Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm do dự báo nguồn cung sẽ gia tăng sau khi các nhà sản xuất hàng đầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đạt được thỏa hiệp.
Theo đó, giá dầu Brent giảm 1,29 USD (tương đương 1,7%) xuống khép phiên ở mức 73,47 USD/thùng; dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,48 USD (2,2%) xuống mức 71,65 USD/thùng.
Đà sụt giảm của thị trường năng lượng tiếp tục kéo dài từ phiên 14/7, sau khi giới truyền thông báo cáo rằng Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã đạt được một hiệp ước mở đường cho một thỏa thuận tăng sản lượng khi nguồn cung dầu mỏ đang thắt chặt. Tuy nhiên, chưa có thỏa thuận nào được ký kết.
Các cuộc đàm phán giữa OPEC, Nga và các nhà sản xuất dầu liên minh khác (còn được gọi là nhóm OPEC+) đã đổ vỡ trong tháng này, sau khi UAE phản đối việc gia hạn thỏa thuận sản lượng của nhóm này tới sau tháng 4/2022.
Một số ngân hàng, bao gồm Goldman Sachs, Citi và UBS, dự kiến nguồn cung dầu vẫn khan hiếm trong những tháng tới, ngay cả khi OPEC+ đạt được thỏa thuận nâng sản lượng.
Trong báo cáo hàng tháng, OPEC cho biết vẫn dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ phục hồi mạnh mẽ trong thời gian còn lại của năm 2021. Sang năm 2011, lượng sử dụng dầu sẽ về mức tương tự như trước đại dịch COVID-19.
Còn tại Mỹ, sự sụt giảm lớn trong kho dự trữ dầu thô đã không hỗ trợ giá dầu đi lên do các nhà đầu tư tập trung sự chú ý vào việc lượng nhiên liệu tồn kho vẫn tăng trong tuần có kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ ngày 4/7.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng đạt mức cao nhất trong vòng 1 tháng sau những bình luận của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell và những lo ngại về khả năng nền kinh tế toàn cầu chững lại.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.829,16 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,3% và được giao dịch ở mức 1.830 USD/ounce. Lúc đầu phiên, giá vàng đã có thời điểm chạm mức cao nhất trong một tháng qua sau khi ông Powell ngày 14/7 phát biểu trong phiên điều trần trước Quốc hội rằng thị trường lao động của Mỹ “còn lâu nữa” mới đạt được sự tiến triển cần thiết để Fed giảm sự hỗ trợ cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, ông Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao của công ty tư vấn giao dịch hàng hóa RJO Futures, nhận định việc giá vàng tăng lên trên ngưỡng 1.800 USD/ounce trong tuần này cùng với những lo ngại về xu hướng bán tháo trên thị trường chứng khoán đã thúc đẩy hoạt động mua vàng như một biện pháp trú ẩn an toàn.
Chuyên gia này cho biết trên thế giới hiện đang có nhiều điểm nóng như biến thể Delta và sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, và những điều này đang làm dấy lên những lo ngại về các thị trường chứng khoán toàn cầu, khiến giới đầu tư tìm đến nhưng tài sản an toàn như bạc và vàng.
Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm hơn dự đoán trong quý II, trong khi số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp theo tuần của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 16 tháng qua trong tuần trước.
Về những kim loại quý khác, giá bạc tăng 0,1% lên 26,27 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng 0,6% và được giao dịch ở mức 1.135,95 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tăng do tăng trưởng tại nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – thấp hơn so với dự kiến. Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 1,2% lên 9.455 USD/tấn.
Tăng trưởng của Trung Quốc trong quý 2/2021 thấp hơn so với dự kiến, do hoạt động sản xuất chậm lại, chi phí nguyên liệu tăng cao và dịch Covid-19 bùng phát.
Giá quặng sắt tăng phiên thứ 4 liên tiếp, khi nền kinh tế của nước này phục hồi chậm lại, củng cố kỳ vọng về việc chính phủ Trung Quốc sẽ có những hỗ trợ bổ sung về mặt chính sách. Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Đại Liên tăng 1,6% lên 1.234 CNY (191,02 USD)/tấn; quặng sắt kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn Singapore tăng 1,9% lên 214 USD/tấn.
Đối với thép, trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 0,9%, thép cuộn cán nóng tăng 0,5%, mặc dù sản lượng thép thô Trung Quốc trong tháng 6/2021 giảm 5,6% so với mức cao kỷ lục trong tháng 5/2021. Giá thép không gỉ tăng 3,4% lên 18.240 CNY/tấn – mức cao nhất kể từ năm 2019, trong bối cảnh nhu cầu nội địa tăng mạnh và tồn trữ ở mức thấp.
Nền kinh tế Trung Quốc quý 2/2021 tăng chậm hơn dự kiến ở mức 7,9% so với quý 2/2020, do hoạt động sản xuất giảm. Nguyên nhân được cho là do chi phí nguyên liệu thô tăng cao và bùng phát Covid-19 mới gây áp lực lên đà phục hồi.
Trên thị trường nông sản, gía lúa mì Mỹ tăng lên mức cao nhất 8,5 năm, lên gần 9 USD/bushel, do hạn hán đe dọa sự phát triển cây trồng tại khu vực bắc Plains và Prairies Canada.
Theo đó, giá lúa mì kỳ hạn tháng 9/2021 tăng 17-3/4 US cent lên 6,72 USD/bushel và giá lúa mì vụ xuân kỳ hạn tháng 9/2021 tăng 21-1/4 US cent lên 8,94 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 8,95-1/2 USD/bushel – cao nhất kể từ tháng 12/2012. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 8/2021 giảm 5-1/2 US cent xuống 14,47-1/2 USD/bushel và giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2021 giảm 3-1/4 US cent xuống 13,8 USD/bushel. Giá ngô kỳ hạn tháng 12/2021 giảm 2-1/2 US cent xuống 5,56-1/4 USD/bushel.
Giá đường thô tăng từ mức thấp nhất 2 tuần, với hợp đồng kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn ICE tăng 0,4 US cent tương đương 2,4% lên 17,33 US cent/lb, sau khi chạm mức thấp nhất 2 tuần (16,73 US cent/lb) trong phiên ngày 14/7/2021; đường trắng kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn London tăng 10,7 USD tương đương 2,5% lên 436 USD/tấn.
Về mặt hàng cà phê, giá arabica kỳ hạn tháng 9/2021 tăng 0,45 US cent tương đương 0,3% lên 1,5705 USD/lb; robusta kỳ hạn tháng 9/2021 giảm 6 USD tương đương 0,3% xuống 1.756 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất 2,5 năm trong phiên ngày thứ hai (13/7/2021).
Giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam (loại 2, 5% đen & vỡ) có mức trừ lùi 80-90 USD/tấn hợp đồng kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn London so với mức trừ lùi 60-100 USD/tấn 1 tuần trước đó; cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) của Indonesia chào bán ở mức cộng 20-30 USD/tấn hợp đồng kỳ hạn tháng 8-9/2021, giảm so với mức cộng 30-50 USD/tấn hợp đồng kỳ hạn tháng 8/2021 cách đây 1 tuần.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho biết sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, thúc đẩy tăng giá hàng hóa và các thị trường khác. Theo đó, cao su kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn Osaka tăng 4,4 JPY tương đương 2,1% lên 213,9 JPY/kg; cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Thượng Hải tăng1,4% lên 13.370 CNY/tấn.
Giá hàng hóa thế giới sáng 16/7/2021
Nguồn:VITIC/Reuters, Bloomberg