Giá dầu WTI tăng tuần thứ 3 liên tiếp, dầu Brent giảm tuần đầu tiên trong 3 tuần
Trong phiên cuối tuần, 13/5, giá dầu tăng khoảng 4% do Trung Quốc dường như đã sẵn sàng nới lỏng những hạn chế chống Covid-19 và các nhà đầu tư lo ngại nguồn cung sẽ thắt chặt nếu EU cấm vận dầu của Nga.
Kết thúc phiên 13/5, giấ dầu Brent tăng 4,1 USD, hay 3,8%, lên 111,55 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 4,36 USD, hay 4,1%, lên 110,49 USD/thùng – mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 25/3.
Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm tuần đầu tiên trong vòng 3 tuần, trong khi dầu WTI tăng tuần thứ 3 liên tiếp.
Giá xăng Mỹ phiên này cũng tăng lên lên mức 4,43 USD/gallon, trong khi dầu diesel lên 5,56 USD. Giá xăng Mỹ đạt mức cao lịch sử do lượng tồn trữ trong tuần qua giảm tuần thứ 6 liên tiếp – làm gia tăng lợi nhuận sản xuất xăng lên mức cao nhất kể từ khi đạt kỷ lục trong tháng 4/2020 khi WTI rời khỏi mức âm.
Giá dầu đã biến động mạnh, do những lo ngại về khả năng EU cấm vận dầu Nga có thể thắt chặt nguồn cung hơn nữa. Moscow đã áp đặt các lệnh trừng phạt với một số công ty năng lượng Châu Âu, gây lo lắng về nguồn cung.
Ngoài ra, giá dầu cũng bị áp lực bởi lo ngại rằng đại dịch COVID-19 tái bùng phát có thể làm giảm nhu cầu dầu toàn cầu.
Tại Trung Quốc, các nhà chức trách cam kết hỗ trợ nền kinh tế và các quan chức thành phố cho biết Thượng Hải sẽ bắt đầu nới lỏng các hạn chế về giao thông liên quan đến đại dịch và mở lại các cửa hàng trong tháng này.
Thị trường dầu cũng đang chịu áp lực bởi lạm phát và lãi suất tăng thúc đẩy USD lên mức cao nhất trong vồng gần 20 năm so với rổ các đồng tiền chủ chốt, khiến dầu đắt hơn khi mua bằng các đồng tiền khác. EU cho biết tiến trình đã đủ để khởi động lại đàm phán hạt nhân với Iran. Mỹ cho biết họ đã đánh giá những nỗ lực của EU nhưng cho biết vẫn chưa có thỏa thuận nào và không chắc rằng có thể đạt được thỏa thuận.
Các nhà phân tích cho biết một thoả thuận với Iran có thể bổ sung thêm 1 triệu thùng/ngày vào nguồn cung cho thị trường.
Kim loại quý: Giá vàng giảm gần 4%
Giá vàng giảm gần 1% trong phiên cuối tuần 13/5, tính chung cả tuần giảm 3,9%, đánh dấu tuần giảm tồi tệ nhất kể từ ngày 18/6/2021, do sự tăng giá mạnh của USD với lãi suất tăng tích cực trong thời gian tới.
Kết thúc phiên cuối tuần, giá vàng giao ngay giảm 0,7% xuống 1.808,89 USD/ounce sau khi có lúc giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 4/2 là 1.798,86 USD/ounce; tính chung cả tuần, giá giảm gần 4%. Giá vàng giao sau cùng phiên giảm 0,9% xuống 1.808,2 USD/ounce.
Chỉ số USD đã tăng 6 tuần liên tiếp, hiện đang ở gần mức cao nhất trong vòng 20 năm.
Mặc dù được coi là một tài sản chống lại lạm phát, vàng rất nhạy cảm với việc lãi suất ngắn hạn và trái phiếu kho bạc Mỹ tăng.
Sự phục hồi trong các thị trường chứng khoán toàn cầu trong bối cảnh thị trường ít lo ngại tài sản rủi ro hơn vào cuối tuần giao dịch cũng là một yếu tố tác động tiêu cực đến vàng.
Chủ tịch Fed Jerome Powell hôm thứ Năm tuần này cho biết “cuộc chiến” kiểm soát lạm phát sẽ mang tới “một số nỗi đau" cho nền kinh tế, chủ yếu vì tác động của lãi suất cao hơn. Ông Meger nhận định trong thời gian tới, thị trường sẽ theo dõi chặt chẽ các số liệu lạm phát để xác định hướng đi của Fed.
Ông David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại thuộc công ty dịch vụ tài chính High Ridge Futures lưu ý, giá vàng sẽ còn chịu áp lực lớn từ việc Fed cam kết tăng lãi suất với tốc độ nhanh hơn để kiềm chế lạm phát.
Về những kim loại quý khác, giá bạc phiên cuối tuần tăng 1,6% lên 20,98 USD/ounce, nhưng đã giảm khoảng 6% trong tuần qua; giá bạch kim giảm 0,8% xuống 936,51 USD; palladium tăng 1,5% lên 1.936,83 USD, sau khi giảm hơn 8% vào thứ Năm (12/5).
Kim loại công nghiệp: Giá đồng giảm tuần thứ 6 liên tiếp
Giá đồng tăng trong phiên giao dịch biến động cuối tuần, nhưng tính chung cả tuần giá vẫn giảm tuần thứ 6 liên tiếp do lo sợ về suy giảm kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London kết thúc phiên 13/5 tăng 1,2% lên 9.055 USD/tấn. Nhưng kim loại này có tuần giảm thứ 6 liên tiếp, là chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 2019.
Đồng được sử dụng trong ngành điện và xây dựng, dược xem như một thước đo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Kim loại này giảm 5% trong năm nay sau khi đạt mức cao kỷ lục 10.845 USD/tấn hồi tháng 3.
Áp lực lên giá là dự trữ đồng đang tăng tại các kho LME, tăng 35% trong năm nay lên 177.000 tấn.
Các ngân hàng trung ương lớn gồm Cục dự trữ Liên bang Mỹ, đang tăng lãi suất để giảm quyết lạm phát đang gây lo ngại về suy thoái kinh tế.
Chủ tịch Fed hôm thứ Năm cho biết "hạ cánh mềm" về kinh tế có thể được xác định bởi các yếu tố mà ngân hàng trung ương không thể kiểm soát, thêm vào cuộc chiến để kiềm chế lạm phát sẽ "bao gồm một số đau đớn".
Nhà phân tích Wenyu Yao của ING cho biết: “Đó là một thông điệp khá đáng sợ đối với thị trường ... làm gia tăng nỗi lo về một cuộc suy thoái tiềm tàng”.
Bà nói: “Trong ngắn hạn, kim loại sẽ tiếp tục chịu áp lực”, đồng thời trích dẫn các biện pháp hạn chế chống Covid-19 ở Trung Quốc – nước tiêu thụ hàng đầu thế giới – làm hạn chế và làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Về những kim loại cơ bản khác, giá kẽm kết thúc phiên cuối tuần giảm 1,1% xuống 3.490 USD/tấn, chì giảm 0,9% xuống 2.073 USD/tấn, thiếc giảm 0,4% xuống 33.900 USD/tấn và nickel giảm 1,3% xuống 27.450 USD/tấn
Giá sắt thép tăng nhẹ trong phiên vừa qua. Theo đó, giá quặng sắt trên Đại Liên kỳ hạn tháng 9 đóng cửa tăng 1% lên 823 CNY/tấn, tính chung cả tuần tăng 0,2%, là tuần tăng lần đầu tiên trong vòng 4 tuần. Giá quặng sắt nhập khẩu giao ngay, hàm lượng 62% Fe, giảm 4 USD xuống 125,5 USD, theo công ty tư vấn SteelHome.
Giá thép thanh và thép cuộn cán nóng của Trung Quốc biến động nhẹ trong phiên cuối tuần, tính chung cả tuần giảm do những hạn chế liên quan tới Covid-19 và mưa ở miền nam và tây nam Trung Quốc cũng làm giảm nhu cầu.
Giá thép kỳ hạn tháng 10 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 0,3% lên 4.670 CNY (686,6 USD)/tấn, tính chung cả tuần giảm 1,4%; thép cuộn cán nóng, sử dụng trong lĩnh vực sản xuất tăng 0,3% lên 4.767 CNY/tấn, tính chung cả tuần giảm 1,3%; thép không gỉ kỳ hạn tháng 6 giảm 0,9% xuống 18.830 CNY/tấn.
Trung Quốc đã cố gắng củng cố nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát Covid-19, triển khai các biện pháp hỗ trợ công ty nhỏ và ổn định việc làm, nới lỏng việc kiểm soát trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên, việc phong tỏa nghiêm ngặt được dự kiến tiếp tục gây sức ép lên hoạt động công nghiệp dẫn tới nhu cầu kim loại yếu hơn.
Nông sản: Giá ngũ cốc, đường và cà phê tăng, cao su giảm
Giá các mặt hàng nông sản giao dịch ngược chiều nhau trên sàn CBOT (Mỹ) trong phiên 13/5 trong đó giá ngô và lúa mỳ giảm sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo nguồn cung toàn cầu thắt chặt hơn, còn giá đậu tương tăng mạnh giữa bối cảnh nhu cầu xuất khẩu lớn từ Trung Quốc và các nước khác.
Các nhà đầu tư chốt lời trước khi cuối tuần và dự đoán nông dân Mỹ tăng cường trồng ngô nhờ thời tiết ở Midwest cải thiện, song thị trường vẫn lo lắng về nguồn cung ngũ cốc thắt chặt do thiếu hụt sản lượng toàn cầu và xung đột Nga – Ukraine.
Kết thúc phiên này, giá lúa mì đỏ mềm vụ đông đóng cửa giảm 1-1/4 US cent xuống 11,77-1/2 USD/bushel; ngô giảm 10-1/4 US cent xuống 7,81-1/4 USD/bushel, trong khi đậu tương đóng cửa tăng 32-3/4 US cent lên 16,46-1/2 USD/bushel.
Giá ngô đã khôi phục trạng thái ổn định do xu hướng thời tiết ấm dần lên và khô hơn một chút trong 10 ngày tới, kéo dài thời gian gieo trồng hiện nay ở khu vực đồng bằng và phần lớn bang Iowa đến ngày 22/5.
Thời tiết ấm áp và khô ráo thuận lợi sẽ tiếp diễn ở hầu hết các khu vực ở Mỹ vào cuối tuần này. Có thể có mưa rào lớn ở phía Đông Trung Tây từ thứ Năm đến thứ Sáu tuần sau. Một lượng lớn ngô và đậu tương sẽ được trồng vào cuối tháng 5/2022, còn ở vùng Đồng bằng phía Bắc và vùng Thượng Trung Tây sớm nhất vào đầu tháng 6/2022.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7 đóng cửa phiên cuối tuần tăng 0,53 US cent hay 2,8% lên 19,17 US cent/lb, sau khi xuống mức thấp nhất trong gần 3 tháng trong phiên trước đó, là 18,3 US cent. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8 tăng 14,8 USD hay 2,8% lên 535,7 USD/tấn.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 đóng cửa phiên cuối tuần giảm 1,4 US cent hay 0,7% xuống 2,139 USD/lb; cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 giảm 18 USD hay 0,9% xuống 2.040 USD/tấn.
Indonesia đã bước vào vụ thu hoạch mới được hơn một tháng và hiện đang là giai đoạn trọng điểm. Ước tính trung bình sản lượng cà phê Robusta năm nay sẽ khoảng 9,3 triệu bao, giảm 0,53% so với vụ trước và cà phê Arabica ổn định ở mức trung bình là 1,3 triệu bao.
Giá cao su Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất trong 8,5 tuần do đồng JPY mạnh lên. Trên sàn giao dịch Osaka, cao su kỳ hạn tháng 10 kết thúc phiên cuối tuần giảm 3,5 JPY hay 1,4% xuống 240,9 JPY (1,87 USD)/kg, tính chung cả tuần giá giảm 4,3%; cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn Thượng Hải tăng 85 CNY lên 12.835 CNY (1.892,87 USD)/tấn.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tiếp tục giảm, chạm mức thấp nhất trong hơn 19 tháng so với USD và phá vỡ ngưỡng kháng cự quan trọng, thiết lập tuần giảm thứ sáu liên tiếp.
Giá hàng hóa thế giới
Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)