Tại đồng bằng sông Cửu Long, những trái cam non rụng đang được mua với giá 2.000 đồng/ki lô gam, còn nếu phơi khô xắt miếng có thể bán với giá 12.000 đồng/ki lô gam. Tại huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, nhiều nơi theo bảng mua trái cau non với giá 40.000 - 70.000 đồng/chục. Những thứ này, lâu nay, có đi năn nỉ… cho cũng chẳng ai lấy!
Rồi đến bông thanh long mà nông dân hay bẻ bớt để dưỡng cây hay lá mãng cầu…, được mua tất. Thương lái chỉ trả lời đơn giản: đóng thùng chuyển về TPHCM rồi chuyển ra biên giới phía Bắc, xuất sang Trung Quốc!
Theo Tiến sĩ Dương Văn Ni, Đại học Cần Thơ, khả năng phá hoại kinh tế thông qua việc mua cau non, cam non… là khó xảy ra. Đơn giản, nếu họ ngưng mua, thiệt hại của nông dân hầu như không có. Thiệt hại, nếu có, chỉ rơi vào những thương lái trung gian lỡ mua hàng vào, chưa tiêu thụ kịp thì nhận “lệnh” ngưng mua. Nhưng tổng cộng chắc cũng chỉ chừng vài tỉ đồng, bởi gom hết cả miền Tây, thì lượng cau non, cam non, bông thanh long… chẳng nhiều nhặn gì.
Theo ông Ni, giả như có phá hoại kinh tế thật, thì chỉ ngán ngại chính sách nơi cửa khẩu ở Trung Quốc. Mỗi ngày hàng ngàn xe dưa hấu, thanh long, các nông sản khác… nối đuôi nhau chờ xuất sang Trung Quốc. Chỉ cần họ thông báo hoãn nhập một ngày để chờ chính sách mới là nhiều thứ nông sản héo, hư phải đổ bỏ.
Trước những sự việc khó hiểu, chúng ta cần đặt câu hỏi cảnh giác. Nhưng với những mặt hàng như cam non, cau non, bông thanh long…, vốn bỏ đi cũng chẳng hại cây, hại người trồng, mà điều này chính các chuyên gia ngành nông nghiệp cũng xác nhận, thì có người mua là tốt. Miễn đừng phá vườn trồng theo là được.
Nhưng điều cần lưu ý, đôi khi đó là trò gian lận, thổi phồng để trục lợi, mà người gánh hậu quả là các thương lái trung gian.
Giả sử, một đầu nậu A nào đó ở TPHCM cấu kết với thương lái ma mãnh của Trung Quốc đặt mua cau non.
Loại này đóng thùng bảo quản được khá lâu. Ban đầu, A sẽ mua hết hàng mà các thương lái miền Tây chuyển về, thanh toán sòng phẳng. Hàng ấy, họ gom lại ở kho.
Chừng nửa tháng sau, A thông báo cho các thương lái là hàng đang hút, có bao nhiêu cứ gom hết. Thương lái chuyển hàng lên họ mua hết thật, với giá tăng hơn đợt trước 15%. Cùng lúc, A âm thầm chuyển đống cau non mình trữ ở kho lâu nay, nhờ người bán hộ với giá cao hơn chỉ cần 5%. Các thương lái cứ vô tư gom, chắc rằng đợt này trúng đậm. Nào ngờ, hàng chất đống mà A thì tắt máy điện thoại. Tìm lên kho lâu nay vẫn giao hàng, mới biết đó chỉ là kho cho thuê, A vừa trả lại và dọn đi…
Thực tế, năm rồi một số thương lái ở huyện Phong Điền phải chở đổ bỏ nhiều xe tải chuối non, vì đầu mối lớn đột ngột thông báo ngưng mua như vậy.
Hay như cách đây không lâu có chiêu trò mua tắc kè từ 350 gam trở lên với giá ngất ngưởng. Tiến sĩ Ni kể: “Trong 100 con tắc kè, chỉ có chừng… một con đạt trọng lượng ấy. Kẻ xấu tìm mua những con tắc kè lớn như vậy, rao giá 10 triệu đồng/con, bao nhiêu cũng mua hết. Ông A nghe vậy đặt hàng ông B, ông B tìm ông C nhờ mua, với giá thấp dần để ai cũng có thể kiếm lợi. Đến người cuối cùng, dè đâu mua lại những chú tắc kè của chính kẻ xấu, với giá 5 triệu đồng. Kẻ xấu biến mất ôm theo số tiền thu được nhờ bán tắc kè với giá 5 triệu đồng/con! Lúc đó, biết bao nhiêu người trúng kế”.
Cần cảnh giác với những bánh vẽ siêu lợi này!