Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng mạnh do bão Ida suy yếu thành bão nhiệt đới và ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất dầu ở khu vực vùng Vịnh Mexico của Mỹ, trong bối cảnh Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (còn gọi là nhóm OPEC+) nhiều khả năng sẽ tiếp tục nâng sản lượng như dự kiến.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent tăng 71 US cent hay 0,98% lên 73,41 USD, trong phiên giá đã lên tới 73,69 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 2/8. Dầu thô WTI tăng 47 US cent hay 0,68%lên 69,21 USD/thùng, giá đã lên tới 69,64 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 6/8.
Tình trạng mất điện cùng việc đóng cửa nhà máy lọc dầu trên bờ biển Vịnh Mexico buộc các thương nhân phải cân nhắc tới khả năng hoạt động sản xuất dầu ở khu vực này sẽ bị gián đoạn kéo dài.
Trong vòng 12 giờ sau khi vào bờ, bão Ida đã suy yếu thành bão cấp 1 và từ đó giảm xuống thành bão nhiệt đới. Hàng trăm cơ sở sản xuất dầu đã được sơ tán trước khi bão tiến vào, đồng nghĩa tất cả sản lượng dầu ngoài khơi vùng Vịnh Mexico (khoảng 1,74 triệu thùng/ngày) đã bị đình chỉ sản xuất. Sau những trận gió và mưa lớn, gần 1,2 triệu ngôi nhà và cơ sở kinh doanh ở bang Louisiana và Mississippi đã mất điện vào thứ Hai. Và việc cơn bão di chuyển vào đất liền đã khiến thị trườn chuyển sự chú ý sang thời điểm các nhà máy lọc dầu có thể khởi động lại hoạt động sản xuất.
Giá dầu Brent đã tăng 40% tính từ đầu năm tới nay nhờ kế hoạch cắt giảm nguồn cung của OPEC+.
Dự kiến OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày 1/9 (theo giờ địa phương) để thảo luận về kế hoạch tăng sản lượng dầu thêm 400.000 thùng/ngày. Mục tiêu là nhằm nới lỏng hơn nữa mức cắt giảm sản lượng kỷ lục được khối này đưa ra vào năm ngoái. Các đại biểu của OPEC dự kiến tăng sản lượng tiếp tục diễn ra, mặc dù Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait cho biết có thể xem xét lại việc này.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm sau khi chạm mức cao nhất gần 4 tuần trong phiên giao dịch này, do USD tăng giá và các nhà đầu tư thận trọng trước một báo cáo việc làm quan trọng của Mỹ trong tuần này.
Theo đó, giá vàng giao ngay kết thúc phiên giảm 0,4% xuống 1.808,67 USD/ounce sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 4/8. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12 đóng cửa giảm 0,4% xuống 1.812,2 USD/ounce. Trước đó, lúc đầu phiên, giá vàng tăng sau bài phát biểu của Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell tại hội nghị kinh tế Jackson Hole hàng năm. Ông cho biết việc cắt giảm chương trình mua trái phiếu của ngân hàng trung ương Mỹ có thể xảy ra trong năm nay, nhưng không chỉ ra mốc thời gian chính xác. Tuy nhiên, sau đó giá vàng giảm do chỉ số USD đã phục hồi.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá nhôm tại Thượng Hải tăng lên mức cao nhất hơn 13 năm do lo lắng về nguồn cung ở Trung Quốc và tâm lý lạc quan sau khi Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ đưa gia một giọng điệu ôn hòa hơn trong bài phát biểu được chờ đợi từ lâu.
Hợp đồng nhôm kỳ hạn tháng 10 trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng khoảng 4,2% lên 21.550 CNY (3.332,41 USD)/tấn, cao nhất kể từ ngày 1/8/2008, trước khi giảm nhẹ đóng cửa tại 21.495 CNY/tấn, vẫn tăng 3,9%.
Một tỉnh ở khu vực Tân Cương, Trung Quốc đã áp đặt hạn chế sản lượng cho 5 nhà máy luyện nhôm bắt đầu từ tháng 8, như một phần nỗ lực để ngăn chặn hoạt động sản xuất bất hợp pháp. Động thái này diễn ra sau một số gián đoạn sản lượng nhôm do cắt điện tại Trung Quốc đầu năm nay.
Giá thép Trung Quốc tăng khoảng 4%, do tồn kho kim loại công nghiệp này giảm tuần thứ 4 liên tiếp và nhu cầu phục hồi.
Thép thanh giao tháng 1/2022 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đóng cửa tăng 4% lên 5.354 CNY (827,68 USD)/tấn. Thép cuộn cán nóng tăng 3,8% lên 5.637 CNY/tấn.
Thép không gỉ ở Thượng Hải tăng 3,9% lên 18.125 CNY/tấn.
Giá các thành phần sản xuất thép tại Đại Liên cũng tăng. Quặng sắt mở cửa tăng 4,9%, khi đóng cửa chỉ tăng 0,7% lên 835 CNY/tấn.
Theo công ty tư vấn SteelHome giá quặng sắt giao ngay hàm lượng 62% Fe xuất sang Trung Quốc tăng 4 USD lên 156 USD/tấn.
Tồn kho của 5 sản phẩm chính gồm thép thanh và thép cuộn cán nóng giảm 1,1% trong tuần trước xuống 21 triệu tấn, trong khi tiêu thụ tăng 1,2% lên 10,36 triệu tấn.
Công ty Fitch Solutions cho biết tăng trưởng sản lượng quặng sắt toàn cầu sẽ tăng trong giai đoạn 2021 – 2025 sau khi trì trệ trong giai đoạn 5 năm trước đó, ngoài ra sản lượng của Trung Quốc sẽ tăng.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì Mỹ giảm do chốt lời và áp lực từ giá ngô và đậu tương yếu. Các thương nhân đang đánh giá mức độ thiệt hại từ cơn bão Ida đối với xuất khẩu ngũ cốc của Mỹ. Theo đó, giá lúa mì mềm đỏ vụ đông kỳ hạn tháng 12 giảm 9 US cent xuống 7,23-1/2 USD/bushel.
Giá đậu tương giảm sau khi có mưa vào cuối tuần tại Midwest có lợi có cây trồng. Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 11 đóng cửa giảm 20 US cent xuống 13,03-1/4 USD/bushel.
Giá ngô giảm do các thương gia trông đợi vào vụ thu hoạch đang đến gần sẽ làm tăng nguồn cung. Ngô CBOT kỳ hạn tháng 12 giảm 11 US cent xuống 5,42-3/4 USD/bushel. Hợp đồng kỳ hạn tháng 9 giảm 17-3/4 US cent xuống 5,4-1/4 USD.
Giá cao su Nhật Bản giảm do các nhà đầu tư lo ngại về nhu cầu chậm lại tại Trung Quốc, quốc gia mua nhiều nhất thế giới.
Hợp đồng cao su giao tháng 2/2022 trên sàn giao dịch hàng hóa Osaka đóng cửa giảm 0,3 JPY xuống 206,2 JPY (1,9 USD)/kg; cao su tại Thượng Hải giao tháng 1/2022 tăng 15 CNY lên 13.875 CNY (2.145 USD)/tấn.
Lợi nhuận tại các công ty công nghiệp Trung Quốc giảm trong tháng 7, tháng thứ 5 liên tiếp, bổ sung thêm bằng chứng sự mất đà tăng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và củng cố khả năng duy trì chính sách hỗ trợ thêm một thời gian nữa.
Nguồn:VITIC / Reuters, Bloomberg