Ngày 14/9, chị Võ Thị Ngọc Bích (ngụ khóm 6, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) vẫn thất thần khi nhắc lại chuyện nợ tiền cước điện thoại cách đây hơn một năm.
“Lúc mất máy, chúng tôi có thông báo đến nhà mạng yêu cầu khóa số, nhưng không biết sao họ không khóa và sau đó đã gửi giấy báo cước điện thoại quá lớn đến”, chị Bích nói và cho biết không đồng ý với số tiền "khủng" mà nhà mạng yêu cầu chị thanh toán như trên, nên vụ việc được phân xử tại Tòa án huyện Phú Tân.
Theo chị Bích, đầu năm 2014, chị đến Trung tâm viễn thông Cái Nước - Phú Tân ký hợp đồng (lập ngày 15/1/2014) với các nội dung: đăng ký sử dụng thuê bao di động trả sau và ký gửi số tiền 5 triệu đồng, số điện thoại là 0945.853... Hai ngày sau khi sử dụng, chị Bích yêu cầu nhà mạng mở dịch vụ gọi và chuyển vùng quốc tế (international roaming).
Chị Bích khẳng định chị và người thân không thực hiện các cuộc gọi gây phát sinh cước 1,1 tỷ đồng.
“Đến ngày 18/1, tôi giao điện thoại cho người em mang theo khi du lịch Lào. Do không có hộ chiếu nên tôi không đi cùng. Khi tới Lào, em tôi phát hiện mất điện thoại vào khoảng 22h cùng ngày. Sáng hôm sau, em tôi gọi điện về cho nhân viên giao dịch của nơi đăng ký thông báo mất điện thoại, và yêu cầu nhà mạng khóa số”, chị Bích thuật lại.
Sau khi về nước, em chị Bích cũng không đến liên hệ lại với nơi cung cấp dịch vụ, vì nghĩ rằng mọi chuyện đã được giải quyết. Tuy nhiên, khi nhân viên viễn thông gửi giấy báo tiền cước tháng 1/2014, với số tiền 1.146.784.446 đồng, kèm theo danh sách 5.939 cuộc gọi, gia đình chị mới hốt hoảng.
Theo lời khách hàng này, nhiều chi tiết cuộc gọi không thể lý giải được như: cùng một thời điểm (cùng giây, cùng phút, cùng giờ), bảng kê chi tiết cho thấy có đến 9 cuộc gọi được thực hiện và đều bị tính phí, nhiều lúc chỉ trong một phút có thể thực hiện đến 49 cuộc gọi… "Nhân viên nhà mạng giải thích rằng việc này xuất phát từ dịch vụ chuyển cuộc gọi quốc tế, gây phát sinh những cuộc gọi chờm trong cùng một thời điểm và vẫn bị tính cước theo quy định", khách hàng này cho biết.
Chị Bích khẳng định từ khi đăng ký dịch vụ đến khi mất điện thoại, bản thân chị chỉ gọi 20 cuộc. Cụ thể ngày 16/1 gọi bốn lần, ngày 17/1 gọi 9 lần và ngày 18/1 gọi 7 lần… “Hầu hết các cuộc gọi trong hóa đơn đều phát sinh ngày 19/1/2014, vào lúc khoảng 8h. Lúc này em tôi đã mất máy điện thoại ở Lào”, chị lý giải.
Đến tháng 6/2014, Công ty Viễn thông Cà Mau (đơn vị quản lý Trung tâm viễn thông Cái Nước - Phú Tân) quyết định kiện chị Bích ra Tòa án huyện Phú Tân, về việc thiếu tiền cước điện thoại hơn 1,1 tỷ đồng không trả. Trong phiên hòa giải của tòa, phía khách hàng chỉ đồng ý trả tiền cước theo những cuộc gọi phát sinh mà chị và em trai thực hiện, trong khi nhà mạng vẫn giữ quan điểm yêu cầu chị Bích thanh toán đủ số tiền.
Thẩm phán Nguyễn Thành Phước, người được giao xử vụ án cho biết, hồ sơ vụ án có nhiều tình tiết phức tạp. “Danh sách cuộc gọi đều ở nước ngoài và có cả Somalia”, thẩm phán Phước nói.
Do vậy, Tòa án huyện Phú Tân đã có công văn gửi các cơ quan chuyên môn để làm rõ và được Cục Viễn thông (Bộ Thông tin Truyền thông) có văn bản trả lời. Theo Cục Viễn thông, do số thuê bao 0945. 853… đăng ký sử dụng dịch vụ gọi và chuyển vùng quốc tế, kèm theo dịch vụ chuyển tiếp cuộc gọi nên việc phát sinh cuộc gọi và việc tính cước như nội dung bảng kê chi tiết cước viễn thông là có khả năng xảy ra. Đó là trường hợp thuê bao này chuyển tiếp cuộc gọi tới một tổng đài (tổng đài trả lời tự động, các dịch vụ tư vấn thoại...).
Tuy nhiên, Cục Viễn thông cũng cho rằng số thuê bao này thực hiện chuyển tiếp cuộc gọi như nêu trên thì việc nhìn vào bảng kê chi tiết cước viễn thông cũng không thể khẳng định được các cuộc gọi có chờm hay trùng nhau. Do vậy, tòa án hiện vẫn chưa thể đưa ra xét xử được vụ kiện nêu trên.
Theo Phúc Hưng
VnExpress
Nguồn:VnExpress