menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng kết giá hàng hóa thế giới tuần tới 4/3: Giá đồng loạt tăng mạnh

14:48 05/03/2022

Thị trường hàng hóa nguyên liệu vừa trải qua một tuần biến động mạnh, với hàng loạt mặt hàng tăng vọt do khủng hoảng Nga – Ukraine gây lo ngại sẽ khiến nguồn cung trở nên vô cùng khan hiếm.
 
Năng lượng: Giá dầu tăng vọt
Giá dầu phiên cuối tuần (4/3) tăng mạnh, khoảng 7%, do lo ngại sự gián đoạn xuất khẩu của Nga làm át đi kỳ vọng thị tròng sẽ có thêm nguồn cung từ Iran nếu Washington đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Tehran.
Kết thúc phiên này, dầu Brent tăng 7,65 USD hay 6,9% lên 118,11 USD/thùng, dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 8,01 USD hay 7,4% lên 115,68 USD/thùng. Đây là giá đóng cửa cao nhất kể từ tháng 2/2013 đối với dầu Brent và cao nhất kể từ tháng 9/2008 đối với dầu WTI. Trong tuần, có thời diểm giá dầu thô Brent đã lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2012 và WTI cao nhất kể từ tháng 9/2008.
Tính chung cả tuần, giá dầu tăng mạnh nhất kể từ giữa năm 2020, với giá dầu Brent tăng 21% còn giá dầu WTI tăng 26%.
Trong một động thái mới, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Châu Âu ở Ukaine bị bốc cháy, liền tiếp sau đó là thông tin chính quyền của ông Biden thông báo đang cân nhắc khả năng Mỹ giảm lượng dầu nhập khẩu từ Nga và xem xét các hành động để giảm thiểu tác động đến nguồn cung toàn cầu và người tiêu dùng.
Trong khi đó, Công ty dầu quốc gia Libya (NOC) thông báo tạm thời dừng xuất khẩu từ 4 cảng do thời tiết xấu.
Dầu tăng hơn 20% kể từ khi Mỹ và các đồng minh áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga sau khi nước này thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine. khi Mỹ và các nước đồng minh ban hành các lệnh trừng phạt đối với Nga và chặn nhiều ngân hàng của nước này khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, có thể gây gián đoạn nghiêm trọng cho hoạt động xuất khẩu dầu của Nga.
Việc bán dầu của Nga đã bị gián đoạn, với người mua không thể đặt hàng ngay cả khi giá dầu Nga giảm giá mạnh so với dầu Brent.
Dù không nhằm trực tiếp vào hoạt động xuất khẩu dầu khí của Nga, nhưng các lệnh trừng phạt của phương Tây vẫn tác động mạnh đến ngành dầu nói chung và làm trầm trọng hơn tình hình thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu trong vài tháng tới.
Nga xuất khẩu 4-5 triệu thùng dầu mỗi ngày, và là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới sau Saudi Arabia. Các nhà giao dịch gần như không thể bán được dầu của Nga trong cả tuần qua. Ngày 4/3, Shell PLC là đơn vị đáng chu ý duy nhất mua dầu của Nga với mức giá thấp hơn dầu Brent vật lý đến 28 USD.
Đặc phái viên của Anh ngày 4/3 cho biết các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Iran và Mỹ về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 đã gần đạt được một thỏa thuận.
Kim loại quý: Giá vàng và palladium tăng vọt
Giá vàng thế giới tăng hơn 1% trong phiên 4/3, giữa lúc các nhà đầu tư ngày một lo lắng về diễn biến phức tạp xung quanh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Kết thúc phiên, giá vàng giao ngay tăng 1,6% lên 1.965,97 USD/ounce và tăng 4% trong tuần này; vàng giao sau tăng 30,7 USD hay 1,6% lên 1.966,6 USD/ounce.
Thông tin về việc nhà máy hạt nhân của Ukraine bùng cháy đang làm dấy lên lo ngại rằng xung đột giữa nước này với Nga đang trở nên nguy hiểm hơn.
Nhà phân tích Ole Hansen của ngân hàng Saxo cho hay cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine sẽ tiếp tục hỗ trợ triển vọng cho giá kim loại quý này tăng cao hơn nữa.
Điều đó không chỉ do hoạt động trú ẩn an toàn ngắn hạn, mà quan trọng hơn là do căng thẳng này sẽ có ý nghĩa ra sao đối với tình hình lạm phát, tăng trưởng và kỳ vọng nâng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.
Vàng cũng không phản ứng nhiều với báo cáo hàng tháng về thị trường lao động Mỹ mới được công bố hôm 4/3. Theo số liệu do Bộ Lao động Mỹ đưa ra, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã có thêm 678.000 việc làm trong tháng Hai, nhiều hơn mức dự báo 440.000 việc làm của giới phân tích. Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm từ 4% xuống 3,8%.
Giá palladium tuần này cũng tăng mạnh, phiên 4/3 vượt 3.000 USD/ounce lần đầu tiên kể kể tháng 5/2021, sau khi những lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung từ Nga tăng lên.
Palladium giao ngay trong hiên vừa qua có lúc vọt khoảng 8,4% lên 3.008,74 USD/ounce, kết thúc phiên vẫn tăng 7,6% lên 2.985,54 USD/ounce.
Nga chiếm 40% sản lượng palađi toàn cầu. Giá kim loại này đã tăng 25% trong tuần này, tăng mạnh nhất kể từ cuối tháng 3/2020.
Cũng trong phiên này, giá bạc tăng 2% lên 25,67 ISD/ounce, kết thúc tuần tăng thứ 5 liên tiếp, bạch kim tăng 3,4% lên 1.117,06 USD/ounce.
Kim loại công nghiệp: Giá nhôm và nickel tăng kỷ lục
Các kim loại công nghiệp đồng loạt tăng trong phiên cuối tuần, đặc biệt nhôm và nickel – trải qua tuần tăng mạnh nhất kể từ năm 2009 do lo ngại về nguồn cung từ Nga, nước xuất khẩu chủ chốt các kim loại này.
Các lệnh trừng phạt với cá nhân và doanh nghiệp của Nga đã khiến nhiều ngân hàng, công ty vận chuyển và các công ty khác ngừng hợp tác với các công ty của Nga.
Theo đó, giá nhôm trên sàn giao dịch kim loại London (LME) phiên 4/3 tăng 3,1% lên 3.832 USD/tấn sau khi lên mức cao kỷ lục 3.867 USD/tấn; tính chung cả tuần giá tăng 14%.
Giá nickel phiên này cũng tăng 8,3% lên 29.120 USD/tấn, sau khi chạm 30.295 USD, mức cao nhất kể từ năm 2008, tính chung cả tuần tăng khoảng 20%.
Lượng nhôm lưu kho trên sàn LME hiện ở mức 794.150 tấn giảm từ gần 2 triệu tấn hồi tháng 3/2021, lượng nickel lưu kho cũng giảm xuống 77.082 tấn từ hơn 260.000 tấn hồi tháng 4/2021; tồn trữ đồng ở mức 69.825 tấn, thấp nhất kể từ năm 2005.
Giá đồng phiên cuối tuần tăng 3% lên 10.660 USD/tấn, tăng khoảng 8% trong tuần này và gần mức cao kỷ lục của năm ngoái là 10.747,50 USD; kẽm tăng 4,1% lên 4.081 USD/tấn, hiện đang giao dịch ở mức cao nhất kể từ năm 2007 và đã tăng khoảng 13% trong tuần này; chì tăng 2,5% lên 2,468 USD và tăng khoảng 4% trong tuần này, trong khi thiếc tăng 2,6% lên 47,625 USD, tăng khoảng 7% trong tuần.
Quặng sắt tại Trung Quốc cũng tăng trong phiên cuối tuần, tính chung cả tuần tăng gần 20%, mạnh nhất hơn hai năm do lo sợ xung đột Nga – Ukraine làm gián đoạn nguồn cung.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng liên tiếp cả 5 phiên tỏng tuần, kết thúc tuần ăng 2,8% lên 813 CNY (128,65 USD)/tấn. Trước đó trong phiên này giá đã tăng khoảng 5,7% lên 836 CNY/tấn. Tính chung cả tuần quặng sắt tăng 19,4%, mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 21/2/2020, Quặng sắt giao ngay hàm lượng 62% Fe xuất sang Trung Quốc tăng 6,5 USD lên 154 USD/tấn trong ngày 3/3, theo số liệu của công ty tư vấn SteelHome.
Giá thép không gỉ ở Thượng Hải giao tháng 4 tăng 4,7% lên 18.775 CNY/tấn, tăng theo giá nguyên liệu thô nickel; thép thanh tăng 0,3% lên 4.901 CNY/tấn trong khi thép cuộn cán nóng giảm 0,02% xuống 5.210 CNY/tấn.
Nông sản: Giá ngũ cốc tăng mạnh
Giá ngũ cốc tuần qua tăng mạnh do Nga và Ukraine là hai nước xuất khẩu ngũ cốc quan trọng trên thế giới. gía lúa mì trên sàn giao dịch Chicago có tuần tăng kỷ lục 41% do xung đột Nga – Ukraine làm gián đoạn xuất khẩu từ khu vực này.
Phiên cuối tuần, giá lúa mì Mỹ kỳ hạn tháng 5 đóng cửa ở mức 12,09 USD/bushel, tăng kịch trần giới hạn, là 75 US cent. Nhu cầu xuất khẩu lúa mì của Liên minh Châu Âu tăng mạnh trong tuần này do các nhà nhập khẩu tìm kiếm các lựa chọn thay thế lúa mì ở Biển Đen.
Giá ngô đã chạm mức cao nhất kể từ năm 2012 do gián đoạn nguồn cung. Theo đó, giá ngô kỳ hạn tháng 5 trên sàn giao dịch Chicago tăng 35 US cent cũng ở mức giới hạn một ngày, lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2012. Hợp đồng này đóng cửa tăng 6-1/2 US cent lên 7,54-1/4 USD/bushel.
Giá đậu tương phiên này giảm do các thương nhân chốt lời. Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 7-1/4 US cent xuống 16,6-1/2 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tăng 0,42 US cent hay 2,2% lên 19,35 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 5 tăng 10,1 USD hay 1,9% lên 532,3 USD/tấn.
Các đại lý cho biết giá đường tăng do các quỹ đang mua vào bởi quan điểm thêm nhiều mía ở Brazil sẽ được chuyển sang sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol khi khủng hoảng Nga – Ukraine tiếp tục thúc đẩy giá năng lượng.
Hạn chế đà tăng giá là tin tức Ấn Độ có thể xuất khẩu kỷ lục 7,5 triệu tấn đường trong niên vụ 2021/22, tăng gần 25% so với ước tính trước đây.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 kết thúc phiên tăng 1,35 US cent hay 0,6% lên 2,2425 USD/lb sau khi giảm xuống mức thấp nhất 3,5 tháng trước đó tại 2,2045 USD/lb. Hợp đồng này đã mất 4,8% trong tuần này. Cà phê robusta kỳ hạn tháng 5 cùng phiên tăng 25 USD hay 1,2% lên 2038 USD/tấn.
Thị trường cà phê chịu áp lực giảm do lo sợ bất kỳ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu nào liên quan tới khủng hoảng ở Ukraine có thể hạn chế nhu cầu. Cũng có lo lắng rằng doanh số bán sang Nga, một khách hàng lớn có thể chậm lại do các lệnh trừng phạt. Xuất khẩu cà phê tại Brazil tăng lên 208.511 tấn trong tháng 2 so với 191.099 tấn một năm trước.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm và có tuần đầu tiên giảm trong 5 tuần trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine leo thang.
Hợp đồng cao su giao tháng 8 trên sàn giao dịch Osaka giảm 4,8 JPY hay 1,8% xuống 255,2 JPY (2,21 USD)/kg. Cao su đã giảm 2,3% trong tuần này. Cao su kỳ hạn tháng 5 tại Thượng Hải giảm 270 CNY xuống 13.725 CNY (2.171,68 USD)/tấn, giảm mạnh nhất kể từ ngày 15/2.
Giá cao su giảm do việc bán ra một cách hoảng loạn sau tin tức nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Châu Âu bị cháy, giá nguyên liệu thô giảm có thể cũng kéo giá cao su đi xuống.
Giá hàng hóa thế giới

Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)

Tags: hàng hóa