: Giá giảm trở lại

12:14 14/01/2022

Giá hàng hóa nguyên liệu nhìn chung đều giảm trong phiên vừa qua do nhà đầu tư bán chốt lời trong bối cảnh chưa chắc chắn về triển vọng kinh tế.
 
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm khi các nhà đầu tư bán chốt lời sau 2 phiên tăng trước đó giữa bối cảnh lo ngại về việc Mỹ tăng lãi suất nhanh chóng. Tuy nhiên, đà giảm được hạn chế bởi kỳ vọng kinh tế sẽ hồi phục mạnh mẽ, từ đó thúc đẩy nhu cầu dầu, trong khi nguồn cung trên thị trường bị thắt chặt.
Kết thúc phiên, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kỳ giảm 52 US cent, tương đương 0,6%, xuống 82,12 USD/thùng, sau khi tăng 5,6% trong hai ngày qua. Tương tự, dầu Brent cũng giảm 20 cent, tương đương 0,2% xuống 84,47 USD/thùng. Loại dầu này đã tăng 4,7% so với thứ Ba và thứ Tư.
John Kilduff, người đồng phụ trách Again Capital Management tại New York, cho biết, số liệu lạm phát giá sản xuất tháng 12/2021 của Mỹ hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao sẽ gây thêm áp lực lên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong việc kiềm chế lạm phát trong nền kinh tế. Điều đó có khả năng là lực cản đối với giá dầu thô và hỗ trợ đồng USD.
Chủ tịch Cục Dự trữ bang Chicago, Charles Evans, ngày 13/1 cho biết có thể cần phải tăng lãi suất bốn lần vào năm 2022 nếu lạm phát không được cải thiện đủ nhanh chóng, đồng thời cho biết thêm rằng vì lạm phát đã ở mức cao kéo dài nên Fed phải hành động nhanh hơn dự kiến.
Một số nhà đầu tư đã nghiên cứu kỹ số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố thứ Tư (12/1). Trong khi dự trữ dầu thô giảm nhiều hơn dự kiến, báo cáo của EIA cũng cho thấy nhu cầu nhiên liệu đã giảm do ảnh hưởng của biến thể Omicron.
Dự trữ xăng của Mỹ tăng 8 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 7/1, so với kỳ vọng tăng 2,4 triệu thùng của các nhà phân tích.
Giá dầu tăng hơn 50% trong năm 2021 và một số nhà phân tích kỳ vọng đà tăng sẽ tiếp tục, năng lực sản xuất thấp và đầu tư hạn chế có thể nâng giá dầu thô lên 90 USD hoặc thậm chí hơn 100 USD/thùng. JP Morgan dự báo giá dầu sẽ tăng lên 125 USD/thùng trong năm nay.
Giá khí tự nhiên Mỹ giảm 12% trong phiên vừa qua, mất đi gần như toàn bộ mức tăng 14% của phiên liền trước đó, do dự báo thời tiết sẽ bớt lạnh và nhu cầu sưởi ấm trong tuần này và tuần tới đều giảm so với dự kiến.
Cụ thể giá khí đốt kỳ hạn tháng 2 tại Mỹ ngày thứ Năm (13/1) giảm 58,7 cent, tương đương 12,1%, xuống còn 4,270 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu). Vào thứ Tư (12/1), hợp đồng này đã tăng vọt lên mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 26 tháng 11, mức tăng mạnh nhất trong ngày kể từ tháng 9 năm 2020, sau khi cơ quan khí tượng dự báo thời tiết cuối tháng 1 sẽ rất lạnh.
Giá than tại Trung Quốc tăng vào đầu phiên giao dịch nhưng giảm về cuối phiên, với than luyện cốc trên sàn Đại Liên giảm 0,9% xuống 2.305 nhân dân tệ/tấn, trong khi than cốc cửa giảm 1,9% xuống 3.106 nhân dân tệ/tấn.
Indonesia, nhà xuất khẩu than nhiệt lớn nhất thế giới, vừa cho phép 37 tàu chở than khởi hành sau khi được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng, theo Bộ Điều phối Các vấn đề Đầu tư và Hàng hải thông báo ngày 13/1.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng cũng giảm khi lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ tăng với khả năng Fed sẽ nâng lãi suất trong tháng Ba. Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.820,71 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 2 giảm 0,3% xuống 1.821,4 USD.
Những kỳ vọng xung quanh việc Fed tăng lãi suất đã nâng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên, có khả năng làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng – kim loại không sinh lợi bằng lãi suất.
Trong khi đó, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới trong tuần đầu tiên của tháng 1 tăng lên mức cao nhất trong vòng 8 tuần.
Ed Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao thuộc công ty môi giới OANDA, cho biết phản ứng tổng thể của thị trường vàng đối với dữ liệu lạm phát giá sản xuất mà Mỹ vừa công bố là khá ‘im lặng’ vì diều đó không thay đổi câu chuyện về những gì Fed có thể sẽ làm vào tháng Ba. Lãi suất tăng sẽ làm giảm sức hấp dẫn của vàng.
Về các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay vững ở 23,11 USD/ounce, trong khi bạch kim giảm 0,5% xuống 972,49 USD và palladium giảm 0,8% xuống 1.895,17 USD.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm nhưng vẫn sát mức cao nhất trong vòng 3 tháng, một ngày sau phiên tăng mạnh liền trước đó do đồng USD yếu và lo ngại về tình trạng thiếu cung.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) phiên này giảm 1,3% xuống 9,932 USD/tấn. Trong phiên liền trước, 12/1, giá đã tăng 3,5%.
Được sử dụng trong các lĩnh vực năng lượng và xây dựng, giá đồng đã tăng 25% vào năm 2021 và 26% vào năm 2020. Nhiều nhà phân tích kỳ vọng việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang điện khí hóa sẽ thúc đẩy nhu cầu kim loại đỏ này.
Gianclaudio Torlizzi thuộc công ty tư vấn T-Commodity cho biết: “Một làn sóng mua mới đã bắt đầu đối với kim loại cơ bản, đặc biệt là những kim loại có liên quan trực tiếp đến quá trình chuyển đổi xanh”.
"Chúng tôi đã có dấu hiệu cho thấy điều đó ở các thị trường ít thanh khoản hơn như cobalt và lithium, vốn đã tăng vọt. Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi đồng và nickel theo xu hướng này”.
Torlizzi cho biết tồn kho thấp, Trung Quốc kích thích kinh tế và nguồn cung thắt chặt có thể đẩy giá đồng lên trên mức cao kỷ lục của năm ngoái là 10.747,50 USD/tấn và nickel lên 25.000 USD/tấn, mức cao nhất kể từ năm 2011.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc – nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới - chuẩn bị công bố thêm các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, do dự kiến tốc độ tăng của nền kinh tế này sẽ giảm xuống 5,2% trong năm nay.
Dự trữ đồng trong kho do Sở giao dịch hàng hóa kỳ hạn Thượng Hải (ShFE) giám sát, ở mức 29.182 tấn, gần mức thấp nhất kể từ năm 2009. Trong khi đó, dự trữ tại kho của LME ở mức 83.800 tấn, giảm so với hơn 250.000 tấn hồi tháng Tám.
Giá nickel phiên này cũng tăng, thêm 0,3% lên 22.130 USD/tấn sau khi đạt 22.745 USD, cao nhất kể từ năm 2011, vào thứ Tư. Nickel được sử dụng trong sản xuất thép không gỉ và trong pin để cung cấp năng lượng cho xe điện.
Dự trữ nickel tại các kho trên sàn ShFE, ở mức 4.859 tấn, gần thấp kỷ lục, trong khi tại LME dưới 100.000 tấn so với hơn 260.000 tấn hồi tháng Tư.
Về các kim loại cơ bản khác, giá nhôm phiên này giảm 0,7% xuống 2.961 USD/tấn, kẽm tăng 0,1% lên 3.557 USD, chì tăng 0,4% lên 2.355,50 USD và thiếc giảm 1,5% xuống 40.780 USD.
Trong nhóm kim loại đen, giá quặng sắt kỳ hạn tại Trung Quốc giảm vào cuối phiên, sau khi tăng mạnh ở giữa phiên, do thông tin xuất khẩu từ các công ty khai th ác lớn giảm và còn đó lo ngai về nhu cầu ngắn hạn đối với nguyên liệu sản xuất thép.
Xuất khẩu quặng sắt từ Australia và Brazil trong tuần kết thúc vào ngày 9/1ở mức 22,35 triệu tấn, giảm 5,61 triệu tấn so với tuần trước đó, theo dữ liệu từ Mysteel.
Giá quặng sắt kỳ hạn trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên, giao tháng 5, giữa phiên tăng 2,4% lên 749 nhân dân tệ (117,74 USD)/tấn, nhng cuối phiên giảm 0,7% xuống 726 nhân dân tệ/tấn.
Giá quặng sắt nhập khẩu vào Trung Quốc, hàm lượng 62% sắt, giao ngay tại cảng biển nước này tăng 3 USD lên 132 USD/tấn vào thứ Tư (12/1), theo công ty tư vấn SteelHome.
Thép cũng biến động mạnh trong phiên này, với hợp đồng tham chiếu trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng đóng cửa tăng 0,7% lên 4.633 nhân dân tệ/tấn. Giá thép cuộn cán nóng, được sử dụng trong ô tô và thiết bị gia dụng, nhích 0,2% lên 4.739 nhân dân tệ/tấn.
Riêng thép không gỉ giao tháng 2 tại Thượng Hải giảm 1,9% xuống 17.650 nhân dân tệ/tấn.
Doanh số bán ô tô của Trung Quốc năm ngoái đã tăng lần đầu tiên kể từ năm 2017 và dự kiến sẽ tăng hơn nữa trong năm 2022.
Trên thị trường nông sản, giá ngũ cốc đồng loạt giảm do dự báo thời tiết Nam Mỹ được cải thiện.
Dự báo thời tiết cho thấy các khu vực khô cằn của Argentina, nhà xuất khẩu đậu nành chế biến hàng đầu thế giới và nhà sản xuất ngô lớn thứ 2 thế giới, có thể nhận được lượng mưa đáng kể vào cuối tuần này, các thương nhân cho biết.
Lo ngại về điều kiện khô nóng làm ảnh hưởng đến mùa màng ở Argentina và Brazil trong tháng 12 đã nâng giá ngô kỳ hạn tương lai lên mức cao nhất trong sáu tháng. Rich Feltes, người đứng đầu bộ phận thông tin thị trường của nhà môi giới RJ O'Brien, cho biết thời tiết ở Nam Mỹ phải trở lại bình thường mới có thể hạ nhiệt giá nông sản.
Giá ngô giao dịch tại Hội đồng Thương mại Chicago kết thúc phiên giảm 11-1/2 cent ở mức 5,87-1/2 USD/bushel, mức thấp nhất kể từ 3/1; đậu tương cũng giảm 22 cent xuống 13,77-1/4 USD/bushel. Giá lúa mì Mỹ phiên này cũng giảm 11 xu ở mức 7,46-3/4 USD/bushel. Lúa mì Euronext ở Paris kéo dài mức giảm xuống mức thấp nhất trong ba tháng, do dự báo nguồn cung tăng.
Jerry Gidel, nhà phân tích của Midland Research cho biết: “Trọng tâm chú ý của thị trường hiện lại quay về vấn đề thời tiết Nam Mỹ, với việc xác định tác động của La Nina đối với sản lượng ngô và đậu tương của Argentina và Brazil”.
Sàn giao dịch ngũ cốc lớn ở Rosario hôm thứ Tư đã giảm dự báo sản lượng ngô năm 2021/22 ở Argentina xuống còn 48 triệu tấn, giảm 8 triệu tấn so với triển vọng trước đó.
Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong một báo cáo riêng về vụ mùa hôm công bố thứ Tư, đã giảm dự báo sản lượng đậu tương và ngô ở Brazil và Argentina. Một số nhà phân tích tư nhân đã cắt giảm mức dự đoán nhiều hơn nữa.
Đối với mặt hàng đường, giá đường thô kỳ hạn tháng 3 giảm 0,25%, tương đương 1,4%, xuống 18,09 cent/lb, nhưng vẫn cao hơn nhiều mức thấp nhất 5,5 tháng chạm tới hôm 10/1, là 17,60. Giá đường trắng giao tháng 3 phiên này giảm 6,00 USD, tương đương 1,2% xuống 497,30 USD/tấn.
Suedzucker, nhà sản xuất đường lớn nhất châu Âu, xác nhận lợi nhuận hoạt động quý III tăng khoảng 90% do giá đường cải thiện đã thúc đẩy thu nhập. "Với mức thâm hụt hơn nữa trong năm 2021/22, môi trường thị trường đường (đường) thế giới dự kiến sẽ vẫn tích cực", Suedzucker nhận định.
Giá dầu cọ lập kỷ lục cao do sản lượng năm 2022 dự báo sẽ vẫn thấp do tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng chưa sớm kết thúc, ảnh hưởng đến sản lượng của nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới - Malaysia.
Hợp đồng dầu cọ kỳ hạn tháng 3 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa Malaysia đóng cửa tăng 121 ringgit, tương đương 2,4%, lên5.161 ringgit (1.236,17 USD)/tấn. Trên sàn Đại Liên, giá dầu cọ tăng 0,7%.
Julian McGill, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của công ty tư vấn hàng hóa LMC International, cho biết sản lượng dầu cọ ở Malaysia và Indonesia sẽ chỉ đạt mức 2019 vào cuối năm nay. McGill cho biết hai nhà sản xuất hàng đầu sẽ không tăng trưởng sản lượng trong năm thứ ba liên tiếp. Theo ông, do nguồn cung liên tục hạn chế, giá có thể sẽ giảm nhẹ trong sáu tháng tới nhưng vẫn trên 4.700 ringgit.
Cuối năm ngoái, Hội đồng Dầu cọ Malaysia dự kiến sản lượng năm 2022 sẽ tăng 4,9% so với năm ngoái lên 19 triệu tấn; xuất khẩu dầu cọ được dự báo sẽ tăng 9,3% lên 17 triệu tấn trong khi dự trữ ước tính tăng 23,4% lên 1,95 triệu tấn.
Giá cà phê giảm mạnh trong phiên vừa qua, trong đó loại robusta chạm mức thấp nhất kể từ ngày 1 tháng 12, do có dấu hiệu tình trạng thắt chặt nguồn cung đã giảm bớt.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 3 phiên này giảm 45 USD, tương đương 2,0%, xuống 2.237 USD/tấn vào cuối phiên, trước đó có lúc giá chạm mức thấp nhất trong 1-1/2 tháng là 2.231 USD. Cà phê arabica giao tháng 3 phiên này cũng giảm 3,85 cent, tương đương 1,6% xuống 2,37 USD/lb.
Cà phê robusta từ Việt Nam, nhà sản xuất robusta hàng đầu thế giới, cuối cùng cũng được chuyển đến các kho hàng được ICE chứng nhận. Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 12 tăng 57,6% so với tháng 11, mặc dù tính chung cả năm 2021, xuất khẩu cà phê giảm 0,2% so với một năm trước đó,.
Đã có những thông tin về việc cải thiện tình hình vận tải biển ở các nước khác thuộc Châu Á và Châu Phi. Người trồng cà phê Brazil đã bán 82% của niên vụ 2021/22 tính tới 10 tháng 1, cao hơn mức trung bình 74% trong giai đoạn này, công ty tư vấn Safras & Mercado cho biết.
Giá ca cao tại London kỳ hạn giao tháng 3 tăng 26 bảng Anh, tương đương 1,5%, lên1.733 lb/tấn vào lúc kết thúc phiên, trong phiên có lúc đạt mức cao nhất trong 2-1/2 tháng là 1.742. Trên sàn New York, gia cacao giao cùng kỳ hạn giao tháng 3 kết thúc phiên 1,6% lên 2.597 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 2.629 USD/tấn.
Kỳ vọng nhu cầu nguyên liệu sản xuất sôcôla sẽ hồi phục nhanh, trong khi nguồn cung vụ này dự báo sẽ giảm.
Giá cao su kỳ hạn giao dịch tại Nhật Bản tăng lên mức cao nhất trong vòng sáu tuần do dữ liệu lạm phát mạnh của Mỹ không đủ gây lo ngại ngân hàng trung ương nước này sẽ thay đổi triển vọng về lãi suất- vốn đã rất ‘diều hâu’, mặc dù mức tăng bị hạn chế bởi dữ liệu kinh tế của Trung Quốc yếu.
Cụ thể, hợp đồng cao su giao tháng 6 trên Sở giao dịch Osaka kết thúc phiên tăng 1,1 yên, tương đương 0,5%, lên 244,4 yên (2,1 USD)/kg, sau khi có thời điểm trong phiên chạm mức cao nhất kể từ ngày 2 tháng 12, là 247,4 yên.
Trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, cao su kỳ hạng tháng 5 Sgiảm 100 nhân dân tệ xuống 14,925 nhân dân tệ (2,346 USD)/tấn vào cuối phiên, trong phiên có lúc đạt mức cao nhất nhất kể từ ngày 2 tháng 12, là 15.240 nhân dân tệ. Trên sàn Singapore, giá cao su kỳ hạn tháng 2 giảm 1,2% xuống 177,7 US cent/kg.
Giá hàng hóa thế giới
 

Nguồn:Vinanet / VITIC / Reuters, Bloomberg

Tags: hàng hóa