menu search
Đóng menu
Đóng

Triển vọng nguồn cung gia tăng từ Brazil có thể sẽ đẩy giá ngô suy yếu trở lại

15:50 30/05/2023

Mở cửa trở lại sau phiên nghỉ lễ đầu tuần, thị trường ngô đang chịu sức ép nhẹ và giá suy yếu về vùng hỗ trợ tâm lí 600. Sau tuần hồi phục mạnh trước đó, lực bán đang dần lấy lại ưu thế khi bối cảnh cơ bản và triển vọng nguồn cung sắp tới của ngô vẫn đang thiên về tác động “bearish”. Bên cạnh đó, việc giá ngô và giá lúa mì đang dần thu hẹp khoảng cách cũng sẽ là tín hiệu cho thấy giá ngô có thể chịu sức ép trong thời gian tới khi nhu cầu làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ thiên về lúa mì với tỉ lệ protein cao hơn.
 
Xét về nguồn cung, tiến độ thu hoạch ngô vụ 2 ở khu vực trung nam Brazil đạt 0,8% kế hoạch tính tới cuối tuần trước, so với mức 1,2% cùng kỳ năm ngoái, công ty tư vấn AgRural cho biết. Công việc thu hoạch vẫn tập trung ở Mato Grosso, "nơi tốc độ chậm hơn một chút so với một năm trước". Việc trồng trọt được thực hiện chậm hơn so với năm 2022, sau khi mưa làm giảm tốc độ thu hoạch đậu tương. Trên thực tế, hiện hoạt động thu hoạch ngô sớm mới chỉ bắt đầu ở Mato Grosso, bang sản xuất ngô vụ 2 lớn nhất của Brazil. Tính tới cuối tuần trước, 0,5% diện tích ngô dự kiến tại bang đã được thu hoạch, chậm hơn so với mức trung bình lịch sử, Viện Kinh tế Nông nghiệp Mato Grosso (Imea) cho biết. Các chuyên gia tại AgRural đánh giá rằng tốc độ thu hoạch ngô vụ 2 trong tuần này tại Brazil sẽ vẫn chậm, do nông dân đang chờ ngô giảm bớt độ ẩm. AgRural gần đây đã nâng dự báo tổng sản lượng ngô năm nay của Brazil lên mức kỷ lục 127,4 triệu tấn, so với mức 125,1 triệu tấn ước tính hồi tháng 04. Điều này đã gây áp lực lên giá ngũ cốc ở Brazil. Tuy nhiên, tháng 06 sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định quy mô cuối cùng của ngô vụ 2 ở Brazil, đặc biệt là tại các bang trồng ngô muộn hơn, AgRural cho biết. Với triển vọng ngô vụ 2 sẽ đạt mức kỷ lục cùng với khả năng xuất khẩu đưuọc đảm bảo thì giá ngô sẽ chịu áp lực bán trong trung hạn.

Triển vọng nguồn cung cà phê tích cực có thể khiến giá Arabica tiếp tục giảm
Kết thúc tuần giao dịch 22-28/05, giá hai mặt hàng cà phê cùng suy yếu nhưng mức độ có sự chênh lệch đáng kể. Giá Arabica giảm hơn 5% do triển vọng nguồn cung tích cực hơn trong niên vụ 2023/24 tại các quốc gia sản xuất hàng đầu như Brazil và Colombia. Giá Robusta suy yếu nhẹ chưa tới 1% khi sản lượng và tồn kho cà phê niên vụ 2023/24 tại Việt Nam dự báo có sự hồi phục tích cực.
Triển vọng nguồn cung tích cực tại các quốc gia sản xuất hàng đầu dường như đang chiếm ưu thế trong các thông tin cơ bản gần đây trên thị trường.
Sản lượng cà phê Arabica tại Brazil trong năm 2023 có thể tăng 16% so với năm trước lên mức 37, triệu bao loại 60kg, Cơ quan Cung ứng Mùa vụ thuộc Chính phủ Brazil (Conab) cho biết trong báo cáo kết quả khảo sát mùa vụ lần thứ hai. Đồng thời, nguồn cung cà phê tại Colombia cũng có sự phục hồi trong niên vụ 2023/24 với mức tăng lần lượt 2% và 3% so với niên vụ trước, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra trong báo cáo hàng năm về cà phê của nước này.
Xuất khẩu dự kiến sẽ được đẩy mạnh trong nửa cuối năm 2023 khi nguồn cung được bổ sung bởi vụ thu hoạch đang diễn ra tại Brazil, cả Conab và Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (Cecafe) đều đồng thuận với quan điểm này.
Tuy nhiên, không thể bỏ quan những hỗ trợ từ việc tồn kho Arabica trên Sở ICE US nối dài đà giảm từ tháng 02/2023 đến nay, và đã về mức thấp nhất trong 6 tháng.

Giá đồng có thể duy trì đà giảm do thiếu vắng động lực tăng
Yếu tố dẫn dắt thị trường hiện tại vẫn là các tin tức xoay quanh vấn đề nâng trần nợ công của Mỹ. Mặc dù tâm lý thị trường phần nào được củng cố sau khi Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã đạt được thỏa thuận tăng trần nợ và giới hạn chi tiêu.
Tuy nhiên, thỏa thuận vẫn đang chờ để được Hạ viện của Đảng Cộng hòa và Thượng viện của Đảng Dân chủ thông qua. Hơn nữa, mặc dù thỏa thuận có thể ngăn được khủng hoảng vỡ nợ nghiêm trọng, tuy nhiên việc đặt ra giới hạn chi tiêu có thể tạo thêm sức ép cho nền kinh tế Mỹ.
Chi tiêu Chính phủ có đóng góp gần 30% vào tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ. Do đó, nếu dự luật hạn chế chi tiêu bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/10 được thông qua, điều này có thể làm giảm 0,5% (YoY) trong tổng GDP của quý III và quý IV năm nay.
Thêm vào đó, khảo sát của Bloomberg chỉ ra khả năng Mỹ xảy ra suy thoái trong năm nay đã tăng lên 65%. Do đó, việc thông qua dự luật giới hạn chi tiêu có thể làm nghiêm trọng thêm nỗi lo suy thoái tại Mỹ. Với vai trò là thước đo sức khỏe của nền kinh tế, triển vọng tiêu thụ đồng ngày càng trở nên kém sắc, khiến giá có thể tiếp tục chịu sức ép.
Về phía Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ đồng hàng đầu, thị trường ngày càng mất niềm tin vào kỳ vọng phục hồi của nền kinh tế nước này. Ngoài những khó khăn trong việc duy trì đà tăng trưởng, Trung Quốc còn đang phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp rất cao. Theo dữ liệu chính thức từ Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 24 đạt mức 20,4%, gấp 4 lần so với tỷ lệ thất nghiệp ở người trong độ tuổi lao động nói chung.
Hoạt động kinh tế thu hẹp trong khi tình trạng thiếu việc làm tăng cao đang đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc và khiến cho triển vọng tiêu thụ các mặt hàng kim loại công nghiệp ngày càng kém sắc. Do đó, dự báo giá đồng có thể tiếp tục giảm trong phiên hôm nay. 

Giá dầu có thể giằng co trước khi Mỹ thông qua thoả thuận trần nợ
Hiện tại, các thông tin mang tính hỗ trợ giá dầu chủ yếu xoay quanh tiến triển trong cuộc đàm phán trần nợ công của Mỹ. Với việc Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện đã đạt được thoả thuận sơ bộ, đã giúp tâm lý các nhà đầu tư tích cực hơn.
Tuy nhiên, một số nhà lập pháp theo đường lối cứng rắn của Đảng Cộng hoà cho biết họ sẽ phản đối thỏa thuận nâng mức trần nợ 31,4 nghìn USD của Mỹ. Điều này cho thấy khó khăn vẫn còn tiềm ẩn và thị trường dầu thô khó có đà phục hồi bứt phá.
Thoả thuận sơ bộ thống nhất sẽ đình chỉ việc áp trần nợ đến năm 2025, tức là cho phép chính quyền Mỹ tự do vay tới năm 2025, trước khi một đợt nâng trần nợ công nữa cần được thông qua. Điểm vướng mắc lớn nhất trong các cuộc đàm phán giữa hai bên là mức tài trợ ngân sách cho rất nhiều các chương trình liên bang, liên quan tới tiến trình cắt giảm chi tiêu. Nếu thoả thuận có hiệu lực chính thức, về ngắn hạn có thế cải thiện tâm lý nhà đầu tư, thị trường rủi ro nói chung và giá dầu nói riêng có thể nhận được hỗ trợ. Tuy nhiên, về chiều sâu, cắt giảm chi tiêu cũng có thể gây áp lực đến tăng trưởng, việc làm.
Về mặt cung cầu, việc theo dõi tồn kho xăng dầu trong tuần này sẽ ảnh hưởng mạnh tới giá dầu do Mỹ bắt đầu bước vào mùa di chuyển cao điểm. Trong trường hợp tồn kho xăng dầu tiếp tục giảm sẽ là bằng chứng cho thấy nhu cầu đang tăng và sẽ hỗ trợ giá dầu.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng sẽ thận trọng trước thềm cuộc họp của OPEC+ vào 4/6 sau những lời cảnh báo từ Bộ trưởng Năng lượng của Saudi Arabia.

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Tags: Tin mxv
Link gốc