Hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc về tăng đáng kể vài ngày gần đây. Tuy nhiên trái với dự đoán giá giảm do tỉ giá, nhiều mặt hàng lại tăng giá do yếu tố mùa vụ và lượng hàng nhập về thất thường.
Theo các tiểu thương, thị trường VN bắt đầu bước vào mùa ăn chay tháng 7 âm lịch, tiêu thụ các sản phẩm nông sản như rau củ quả đang có xu hướng tăng mạnh.
Rau củ Trung Quốc cao giá hơn hàng Đà Lạt
Tại chợ đầu mối Thủ Đức (TP.HCM), tiểu thương cho hay hàng hóa ba ngày gần đây có dấu hiệu tăng giá so với trước đó. Ví dụ khoai Trung Quốc nhích nhẹ lên 17.000 đồng/kg, tỏi Trung Quốc tăng thêm 19% từ 21.000 đồng lên 25.000 đồng/kg, gừng cũng tăng giá nhẹ... Theo các tiểu thương, lượng hàng về chợ có thời điểm biến động khan hàng dẫn đến tình trạng hàng hóa tăng giá nhẹ.
Trong khi đó tại chợ đầu mối Bình Điền, chị Phương - chủ sạp rau - cho hay hiện bắt đầu vào mùa rau củ Trung Quốc nhưng hàng loạt mặt hàng có dấu hiệu tăng giá như các loại bông cải, hàng củ. Bông cải trắng tăng từ 430.000 đồng lên 500.000 đồng/thùng 19kg, bông cải xanh từ 550.000 đồng nhảy lên 600.000 đồng/thùng khoảng ba ngày gần đây.
Riêng cà rốt tăng giá từ 100.000 lên 150.000 đồng/thùng 10kg... Theo giải thích của chị Phương, nguyên nhân tăng giá chủ yếu do sức mua khi rơi vào trúng ngày ăn chay, sức mua tăng dẫn đến hàng hóa tăng giá.
Tại những chợ lẻ, khoảng vài ngày gần đây các bà nội trợ bắt đầu “giật mình” vì ra chợ đụng đến rau củ nào cũng tăng giá. Chị Ngọc, ngụ Q.Bình Thạnh, cho biết ngày cuối tuần đi chợ mà “không tin nổi”, giá bông cải trắng lên 45.000 đồng/kg, cà rốt 22.000 đồng/kg, đậu Hà Lan 42.000 đồng/kg... tăng ít nhất 3.000 - 5.000 đồng/kg so với tuần trước. Theo chị Ngọc, người bán còn cho biết những mặt hàng tăng giá này là hàng Trung Quốc vì đang trái vụ.
Thậm chí cùng chủng loại, hàng Trung Quốc vẫn có giá cao hơn hàng Đà Lạt, chẳng hạn bông cải trắng Trung Quốc giá 44.000 - 45.000 đồng/kg thì bông cải VN chỉ có 15.000 - 16.000 đồng/kg, tương tự cà rốt Trung Quốc 22.000 đồng/kg nhưng giá cà rốt Đà Lạt chỉ 15.000 đồng/kg.
Theo ban quản lý chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, nhiều thống kê cho thấy lượng hàng về chợ hai tuần gần đây có xu hướng giảm, giá cả các mặt hàng tăng - giảm có tính cục bộ (tăng ở chợ này nhưng giảm ở chợ khác), nhưng phần lớn hàng Trung Quốc lại có xu hướng tăng giá rõ nhất.
Tuy nhiên, theo các tiểu thương, việc tăng giá rau củ mùa ăn chay diễn ra thường xuyên vào các năm. Năm nay hơi khác một chút là người tiêu dùng trông chờ hàng rau củ Trung Quốc sẽ giảm giá vì đồng tiền nước này đang mất giá, nên khi hàng Trung Quốc về chợ không giảm giá thì bị bất ngờ.
Kinh doanh hàng tiêu dùng có lời
Trái ngược hàng hóa tươi sống, nhiều tiểu thương nhập hàng tiêu dùng từ Trung Quốc về bán lẻ cho biết tỉ giá hàng hóa đã được điều chỉnh. Chị Dương Thùy Ninh (đường Đinh Tiên Hoàng, Q.1), chuyên nhập khẩu các loại trang sức từ Trung Quốc về, cho biết cách đây một ngày đầu mối phía Trung Quốc đã điều chỉnh tỉ giá từ 3.560 đồng/tệ nay giảm 30 đồng, còn 3.530 đồng/tệ.
Với mức giảm giá này, ngày mai chị Ninh đặt lô hàng mới khoảng 100 triệu đồng sẽ tiết kiệm được gần 1 triệu đồng so với giá nhập hàng hóa trước đây. “Nói chung tỉ giá giảm, mình bán hàng thoải mái hơn, biên độ giá cả cũng dễ tính toán để bán sỉ cũng như bán lẻ cho khách hơn” - chị Ninh khẳng định.
Trong khi đó, một đơn vị chuyên nhận vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc về cho biết lần điều chỉnh tỉ giá gần nhất của đơn vị này đối với khách mua hàng từ cuối tháng 3, với mức điều chỉnh mới đây đang xem xét khả năng điều chỉnh tiếp. Hiện mức quy đổi đồng tệ trong giao dịch của nhiều đơn vị giao nhận hàng hóa vẫn dao động từ mức 3.540 - 3.570 đồng.
Bà H., tiểu thương chợ An Đông (Q.5), cho biết với tỉ giá đang giao dịch hiện nay là 3.530 đồng/NDT, bà đang cân nhắc nhập thêm hàng Trung Quốc cao cấp về bán, vừa có hàng đẹp, giá cũng không cao quá so với hàng đang bán ở sạp.
Đại diện hệ thống siêu thị Maximark cũng cho rằng: “Từ đầu năm đến nay, xu hướng hàng hóa giảm giá rõ rệt hơn tăng giá nhưng tốc độ tiêu thụ vẫn chậm. Với mức tăng tỉ giá tiền đồng/USD là 1% hiện nay, nhà cung cấp cũng sẽ khó tăng giá”.
Theo đại diện Công ty Namilux, các đơn hàng của công ty thường ký trước ít nhất một tháng và ứng tiền ngay nên trước mắt chưa có nhiều thay đổi. Khi có biến động tỉ giá, giá nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng, công ty chọn hình thức chia sẻ rủi ro này với nhà phân phối thay vì tăng giá bán.
Lạm phát vẫn ở mức kiểm soát
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc nới biên độ tỉ giá dẫn đến giá USD tăng lên mức mới trong những ngày qua chắc chắn tác động phần nào đến giá cả các mặt hàng tiêu dùng.
Mặc dù chỉ số giá (CPI) tăng lên nhưng VN vẫn có thể tự tin kiểm soát được lạm phát, bởi mục tiêu đề ra cho cả năm là CPI tăng không quá 5% trong khi bảy tháng đầu năm CPI cả nước vẫn dưới 1%. Tỉ giá tăng sẽ không ảnh hưởng đến nỗ lực kiềm chế lạm phát của VN, nhưng sẽ tạo sức ép cho doanh nghiệp sản xuất trong nước.
VN phải tăng cường chống buôn lậu mới có thể đối phó với làn sóng hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn vào VN từ đây đến cuối năm.
Theo Dũng Tuấn - N.Bình
Tuổi trẻ
Nguồn:Tuổi trẻ