menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng kết giá hàng hóa thế giới tuần tới 25/6: Giá dầu, vàng và các mặt hàng khác đều tăng

14:55 27/06/2021

Tuần qua, thị trường hàng hóa giao dịch sôi động, giá các mặt hàng từ dầu, vàng tới kim loại công nghiệp, đường, cà phê đều tăng. Riêng nhóm ngũ cốc giảm giá trong tuần qua.
 
Năng lượng: Giá dầu tăng tuần thứ 5 liên tiếp, đạt cao nhất gần 3 năm, giá than đá tăng mạnh
Giá dầu đã tăng tuần thứ 5 liên tiếp, lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2018 do kỳ vọng mức tăng nhu cầu sẽ vượt nguồn cung và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (còn gọi là nhóm OPEC+) sẽ vẫn thận trọng trong việc cung cấp thêm dầu thô cho thị trường kể từ tháng 8 tới.
Kết thúc phiên vừa cuối tuần, giá dầu Brent tăng 62 US cent (0,8%) lên 76,18 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 75 US cent (1%) lên 74,05 USD/thùng. Đây là mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 10 năm 2018, đưa cả 2 loại dầu tăng giá tổng cộng hơn 3% trong tuần qua.
Nhìn chung, thị trường dầu thế giới tiếp tục có một tuần “thăng hoa” khi có 4 phiên tăng và chỉ 1 phiên giảm điểm nhẹ.
Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của công ty môi giới tài chính OANDA cho biết giá dầu thô tăng do triển vọng nhu cầu được cải thiện, bên cạnh kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục thắt chặt vì OPEC+ nhiều khả năng không tăng mạnh sản lượng trong cuộc họp sắp tới.
Các nguồn tin OPEC+ cùng ngày cho hay nhóm này đang thảo luận tăng dần sản lượng dầu từ tháng 8/2021, nhưng vẫn chưa quyết định số lượng chính xác. OPEC+ đang đưa 2,1 triệu thùng dầu trở lại thị trường mỗi ngày từ tháng Năm đến tháng 7/2021, đây là một phần trong kế hoạch rút dần thỏa thuận cắt giảm sản lượng của năm ngoái do đại dịch COVID-19 đã tác động đến sự phục hồi nhu cầu.
Chuyên gia Stephen Brennock của công ty môi giới năng lượng PVM cho biết khối này còn nhiều không gian để thúc đẩy nguồn cung mà không làm ảnh hưởng lớn tới kho dự trữ dầu, giữa bối cảnh triển vọng nhu cầu đang khả quan hơn.
Về phía nhu cầu, các yếu tố chính mà OPEC+ sẽ phải xem xét là đà tăng trưởng mạnh mẽ ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc nhờ việc triển khai vaccine ngừa COVID-19 và các nền kinh tế mở cửa trở lại.
Các nhà phân tích cho biết những yếu tố này đã bù đắp được phần nào cho việc số ca nhiễm COVID-19 mới gia tăng ở nhiều nơi khác và ảnh hưởng tới nhu cầu xăng dầu tại các khu vực đó.
Ngoài ra, viễn cảnh các lệnh trừng phạt đối với Iran được dỡ bỏ và nước này sẽ sớm bổ sung dầu mỏ ra thị trường đã mờ nhạt dần. Một quan chức Mỹ cho biết vẫn còn những bất đồng nghiêm trọng trong một loạt vấn đề về việc Tehran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Ngoại phản hồi trả lời cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc về việc gia hạn một thỏa thuận giám sát đã hết hạn.
Giá than luyện cốc tăng mạnh trong phiên cuối tuần do nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu mạnh mẽ.
Than cốc kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên tăng 1,1% lên 2.827 nhân dân tệ (438,21 USD)/tấn, tính chung cả tuần giá tăng 5%; than luyện cốc kỳ phiên này cũng tăng 0,2% lên 2.045 nhân dân tệ/tấn, tính chung cả tuần tăng 4,6%.
Theo dữ liệu khảo sát của công ty tư vấn Mysteel, tồn trữ than luyện cốc của 100 nhà máy luyện cốc và 110 nhà máy thép vào ngày 25/6 đã giảm 3,2% xuống 15,7 triệu tấn so với một tuần trước đó do nguồn cung khan hiếm trong bối cảnh các cuộc thanh tra sản xuất an toàn và môi trường diễn ra thường xuyên trong thời gian gần đây.
Kim loại quý: Giá vàng thế giới tăng tuần đầu tiên trong bốn tuần
Tuần qua, thị trường vàng thế giới liên tục biến động trước những phát biểu trái chiều từ các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá kim loại quý này vẫn tăng khoảng 0,8%, ghi nhận tuần tăng đầu tiên trong bốn tuần.
Phiên cuối tuần, giá vàng tăng mạnh sau khi dữ liệu cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ vẫn trì trệ, làm giảm bớt khả năng Fed sẽ sớm thắt chặt chính sách tiền tệ. Tính chung cả tuần, giá vàng đi lên lần đầu tiên trong vòng 4 tuần. Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay phiên này tăng 0,1% lên 1.776,96 USD/ounce, tính chung cả tuần tăng khoảng 0,8%; vàng kỳ hạn tháng 8 vững ở mức 1.782,80 USD/ounce.
Nhà phân tích Suki Cooper thuộc Standard Chartered, cho biết: “Vàng đã được hưởng lợi từ mức lạm phát thấp hơn dự kiến làm giảm khả năng Fed sẽ nâng lãi suất sớm hơn kế hoạch ban đầu”.
Ông Cooper cho biết mức hỗ trợ trong ngắn hạn của giá vàng hiện 1.770 USD/ounce là, mức kháng cự là giá trung bình của 100 ngày gần đây.
Dữ liệu trước đó cho thấy chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), chỉ số mà Fed thường dùng làm căn cứ cho chính sách tiền tệ của mình, tháng 5 vừa qua thấp hơn kỳ vọng. Do đó, giá vàng hiện nay biến động chủ yếu dựa vào USD, nhưng đồng tiền này cũng đã ổn định trở lại.
Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao của Kitco Metals cho biết: “Thị trường đang có cái nhìn lạc quan hơn về triển vọng lạm phát, giảm đi những tiên đoán trước đó rằng lạm phát sẽ nhanh chóng trở thành vấn đề lớn hơn”.
Về triển vọng giá vàng, chiến lược gia cao cấp Alex Turro thuộc RJO Futures cho biết lo ngại về khả năng tăng lãi suất và kế hoạch giảm mua tài sản từ Fed đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng xấu đến tâm lý của giới đầu tư trên thị trường vàng cho đến khi các chính sách rõ ràng hơn.
Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao của Kitco Metals nhận định thị trường đang có quan điểm lạc quan hơn về triển vọng lạm phát, sau những lo ngại đà tăng vọt của giá cả sẽ nhanh chóng trở thành vấn đề. Nhà phân tích Peter Fertig của công ty nghiên cứu Quantitative Commodity Research cho rằng các chỉ số kỹ thuật cũng hỗ trợ giá vàng sau khi giá kim loại quý này dường như đã chạm đáy từ đợt bán tháo của tuần trước.
Ngân hàng CIBC của Canada cũng lạc quan tin rằng giá kim loại quý này có cơ hội để trở về mức 2000 USD/ounce. Trong một thông tin công bố ngày 24/6, CIBC đã điều chỉnh hạ 10% dự báo về giá vàng và bạc năm nay, theo đó giá vàng sẽ ở mức trung bình 1.925 USD/ounce trong năm 2021, nhưng sẽ vượt ngưỡng 2000 USD để đạt 2.100 USD/ounce vào năm 2022.
Kim loại công nghiệp: Giá đồng và thiếc tăng mạnh, sắt thép cũng đi lên
Giá đồng vững trong phiên cuối tuần sau khi lưỡng đảng Mỹ tại Thượng viện đạt được sự đồng thuận về gói chi tiêu cho hạ tầng cơ sở trị giá 1,2 nghìn tỷ đô la trong 8 năm, giúp củng cố kỳ vọng về nhu cầu đồng sẽ tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, các nhà giao dịch đồng vẫn lo ngại về việc Fed sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến làm cản trở giá đồng đi lên.
Kết thúc phiên giao dịch 25/6, trên sàn London, đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng vững ở mức 9.417 USD/tấn; tính chung cả tuần giá tăng khoảng 5%.
Nhà phân tích Oliver Nugent của Citi cho biết: “Thị trường (kim loại) tuần biến động hoàn toàn do sự tác động từ những thông tin từ Mỹ, Fed đang đẩy lùi mọi thứ ra xa một chút và kế hoạch cơ sở hạ tầng đã tạo thêm động lực”. "Đây là một năm mà nhu cầu tăng trưởng thực sự xảy ra ơ khắp nơi trên thế giới, không chỉ ở Trung Quốc."
Thị trường kim loại thường tập trung vào Trung Quốc, nơi chiếm khoảng một nửa lượng tiêu thụ kim loại công nghiệp trên toàn cầu.
Giá thiếc tăng 0,5% trong phiên cuối tuần, lên 30.800 USD/tấn, sau khi Yunnan Tin thông báo sẽ tạm dừng sản xuất tại nhà máy luyện thiếc chính trong thời gian không quá 45 ể từ ngày 28 tháng 6 ngày để bảo trì. Đầu tháng này, giá thiếc đã tăng lên mức cao chưa từng có trong một thập kỷ trở lại đây, là 33.181 USD/tấn, do lo ngại sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng.
Về các kim loại công nghiệp khác, giá nhôm tăng 1,9% lên 2,486 USD/tấn, kẽm giảm 0,4% xuống 2,903 USD, chì tăng 0,2% lên 2,225 USD và nickel tăng 0,8% lên 18,545 USD/tấn.
Giá sắt thép tăng trong phiên cuối tuần, trong bối cảnh nhu cầu mạnh từ các nhà máy trong khi nguồn cung khan hiếm.
Cụ thể, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng 1,2% lên 1.185 nhân dân tệ/tấn; quặng sắt 62% nhập khẩu giao ngay tại cảng biển Trung Quốc phiên liền trước giảm 2 USD xuống 217 USD/tấn vào thứ Năm, theo công ty tư vấn SteelHome.
"Giá quặng sắt và thép một lần nữa tăng trở lại ... trong bối cảnh nhu cầu mạnh mẽ từ ngành thép Trung Quốc và các vấn đề về nguồn cung từ các nhà sản xuất lớn nhất toàn cầu", Fitch Solutions viết trong một thông báo.
Tuy nhiên, Fitch Solutions cho rằng sự cải thiện về nguồn cung và tiêu thụ ở hạ nguồn sẽ yếu đi do mùa vụ và do giá quá cao sẽ cản trở giá sắt thép tăng hơn nữa trong những tháng tới.
Giá thép cây, dùng trong xây dựng, kỳ hạn tháng 10 giao dịch trên Sàn Thượng Hải phiên này tăng 1,8% lên 5.066 nhân dân tệ/tấn; thép cuộn cán nóng, được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất, tăng 1,8% lên 5.288 nhân dân tệ/tấn; thép không gỉ kỳ hạn giao tháng 8 tại Thượng Hải tăng 1,8% lên 16.750 nhân dân tệ/tấn.
Nông sản: Giá đường và cà phê tăng, ngũ cốc giảm
Giá ngũ cốc trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) của Mỹ đồng loạt giảm trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 25/6; trong đó, dẫn đầu là mặt hàng ngô. Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2021 giảm 16,75 US cent (3,13%) xuống 5,1925 USD/bushel; lúa mỳ giao tháng 9/2021 giảm 11,25 US cent (1,73%) xuống 6,4075 USD/bushel, trong khi đậu tương giao tháng 11/2021 giảm 22 US cent (1,7%) xuống 12,6975 USD/bushel.
Giá các mặt hàng nông sản trên sàn CBOT sụt giảm theo sau thông tin Tòa án Tối cao Mỹ sẽ cho phép Cơ quan bảo vệ Môi trường (EPA) cấp quyền miễn trừ, không phải tuân thủ tỷ lệ pha trộn nhiên liệu sinh học, cho các nhà máy lọc dầu nhỏ. Hiện EPA sẽ phải quyết định khi nào sẽ tiếp hành cấp quyền miễn trừ này.
Dự báo thời tiết cho thấy trời sẽ khô hơn nhiều ở khu vực đồng bằng và Tây Trung Tây. Trong khi đó, vùng đồng bằng phía đông và Trung Tây sẽ tiếp tục có mưa vào ngày 29-30/6, mưa quá nhiều sẽ làm ảnh hưởng đến mùa màng ở các bang Illinois và Indiana.
Mặc dù dự báo thời tiết cho thấy, khí hậu ở khu vực miền Đông Trung Tây sẽ ẩm ướt hơn trong tháng 7/2021, độ ẩm trong đất gần đây và sắp tới sẽ cao hơn, song tình hình khô hạn tại Kansas, Nebraska, Minnesota và Dakotas vẫn chưa được cải thiện.
Cũng trong phiên cuối tuần, giá cà phê arabica tăng mạnh do real Brazil đạt mức cao nhất 1 năm so với USD. Theo đó, arabica kỳ hạn tháng 9 tăng 4,4 US cent, tương đương 2,9%, lên 1,578 USD/lb; tính hcung cả tuần tăng 4,6%.
Ngoài việc real tăng giá, điều kiện thời tiết khô hạn ở Brazil – nhà sản xuất cà phê hàng đầu thế giới, vẫn gây lo ngại cho sản lượng, và những tín hiệu tích cực từ chính sách tiền tệ, tài chính của Mỹ, đáng chú ý là việc Tổng thống Biden và nhóm nghị sĩ lưỡng đảng đã thống nhất gói 579 tỷ USD ngân sách dành cho cải tiến hạ tầng. Dự báo các vùng trồng cà phê của nước này sẽ ít khả năng có mưa trong 10 ngày tới.
Giá robusta kỳ hạn tháng 9 phiên này tăng 29 USD, tương đương 1,8% lên 1.679 USD/tấn. Lượng robusta lưu kho ở sàn ICE đã bắt đầu giảm trong tháng này do chênh lệch giá giữa robusta và arabica gia tăng giúp đẩy tăng nhu cầu robusta.
Nguồn cung từ các quốc gia Đông Nam Á đang tiếp tục bị tắc nghẽn do giá cước container quá cao. Tại Indonesia, vụ thu hoạch 2021 đã bắt đầu với dự báo đạt 9,4 triệu bao Robusta và 1,3 triệu bao Arabica (1 bao = 60 kg). Xuất khẩu cà phê của nước này trong năm 2021 ước đạt 7 triệu bao. Theo dữ liệu thương mại của Chính phủ từ Sumatra, đảo sản xuất cà phê chính của Indonesia, xuất khẩu cà phê Robusta của đảo trong tháng 4/2021 đạt 193.460 bao, giảm 81.388 bao, tức giảm hơn 29,61% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã ước tính sản lượng cà phê của Việt Nam vụ tới (bắt đầu từ ngày 1/10/2021) sẽ tăng 6,31% so với vụ hiện tại, đạt 30,83 triệu bao (gồm 29,68 triệu bao Robusta và 1,15 triệu bao Arabica).
Đối với mặt hàng đường, giá đường thô kỳ hạn tháng 7 phiên cuối tuần giảm 0,03 cent, tương đương 0,2%, xuống 16,90 cent/lb; tính chung cả tuần giá vẫn tăng 2,9%. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8 trong phiên này tăng 1,00 USD, hay 0,2%, lên 427,80 USD/tấn.
Giá cao su kỳ hạn giao dịch tại Nhật Bản tăng trong phiên cuối tuần sau khi Tổng thống Mỹ, Joe Biden, chấp nhận thỏa thuận về đầu tư cho cơ sở hạ tầng của lưỡng đảng tại Thượng viện, giúp làm tăng kỳ vọng về sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Giá dầu tăng cũng tác động tích cực lên thị trường cao su.
Kết thúc phiên này, cao su kỳ hạn tháng 12 trên sàn Osaka đạt 239,9 yên (2,2 USD)/kg, tăng 0,7 yên so với giá lúc mở cửa cùng ngày - 239,2 yên. Trong phiên, có lúc hợp đồng này đạt mức giá 244,0 yên. Tính chung cả tuần, giá tăng 2,3% và tăng lần đầu tiên trong vòng 4 tuần.
Cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn Thượng Hải cùng phiên cũng tăng 260 nhân dân tệ lên 13.230 nhân dân tệ (2.051 USD)/tấn.
Giá dầu tăng cũng góp phần tạo ra tâm lý ưa chuộng tài sản rủi ro, trong đó có các hàng hóa như cao su.
Lượng cao su lưu kho ở sàn Thượng Hải tính đến 25/6 đã tăng 0,5% so với một tuần trước đó.
Giá hàng hóa thế giới
tong ket gia hang hoa the gioi tuan

Nguồn:VITIC / Reuters, Bloomberg

Tags: hàng hóa