Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng sau khi các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) đồng ý cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga theo từng giai đoạn, trong bối cảnh thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) kết thúc phong tỏa chống Covid-19 - có thể thúc đẩy nhu cầu xăng dầu gia tăng vào thời điểm nguồn cung đang khan hiếm.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent tăng 69 US cent, hay 0,6%, lên 116,29 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 59 US cent, hay 0,5%, lên 115,26 USD/thùng.
Trong mấy tuần qua, giá dầu tăng đều đặn do xuất khẩu dầu Nga bị siết chặt bởi các lệnh trừng phạt của EU và Mỹ cũng như việc Trung Quốc và Ấn Độ có thể chỉ mua dầu Nga ở mức như hiện tại.
Các nhà lãnh đạo EU về nguyên tắc đã đồng ý cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay trong một lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhất của khối này kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine.
Ông Bill Farren-Price, giám đốc công ty Enverus ở London, cho biết: “Tác động của việc các lệnh trừng phạt được chính thức hóa là rất đáng kể. "Nếu họ đạt được gần những gì họ dự định, Nga sẽ mất khoảng 3 triệu thùng (xuất khẩu hàng ngày) và không phải tất cả số dầu đó đều có thể chuyển hướng, vì vậy tác động là rất lớn."
Các biện pháp trừng phạt đối với dầu thô sẽ được xóa bỏ dần trong sáu tháng, đối với các sản phẩm tinh chế sẽ là tám tháng. Lệnh cấm vận miễn trừ đường ống dẫn dầu từ Nga như một sự nhượng bộ cho Hungary và hai quốc gia Trung Âu không giáp biển khác.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, giai đoạn phong tỏa chặt chẽ chống Covid-19 kéo dài 2 tháng đã kết thúc vào thứ 4, dự đoán sẽ làm tăng nhu cầu xăng dầu.
Hai nguồn tin của OPEC+ cho biết các thành viên của nhóm không bàn luận về ý tưởng loại bỏ Nga khỏi thỏa thuận nguồn cung dầu hiện nay. Hôm thứ 3, Wall Street Journal đưa tin rằng một động thái như vậy đang được cân nhắc.
OPEC + bao gồm các thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh của họ do Nga dẫn đầu, sẽ gặp nhau vào thứ Năm để bàn về chính sách. Nhóm OPEC+ đã bị chỉ trích vì không tăng sản lượng nhanh hơn nữa để đối phó với giá nhiên liệu tăng, nhưng các quốc gia vùng Vịnh cho biết hầu hết các thành viên của tổ chức này không có khả năng tăng thêm nữa.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng hồi phục từ mức thấp nhất trong vòng 2 tuần do các nhà đầu tư tìm đến vàng để trú ẩn an toàn trong bối cảnh gia tăng lo ngại về lạm phát, chủ yếu do giá nhiên liệu ngày càng tăng, mặc dù USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu của Mỹ tăng cản trở tốc độ tăng giá vàng.
Theo đó, giá vàng giao ngay kết thúc phiên tăng 0,6% lên 1.847,39 USD/ounce, trước đó có lúc giá giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 19/5, là 1.827,8 USD/ounce; vàng kỳ hạn tương lai tăng 0,02% lên 1.848,7 USD/ounce.
Các nhà đầu tư đang đợi số liệu việc làm phi nông nghiệp của Mỹ và số liệu lạm phát trong tháng 5 để có thêm manh mối về hành động thắt chặt chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ. Các thị trường dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm trong mỗi lần họp vào tháng 6 và tháng 7, song không chắc chắn về triển vọng xa hơn.
Bộ Lao động Mỹ ngày 1/6 thông báo số việc làm đang cần tuyển dụng lao động của Mỹ trong tháng Tư giảm 455.000 xuống còn 11,4 triệu, nhưng vẫn ở mức cao đáng kể. Tuy nhiên, chỉ số đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao đã hạn chế đà tăng trưởng của kim loại quý.
Cùng ngày, Chủ tịch chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại St. Louis James Bullard cho biết Fed có nguy cơ mất kiểm soát mức lạm phát mà các hộ gia đình Mỹ kỳ vọng.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao kỳ hạn tháng Bảy tăng 22,7 US cent (tương đương 1,05%) lên 21,915 USD/ounce; bạch kim giao cùng kỳ hạn tăng 28,1 USD (2,9%) lên 996,4 USD/ounce; trong khi Palladium tăng 0,3% lên 2.005,18 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng hồi phục nhờ việc Thượng Hải dỡ bỏ phong tỏa chống Covid-19. Giá dầu tăng cũng ảnh hưởng đến giá kim loại.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 0,5% lên 9.496 USD/tấn sau khi giảm xuống mức thấp 9.384 USD/tấn và giảm 1% trong phiên liền trước. Đồng trên sàn Comex của Mỹ tăng 0,6% lên 4,32 USD/lb. Kim loại đồng được sử dụng như một thước do sức khỏe nền kinh tế toàn cầu, với giá đã giảm 12% kể từ khi đạt mức đỉnh 10.845 USD/tấn hồi tháng 3.
Một thương gia cho biết các kim loại cũng được hưởng lợi từ giá dầu tăng, thỏa thuận của lãnh đạo EU cấm một phần dầu thô Nga và việc loại bỏ rủi ro trước ngày nghỉ tại Anh. Chi phí năng lượng là một thành phần chính trong sản xuất kim loại.
Hoạt động luyện đồng trên toàn cầu trong tháng 5 sụt giảm do tình trạng thiếu điện ở Châu Âu và những nơi khác, theo số liệu từ giám sát vệ tinh của các nhà máy xử lý kim loại.
Giá nhôm trên sàn LME giảm 2,3% xuống 2.722,50 USD/tấn. Các nhà sản xuất nhôm toàn cầu đã nâng mức cộng cho các khách hàng Nhật Bản lên 172 USD đến 177 USD/tấn đối với các hợp đồng kỳ hạn tháng 7-9/2022, cao hơn 2,9% so với quý hiện tại.
Về các kim loại cơ bản khác, giá kẽm giảm 1,1% xuống 3.872,50 USD, nickel giảm 1% xuống 28.100 USD và chì giảm 0,8% xuống 2.164 USD, nhưng thiếc tăng 0,2% lên 34.725 USD.
Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc tăng phiên thứ 4 liên tiếp khi các nhà đầu tư kỳ vọng
Trung Quốc tung ra các gói cứu trợ kinh tế, mặc dù đà tăng bị hạn chế bởi việc chính quyền các địa phương kiểm soát sản lượng thép.
Theo đó, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên kết thúc phiên tăng 1,1% lên 906 CNY (135,52 USD)/tấn, quặng sắt hàm lượng 62% Fe giao ngay nhập khẩu vào Trung Quốc tăng 2 USD lên 138,5 USD/tấn, theo công ty tư vấn SteelHome.
Tương tự, giá thép thanh tại Thượng Hải cũng tăng, tăng 1,2% lên 4.712 CNY/tấn; thép cuộn cán nóng đóng cửa tăng 1% lên 4.816 CNY/tấn; thép không gỉ giảm 0,3% xuống 18.330 CNY/tấn.
Trung Quốc đã công bố 33 biện pháp để vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, gồm chính sách tài khóa, tài chính và đầu tư, và cam kết sẽ kiểm tra việc thực hiện của chính quyền địa phương.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương Mỹ tăng do tâm lý quan về xuất khẩu và nguồn cung của Mỹ thắt chặt, mặc dù ngô giảm bởi tiến độ gieo trồng cuối vụ mạnh mẽ và khả năng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine được mở lại.
Theo đó, giá đậu tương kỳ hạn tháng 7 trên sàn giao dịch Chicago đóng cửa tăng 7 US cent lên 16,90-1/4 USD/bushel. Các nhà xuất khẩu đã bán 132.000 tấn đậu tương sang Trung Quốc trong đó 66.000 tấn giao trong năm thị trường 2021/22 và 66.000 tấn trong năm thị trường 2022/23, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Giá ngô Mỹ giao cùng kỳ hạn lúc đóng cửa giảm 22-1/4 US cent xuống 7,31-1/4 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7 phiên này tăng 0,04 US cent hay 0,2% lên 19,44 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 8 tăng 5,8 USD hay 1% lên 578,1 USD/tấn
Dự kiến giá đường bị áp lực giảm trong những tháng tới do sản lượng đường toàn cầu tăng.
Giá cà phê arabica giao tháng 7 kết thúc phiên tăng 8,2 cent, tương đương 3,5%, lên 2,3945 USD/lb, sau khi có lúc đạt mức cao nhất kể từ tháng 2, là 2,4065 USD; robusta giao cùng kỳ hạn tăng 30 USD, tương đương 1,4% lên 2.136 USD/tấn.
Dự trữ arabica tại các kho của sàn ICE tiếp tục giảm xuống 1,04 triệu bao, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng do giá cao su ở Thượng Hải và chỉ số Nikkei đều tăng, và đồng JPY yếu khiến các tài sản định giá bằng đồng tiền này rẻ hơn khi mua bằng các đồng tiền khác.
Hợp đồng cao su giao tháng 11 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 4,8 JPY hay 2% lên 254,8 JPY (1,97 USD)/kg, tăng theo phần trăm một ngày cao nhất kể từ ngày 4/4; cao su kỳ hạn tháng 9 tại Thượng Hải tăng 100 CNY lên 13.320 CNY (1.993,83 USD)/tấn; cao su kỳ hạn tháng 6 trên sàn Singapore giảm 0,3% xuống 167,1 US cent/kg.
Các công ty ô tô Nhật Bản dự kiến sẽ có lợi nhuận kỷ lục trong năm nay khi họ nâng giá xe và cắt giảm chi phí để giảm thiểu tác động từ lạm phát tăng cao.
Giá hàng hóa thế giới
Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)