Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm theo xu hướng chung của các tài sản rủi ro do đồng USD mạnh lên và các ngân hàng trung ương sẽ có nhiều đợt tăng lãi suất để dập tắt lạm phất.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản khi kết thúc cuộc họp hai ngày vào ngày 21/9 để kiềm chế lạm phát. Triển vọng này đang đè nặng lên giá cổ phiếu, vốn thường biến động cùng chiều với giá dầu. Không chỉ Fed, các ngân hàng trung ương khác cũng dự kiến sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, trong đó có ngân hàng trung ương Anh.
Môi trường lãi suất cao hơn đã thúc đẩy đà tăng cho đồng USD, vốn vẫn gần mức cao nhất trong hai thập kỷ so với các đồng tiền khác, và khiến “vàng đên” trở nên đắt hơn đối với những nhà đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác.
Giovanni Staunovo, nhà phân tích về hàng hóa của UBS cho biết: "Thị trường dầu bị kẹt giữa những lo ngại gây áp lực đẩy giá đi xuống và những hy vọng kéo giá tăng lên”.
Giá dầu thô Brent kết thúc phiên giảm 1,38 USD, tương đương 1,5%, xuống 90,62 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 10 kết thúc ở mức 84,45 USD, giảm 1,28 USD vào ngày đáo hạn. Hợp đồng tháng 11 – giao dịch sôi động nhất - giảm 1,42 USD xuống 83,94 USD/thùng.
Cả dầu Brent và WTI đều đang trên đà hướng đến quý giảm tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Hồi tháng Ba, giá dầu Brent đã vọt lên khoảng 139 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2008.
Robert Yawger, giám đốc hợp đồng năng lượng của Mizuho ở New York, cho biết: “Đồng đô la là chìa khóa quan trọng và Fed là chìa khóa, chúng sẽ “giết chết” nhu cầu đối với bất kỳ thứ gì liên quan đến lạm phát”.
Các thị trường dầu mỏ cũng phản ứng với việc tiêu thụ xăng dầu của Mỹ và Trung Quốc yếu đi. Người lái xe ở Mỹ đã lái xe ít hơn trong tháng Bảy so với tháng trước, là tháng giảm thứ hai liên tiếp, do giá xăng cao. Giá gas bán lẻ đã giảm khỏi mức đỉnh do nhu cầu giảm.
Theo một cuộc khảo sát, dự trữ dầu thô của Mỹ ước tăng khoảng 2 triệu thùng trong tuần trước. Trong khi đó, một số liệu từ Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh cho thấy trong tháng Tám sản lượng dầu của khối này đã giảm 3,58 triệu thùng/ngày so với mục tiêu đề ra. Con số giảm tương đương khoảng 3,5% nhu cầu dầu toàn cầu.
Đối với mặt hàng khí gas, giá trên thị trường Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tuần
Do sản lượng gần kỷ lục và dự báo nhu cầu vào tuần tới sẽ giảm so với dự kiến trước đó.
Tuy nhiên, xu hướng giảm được hạn chế bởi kỳ vọng nhu cầu sẽ giảm vào tháng tới khi nhà máy khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Cove Point ở Maryland đóng cửa để bảo trì vài tuần vào tháng 10.
Giá khí đốt giao sau giảm 3,5 cent, tương đương 0,5% xuống 7,717 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu), mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 8/8 trong ngày thứ ba liên tiếp.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm tới 1% vào thứ Ba khi đồng USD tăng và lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ ổn định ở mức cao, và các nhà đầu tư gia tăng gấp đôi các vị thế mua USD trước khả năng Fed sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất lớn trong tuần này.
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên giảm 0,7% xuống 1.664,19 USD/ounce, kéo dài chuỗi giảm giá, sau khi đã chạm gần mức thấp nhất trong 29 tháng vào tuần trước; giá vàng Mỹ kỳ hạn tương lai giảm 0,4% xuống 1.671,10 USD.
Edward Moya, nhà phân tích cấp cao của OANDA cho biết: “Vàng không thể rũ bỏ bất kỳ lo ngại nào về việc Fed thắt chặt mạnh mẽ chính sách tiền tệ”. Dự kiến Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm, và thị trường vàng không thể rũ bỏ bất cứ lo ngại nào về việc Fed thắt chặt tiền tệ quá mạnh mẽ.
Các ngân hàng trung ương khác cũng được cho là sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong bối cảnh lạm phát gia tăng. Thụy Điển đã nâng lãi suất thêm một điểm phần trăm vào thứ Ba. Anh, Na Uy, Thụy Sĩ và Nhật Bản cũng tổ chức các cuộc họp chính sách tiền tệ trong tuần này.
Standard Chartered cho biết: “Mức tăng 100 điểm cơ bản có thể sẽ gây áp lực giảm giá vàng, trong khi mức dự đoán rộng rãi là 75 điểm đã có thể chứng kiến một số hoạt động bán khống”, Standard Chartered cho biết trong một lưu ý. Lãi suất cao thường làm giảm sức hấp dẫn của vàng thỏi.
Đồng đô la giữ vững gần mức cao nhất trong hai thập kỷ khiến vàng thỏi đắt hơn đối với những người nắm giữ tiền tệ khác. Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn hai năm đạt mức cao nhất gần 15 năm.
Về những kim loại quý khác, bạc giao ngay giảm 2,2% xuống 19,17 USD/ounce, bạch kim tăng 0,1% lên 918,55 USD và palladium giảm 3,6% xuống 2.145,44 USD.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng chịu áp lực giảm khi tồn trữ tăng tại các kho hàng đã được Sở giao dịch kim loại London (LME) chấp thuận và đồng USD vững chắc trước quyết định lãi suất của Fed vào cuối tuần này - đè nặng lên tâm lý các nhà đầu tư.
Kết thúc phiên, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) ở mức 7.760 USD/tấn. Giá kim loại được sử dụng rộng rãi trong ngành điện và xây dựng đã giảm khoảng 30% kể từ khi chạm mức kỷ lục 10.845 USD/tấn vào tháng 3.
Các kho dự trữ đồng của LME đã tăng hơn 5.000 tấn trong vài ngày qua lên 107.150. Chứng quyền đã hủy, hoặc chứng quyền có dấu kim loại để giao, ở mức 11% trong tổng số chứng quyền, giảm đáng kể so với mức 50% vào cuối tháng 8.
Giảm bớt lo ngại về khả năng cung cấp đồng trên thị trường LME đã khiến chênh lệch giá giữa hợp đồng giao ngay với kỳ hạn 3 tháng giảm trở về mức 57 USD/tấn từ 125 USD/tấn của tuần trước, mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.
Đồng đô la đang giữ mức cao nhất trong hai thập kỷ so với một rổ tiền tệ chính khác, khiến hàng hóa được định giá bằng USD trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, từ đó có thể làm giảm nhu cầu.
Tuy nhiên, nước tiêu dùng hàng đầu thế giới - Trung Quốc - nới lỏng các hạn chế chống COVID, vốn ảnh hưởng đến hoạt động công nghiệp, đã cung cấp một số hỗ trợ cho kim loại cơ bản, ngăn giá đồng giảm mạnh.
Về những kim loại cơ bản khác, giá nhôm giảm nhẹ xuống 2.249 USD/tấn, kẽm giảm 0,5% xuống 3.125 USD, chì tăng 0,7% lên 1.897 USD, thiếc tăng 1% lên 21.160 USD và niken tăng 1,3% lên 24.905 USD.
Giá quặng sắt và thép trên thị trường Trung Quốc đều giảm do lo ngại về chính sách Zero COVID dai dẳng của nước này và lĩnh vực bất động sản sa sút khiến nhu cầu giảm.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1 trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc - được giao dịch nhiều nhất - kết thúc phiên giao dịch ở mức giảm 3,1% xuống 696 nhân dân tệ (99,24 USD)/tấn. Quặng sắt kỳ hạn tháng 10 trên Sàn giao dịch Singapore đã đảo ngược mức tăng ban đầu và giảm 0,9% xuống 96,20 USD/tấn vào cuối phiên.
Giá thép cây trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải SRBcv1 giảm 1,5%, trong khi thép cuộn cán nóng giảm 2%.
Các nhà phân tích tại Zhongzhou Futures cho biết: “Quặng sắt có các yếu tố cơ bản tốt trong ngắn hạn và giá được hỗ trợ, nhưng nhu cầu đối với các sản phẩm thành phẩm (thép) không tốt”.
Trung Quốc đã đưa ra lời kêu gọi cứng rắn để giữ ổn định lãi suất cho vay chuẩn vào thứ Ba, cân bằng nhu cầu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế với việc giữ cho đồng nhân dân tệ giảm giá trong tầm kiểm soát.
Trên thị trường nông sản, giá đồng loạt tăng do các vấn đề nguồn cung ở Biển Đen (đối với lúa mì) và thu hoạch chậm (với ngô và đậu tương).
Giá lúa mì kỳ hạn tương lai trên sàn Chicago tăng, đảo chiều sau khi giảm ở phiên liền trước, được củng cố bởi do những lo ngại mới về nguồn cung ở Biển Đen, các thương nhân cho biết.
Giá đậu tương và ngô cũng tăng bởi tiến độ thu hoạch ở Mỹ chậm hơn dự kiến .
Giá lúa mì trên sàn Chicago đã tăng 63-1/4 cent lên 8,93-3/4 USD/bushel, mức tăng hàng ngày lớn nhất kể từ ngày 3 tháng 3. Trong phiên, có lúc giá đạt 8,96-3/4 USD, mức cao nhất kể từ ngày 11 tháng 7.
Giá đậu tương tăng 17-1/2 cent ở mức 14,78-3/4 USD/bushel, trong khi ngô tăng 13-3/4 cent lên 6,92 USD/bushel, sau khi có lúc đạt 6,93-1/2 USD, cao nhất kể từ ngày 13/9.
Giá ngô và đậu tương kỳ hạn tăng theo giá lúa mì, được hỗ trợ bởi điều kiện cây trồng không thuận lợi và tốc độ thu hoạch chậm hơn dự kiến.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết sau khi thị trường đóng cửa hôm thứ Hai, thu hoạch ngô của Mỹ đã hoàn thành 7% tính đến Chủ nhật, dưới mức ước tính trung bình 10% trong một cuộc thăm dò của Reuters. Trong khi đó, vụ thu hoạch đậu tương của Mỹ đã hoàn thành 3%, thấp hơn ước tính 5%.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10 tăng 0,5 cent, tương đương 2,8%, lên 18,19 cent/lb, mở rộng đà phục hồi của thị trường từ mức thấp nhất trong 7 tuần là 17,50 cent chạm tới vào thứ Hai; đường trắng giao tháng 12 ít biến động ở mức 527,70 USD/tấn.
Các đại lý cho biết thị trường được hỗ trợ bởi sự khan hiếm nguồn cung ngắn hạn, mặc dù điều này sẽ giảm bớt trong mùa vụ 2022/23 (tháng 10/tháng 9). Mức cộng giá đường trắng vẫn ở mức cao. Điều này sẽ thúc đẩy các nhà máy Ấn Độ sản xuất nhiều đường tinh luyện hơn, thay vì đường thô như năm ngoái.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tương lai trên sàn ICE tăng một phần bởi sản lượng của Brazil năm nay dự kiến giảm.
Giá cà phê arabica giao tháng 12 tăng 4,05 cent, tương đương 1,8%, lên 2,2515 USD/lb; kỳ hạn tháng 10 giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tuần là 2,1085 USD hôm thứ Hai; cà phê robusta giao tháng 11 tăng 1,6% lên 2.238 USD/tấn.
Các đại lý cho biết thị trường được hỗ trợ bởi nguồn dự trữ cạn kiệt ở Brazil sau vụ mùa năm nay thấp hơn dự kiến và lo ngại về triển vọng sản xuất năm tới.
Sản lượng cà phê arabica năm 2022 của Brazil dự kiến đạt 32,41 triệu bao loại 60kg, thấp hơn mức 35,71 triệu bao dự báo vào tháng 5, cơ quan cung cấp thực phẩm Conab cho biết hôm thứ Ba. Dự trữ arabica được ICE chứng nhận giảm xuống còn 515.064 bao vào thứ Ba, mức thấp nhất trong 23 năm.
Giá cao su kỳ hạn tương lai trên thị trường Nhật Bản tăng theo xu hướng giá trên thị trường Thượng Hải tăng và hy vọng nhu cầu phục hồi ở nước tiêu dùng hàng đầu thế giới - Trung Quốc sau khi nước này nới lỏng các hạn chế chống COVID-19 và cam kết sẽ đưa ra các chính sách hỗ trợ hơn nữa để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Hợp đồng cao su giao tháng 2 của Sở giao dịch Osaka tăng 3,6 yên, tương đương 1,6%, lên 227,5 yên (1,59 USD)/kg, sau khi chạm mức cao nhất trong ba tuần trước đó. Sàn OSE đã đóng cửa vào thứ Hai để nghỉ lễ tại địa phương. Hợp đồng cao su giao tháng 1/2022 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 180 nhân dân tệ lên 13.135 nhân dân tệ (1.873 USD)/tấn. Hợp đồng cao su giao tháng 10 trên nền tảng SICOM của Sàn giao dịch Singapore mức 134,1 US cent/kg, tăng 1,4% so với phiên liền trước.
Những lo ngại đã gia tăng trong vài tháng qua về nhu cầu cao su ở nước mua hàng đầu là Trung Quốc, khi nước này phải vật lộn với cuộc khủng hoảng bất động sản, các đợt nắng nóng làm gián đoạn sản xuất và các đợt phong tỏa kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động công nghiệp và tiêu dùng.
Trung Quốc sẽ đẩy nhanh việc bơm vốn để xúc tiến việc xây dựng dự án và thúc đẩy tiêu dùng trong nước, cơ quan hoạch định chính sách quốc gia Trung Quốc cho biết hôm thứ Hai.
Sản lượng cao su tại nước xuất khẩu hàng đầu Thái Lan có thể bị ảnh hưởng bởi dự báo mưa lớn tiếp tục và cảnh báo lũ lụt trên khắp cả nước.
Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)