menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng kết giá hàng hóa thế giới phiên 3/1: Giá dầu và đậuh tương tăng mạnh

14:22 04/01/2022

Phiên giao dịch đầu tiên của năm mới (3/1), giá dầu mỏ tăng, trong khi vàng giảm. Ngũ cốc giao dịch trên thị trường Mỹ biến động trái chiều. Một số thị trường như kim loại, hàng hóa mềm…. vẫn đóng cửa nghỉ lễ.
 
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng do kỳ vọng nhu cầu sẽ hồi phục trong năm 2022, mặc dù OPEC+ có vẻ đồng ý tiếp tục tăng sản lượng và những lo ngại kéo dài về số ca nhiễm Covid -19.
Kết thúc phiên 03/1, giá dầu Brent tăng 1,2 USD hay 1,5% lên 78,98 USD/thùng, trong phiên có lúc giá tăng lên mức cao 79,05 USD. Dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) phiên này cũng tăng 87 US cent lên 76,08 USD/thùng.
Giá dầu tăng một phần cũng bởi sản lượng dầu tại Libya sẽ giảm 200.000 thùng/ngày trong một tuần do bảo trì đường ống. Năm 2021, giá dầu đã tăng khoảng 50%, nhờ đà phục hồi của kinh tế sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Biến chủng Omicron đã khiến số lượng ca bệnh cao kỷ lục và lễ hội năm mới ở nhiều nơi trên toàn thế giới bị hủy bỏ. Nhiều trường học Mỹ dự định đón học sinh trở lại lớp học trong ngày 3/1 nhưng đã phải lùi thời hạn lại.
Chuyên gia Tamas Varga của công ty môi giới dầu PVM, có trụ sở tại London (Anh), nhận định đà tăng các ca mắc COVID-19 trên toàn cầu và chính sách hạn chế tại một số quốc gia đang ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực du lịch hàng không và các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn lạc quan về triển vọng nhu cầu dầu mỏ.
Theo kế hoạch, ngày 4/1 Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh sẽ nhóm họp để thảo luận về việc có tiếp tục kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày trong tháng Hai hay không.
Hãng tin Reuters trích một báo cáo kỹ thuật cho biết, OPEC+ đánh giá tác động của biến thể Omicron đối với thị trường dầu mỏ khá nhẹ và tạm thời, qua đó để ngỏ khả năng liên minh này sẽ tiếp tục tăng sản lượng hơn nữa.
Năm ngoái, dầu Brent tăng 50% bởi sự phục hồi trên toàn cầu từ đại dịch Covid-19 và việc cắt giảm nguồn cung của OPEC+. Dự kiến giá mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022. Theo các nhà phân tích của UBS, giá dầu thô và sản phẩm sẽ hưởng lợi từ nhu cầu tăng trở lại cao hơn mức năm 2019, dự kiến dầu thô Brent tăng lên khoảng 80 – 90 USD/thùng trong năm 2022.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng phiên này giảm hơn 1% do chứng khoán gia tăng và các nhà đầu tư bỏ qua mối lo ngại về tác động của biến thể Omicron.
Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 1,5% xuống 1.800,68 USD/ounce, thiết lập ngày giảm theo phần trăm lớn nhất trong hơn một tháng. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 2 cũng giảm 1,6% xuống 1.800,1 USD/ounce.
Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao thuộc công ty môi giới hàng hóa RJO Futures (Mỹ), nhận định: “Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng, đồng USD mạnh hơn và tâm lý đầu tư rủi ro được cải thiện đang thúc đẩy thị trường chứng khoán, qua đó gây áp lực lên thị trường vàng”.
Phiên này, chỉ số S&P 500 dao động gần mức cao kỷ lục khi thị trường chứng khoán tìm cách nới rộng đà leo dốc vào năm mới. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên mức cao nhất 6 tuần, làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý vốn không sinh lời.
Bất chấp sự gia tăng số ca mắc COVID-19, số trường hợp tử vong và nhập viện do biến thể Omicron tương đối thấp, khiến chính phủ nhiều nước tạm ngừng các biện pháp phong tỏa xã hội. Ông Haberkorn cho biết, nhà đầu tư kỳ vọng làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới chỉ là tạm thời.
Chỉ số đồng USD tăng trong ngày 3/1 khi nhà đầu tư dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ duy trì lộ trình nâng lãi suất trong năm 2022, qua đó khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua đang nắm giữ các đồng tiền khác.
Một số nhà đầu tư coi vàng như một “hàng rào” ngăn ngừa lạm phát cao hơn, nhưng vàng lại rất nhạy cảm với đà tăng của lãi suất Mỹ, vì làm tăng chi phí nắm giữ kim loại quý này. Khép lại năm 2021 giá vàng đã giảm 5%, đánh dấu năm giảm mạnh nhất kể từ năm 2015. Các nhà phân tích thuộc UBS cho biết lãi suất của Mỹ tăng và lạm phát sụt giảm trong năm 2022 có thể gây áp lực lên giá vàng, dự báo giá vàng khoảng 1.650 USD/ounce vào cuối năm nay.
Trên thị trường nông sản, giá ngô Mỹ trên sàn giao dịch Chicago giảm bởi xuất khẩu yếu và USD mạnh lên. Theo đó, giá ngô kỳ hạn tháng 3 lúc đóng cửa giảm 4 US cent xuống 5,89-1/4 USD/bushel sau khi chạm 5,84-3/4 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 16/12/2021. Mỹ đã xuất khẩu 596.092 tấn ngô trong tuần trước, giảm 45% so với mức trung bình 4 tuần trước đó và thấp hơn dự đoán của các nhà phân tích.
Giá lúa mì cũng giảm bởi USD mạnh lên trong khi tuyết rơi gần đây đã hỗ trợ lúa mì vụ đông của Mỹ. Theo đó, lúa mì CBOT mềm đỏ vụ đông đóng cửa giảm 12-3/4 US cent xuống 7,58 USD/bushel.
Riêng giá đậu tương tăng bởi lo ngại về thời tiết khô hạn ở Nam Mỹ, mặc dù xuất khẩu của Mỹ yếu đã hạn chế đà tăng. Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 3 đóng cửa tăng 16-1/4 US cent lên 13,55-1/2 USD/bushel. Khô đậu tương cùng kỳ hạn tăng 12,2 USD lên 411,3 USD/tấn, trong khi dầu đậu tương giảm 0,11 US cent xuống 56,42 US cent/lb. Các nhà xuất khẩu Mỹ đã xuất 1,19 triệu tấn đậu tương trong tuần trước, giảm 32% so với mức trung bình 4 tuần trước đó và thấp hơn dự báo của các nhà phân tích. Tổng lượng đậu tương của Brazil niên vụ 2021/22 được công ty tư vấn StoneX điều chỉnh giảm xuống 134 triệu tấn so với ước tính 145,1 triệu tấn trước đó.
Giá hàng hóa thế giới

Nguồn:Vinanet / VITIC / Reuters, Bloomberg

Tags: hàng hóa